Trung Quốc xây đảo ở các bãi đá tại Trường Sa như thế nào?

Những hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Trung Quốc gần như xây xong các đảo nhân tạo tại các bãi đá chiếm của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa tiếp tục làm nóng sự quan tâm của dư luận. Báo Đức Deutsche Welle (DW) ngày 20.2 có bài viết về cách thức Trung Quốc xây đảo và mục đích của việc này.

Những hình ảnh vệ tinh mới, công bố từ ngày 18.2  tiết lộ mức độ Trung Quốc cải tạo đất và xây dựng đảo nhân tạo tại các bãi đá ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Các chuyên gia cảnh báo những đảo mới này sẽ khiến cho việc phản đối yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh ngày càng khó khăn thêm.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở tại Washington, Mỹ phân tích các ảnh về tiến độ cải tạo đất và xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc, tập trung vào sáu bãi: Đá Gaven, Đá Gạc Ma, Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn (Philippines gọi là Mischief Reef), Đá Châu Viên, Đá Tư Nghĩa; và cho thấy việc xây cất đã được thực hiện ở một quy mô lớn hơn và tốc độ nhanh hơn so với dự kiến.

Cách thức xây đảo nhân tạo

Việc Trung Quốc xây dựng và cải tạo công trình ở các bãi đá chiếm đóng của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa không phải là mới. Bắc Kinh đã bắt đầu tiến hành công việc này tại Đá Vành Khăn không lâu sau khi chiếm đóng nó vào năm 1995. Và khi Trung Quốc chiếm một số đảo và bãi đá ở Trường Sa những năm 1980, hầu hết những nơi đó là bãi đá và rãn san hô nằm dưới mực nước biển, chỉ nổi lên khi thuỷ triều xuống, cùng vài bãi đá nổi.

Ông Gregory Poling, chuyên gia Đông Nam Á tại CSIS giải thích rằng quá trình cơ bản của việc mở rộng các bãi đá này chỉ đơn giản là nạo hút cát từ đáy biển và đổ nó lên các rạn san hô cạn xung quanh các cơ sở xây dựng trước đó của Trung Quốc. “Dần dần bãi đá được nâng lên trên mực nước biển, che giấu tình trạng ban đầu của bãi đá hoặc rạn san hô bên dưới”, ông Poling nói.

Cát phun lên sau đó được các xe ủi đất làm phẳng. Đến khi bãi cát tạo ra đúng theo yêu cầu, công nhân sẽ xây xung quanh hòn đảo mới này một hàng rào bê tông để chống lại sự xói lở và chống bão, và bắt đầu xây dựng các cơ sở mới trên đảo nhân tạo vừa hình thành: Bến cảng, sân bay trực thăng, các công trình quân sự và dân sự, và thậm chí là các đường băng nhỏ.

Đá Chữ Thập được Trung Quốc ồ ạt cải tạo và xây thành đảo nhân tạo, trên đảo có cả đường băng dài gần 1,5 km - Ảnh: - Ảnh: CSIS/IHS Jane’s

Đá Chữ Thập được Trung Quốc ồ ạt cải tạo và xây thành đảo nhân tạo, trên đảo có cả đường băng dài gần 1,5 km – Ảnh: – Ảnh: CSIS/IHS Jane’s

Vì sao phải xây đảo nhân tạo?

Lâu nay Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, phớt lờ chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và làm gia tăng các tranh chấp lãnh thổ. Mùa hè năm 2014, Trung Quốc đưa một giàn khoan dầu (Hải Dương-981) vào vùng biển của Việt Nam gần Hoàng Sa, gây ra căng thẳng trong khu vực.

Cho đến nay, các bên tranh chấp khác, đặc biệt là Philippines và Việt Nam đã đưa ra phản kháng mạnh mẽ rằng việc cải tạo đất và xây đảo như vậy của Trung Quốc đã vi phạm tinh thần của Tuyên bố năm 2002 về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Philippines cũng đã kiện Trung Quốc lên một toà án của Liên Hiệp Quốc năm 2014, thách thức tuyên bố chủ quyền Biển Đông của Bắc Kinh.

Nhưng trong khi tòa án cần có thời gian để quyết định, việc xây dựng đảo trên các bãi đá vẫn tiếp diễn, và Bắc Kinh dường như đang cố gắng để thay đổi tình hình thực địa nhằm để làm cho việc phán quyết của toà án khó khăn hơn, nếu không muốn nói là không thể, trong việc quyết định trạng thái ban đầu của các đối tượng này là đảo hay bãi đá, bãi cạn hay bãi ngầm.

Một ví dụ rõ ràng về chiến lược này của Trung Quốc là tại Đá Gạc Ma. Cho đến đầu năm 2014, công trình nhân tạo ở rạn san hô này chỉ là một cơ sở bằng bê tông nhỏ là nơi ở của một đơn vị thông tin liên lạc, xây dựng, và một bến tàu, theo hai nhà phân tích James Hardy và Sean O’Connor của tạp chí quốc phòng IHS Jane’s Defence Weekly (Mỹ).

Nhưng khu vực này hiện đã được bao quanh bởi một hòn đảo nhân tạo có chiều ngang rộng nhất khoảng 400 mét và có diện tích khoảng 100.000 mét vuông.

Thậm chí có suy đoán rằng Bắc Kinh có thể xây dựng một đường băng trên các rạn san hô, mặc dù một số chuyên gia cho rằng nó quá nhỏ để có một tác động về mặt chiến lược. Một đường băng dường như đã được xây dựng tại Đá Chữ Thập, là khu vực đã được mở rộng lên gấp 10 lần trong vài tháng qua, từ 80.000 m2 lên gần 1 km2 (960.000 m2), theo CSIS.

Các chuyên gia thừa nhận rằng đảo nhân tạo ở Đá Chữ Thập cuối cùng có thể trở thành một căn cứ quân sự lớn gấp 2 lần kích thước của căn cứ Diego Garcia (Anh – Mỹ) ở Ấn Độ Dương, cho phép nó trở thành trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Hải quân Trung Quốc.

CSIS cũng cho rằng một tòa nhà mới xây trên Đá Gaven là gần như giống hệt một toà nhà trên Đá Tư Nghĩa, đó là một tòa nhà hình vuông với một cấu trúc dường như là một tháp để chống máy bay.

Đá Gạc Ma của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ năm 1988. Sau khi cải tạo đất và xây dựng trong năm 2014, đến đầu năm 2015 Gạc Ma đã thành đảo nhân tạo rộng lớn, có cả sân bay trực thăng - Ảnh: CSIS/IHS Jane’s

Đá Gạc Ma của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ năm 1988. Sau khi cải tạo đất và xây dựng trong năm 2014, đến đầu năm 2015 Gạc Ma đã thành đảo nhân tạo rộng lớn, có cả sân bay trực thăng – Ảnh: CSIS/IHS Jane’s

Xây đảo nhân tạo để hiện thực hoá đường lưỡi bò ?

Tại sao Trung Quốc cải tạo đất và xây đảo nhân tạo? Theo ông Zachary Abuza, nhà nghiên cứu độc lập về an ninh khu vực Đông Nam Á, mục đích của các đảo nhân tạo là cung cấp cho Trung Quốc khả năng thực thi các yêu sách chủ quyền tới 90% Biển Đông theo như bản đồ đường chín đoạn (đường lưỡi bò) nước này đơn phương vẽ ra trên Biển Đông và gây ra áp lực với các bên tranh chấp khác.

“Những vùng đất cao mới xây sẽ cung cấp cho Trung Quốc khả năng triển khai sức mạnh lớn hơn nhiều, bằng cách biến các đảo này thành căn cứ hải quân, hải cảnh và không quân. Các cơ sở này cũng hỗ trợ công nghiệp đánh cá và thăm dò dầu khí ngoài khơi của Trung Quốc; mở rộng cả phạm vi và thời gian làm việc trong vùng Biển Đông”, ông Abuza nhấn mạnh.

Trong thực tế, Trung Quốc đã đưa một số giàn khoan dầu đến khu vực này vào cuối tháng 6.2014 nhằm đẩy mạnh thăm dò dầu khí ở vùng biển có tiềm năng giàu dầu khí này.

“Trung Quốc đang nói với các nước láng giềng rằng họ sẽ khẳng định cái gọi là “quyền lịch sử” của họ với các nguồn tài nguyên biển như dầu mỏ, khí đốt và đánh cá bên trong đường chín đoạn, đường mà phần lớn các chuyên gia pháp lý quốc tế coi như không tương thích với Công ước 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS)”, ông Ian Storey, một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore nói với DW.

Trong bối cảnh này, nhà phân tích Abuza chỉ ra rằng việc thực thi đường lưỡi bò là một thành phần quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc nhằm ngăn cản các nước khác đánh cá và thăm dò dầu khí trên Biển Đông với việc tuyên bố chủ quyền có hay không có sự thừa nhận đường lưỡi bò của rung Quốc.

Ngoài ra còn có những lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng các đảo này như các cơ sở quân sự để áp đặt một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Trước đó Trung Quốc đơn phương tuyên bố một ADIZ ở trên Biển Hoa Đông, nhưng không thể thực thi tuyên bố này hoàn toàn vì bị quân đội Mỹ thách thức.

Do vậy ông Abuza lập luận, đây là lý do Trung Quốc đầu tiên muốn có các khả năng quân sự của mình tại chỗ trước khi đưa ra một tuyên bố đơn phương về ADIZ trên Biển Đông mà họ không thể thực thi nó được.

Nhưng chuyên gia Poling của CSIS thì lại có ý kiến trái ngược khi nói rằng các trang thiết bị trên các hòn đảo nhân tạo sẽ cho phép Trung Quốc khả năng tuần tra hàng hải và giám sát trên không lớn hơn, nước này không có khả năng thực thi bất kỳ ADIZ nào trong tương lai.

Tàu Hải quân Việt Nam thường trực xung quanh đảo Song Tử Tây ở quần đảo Trường Sa, làm nhiệm vụ vận tải - canh gác, đẩy đuổi các tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền và bảo vệ tàu cá Việt Nam đánh bắt ở đây - Ảnh: Mai Thanh Hải

Tàu Hải quân Việt Nam thường trực xung quanh đảo Song Tử Tây ở quần đảo Trường Sa, làm nhiệm vụ vận tải – canh gác, đẩy đuổi các tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền và bảo vệ tàu cá Việt Nam đánh bắt ở đây – Ảnh: Mai Thanh Hải

“Trung Quốc lúng túng khi không thể ngăn cản Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ liên tục vi phạm ADIZ Trung Quốc áp đặt ở Biển Hoa Đông, và đó cũng là khả năng của lực lượng không quân Trung Quốc có căn cứ ở đất liền”.

Và ông Poling cũng nhận xét rằng thật khó có thể tưởng tượng rằng Trung Quốc có thể duy trì sự hiện diện một lực lượng không quân đủ lớn trên các đảo đá nhỏ bé ở Trường Sa để chống sự vi phạm ADIZ từ các quốc gia xung quanh, cũng như từ quân đội Mỹ.

Cho đến nay Bắc Kinh đã làm ngơ các phản đối của cộng đồng quốc tế, khi cho rằng quyền sở hữu của Trung Quốc với Biển Đông là “không thể chối cãi”. Trong khi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) là rõ ràng khi nêu rằng một vùng đặc quyền kinh tế không thể đến từ một hòn đảo nhân tạo, chuyên gia Abuza nói.

Và dĩ nhiên những hành động này của Trung Quốc không chỉ chọc giận các nước láng giềng, mà còn khiến các nước trong khu vực như Việt Nam và Philippines tăng cường sâu sắc thêm các mối quan hệ ngoại giao và quân sự với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ là các nước cũng đang ngày càng quan tâm đến quy mô, phạm vi và tốc độ cải tạo đất và xây đảo của Trung Quốc. Các nhà phân tích tin rằng sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc có thể làm các nước trong khu vực xích lại gần nhau hơn.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Có 3 phản hồi cho bài viết “Trung Quốc xây đảo ở các bãi đá tại Trường Sa như thế nào?”:

  1. Kiep Phongsuong viết:

    Trung Quốc đang trong thời gian nuôi béo để thịt của Mỹ

  2. Huong Lan viết:

    Ôi được mấy hơi vài cơn thịnh nộ của biển khơi cựa mình một cái là dạ tràng xe cát biển đông em kitai ơi

  3. Daniel Ng viết:

    Ôi HD981 chỉ là muỗi!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề