Trung Đông bất mãn với Obama

Thủ tướng Israel luôn bực dọc với việc họ cho là chính quyền Obama đang tìm mọi cách, bất chấp lợi ích của Israel, để đạt được một “thỏa thuận chính trị” với Iran.

Khi thuyết trình tại Quốc hội Mỹ tuần trước, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nêu ra ba điều kiện thiết thân với “lợi ích sống còn” của Israel mà Iran “phải thực hiện” trước khi các nước lớn ký một thỏa thuận với Iran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

Ba điều kiện đó là: Iran phải “chấm dứt bành trướng” sang các quốc gia (Ả Rập) trong khu vực, “chấm dứt bảo trợ khủng bố” và “chấm dứt đe dọa xóa Israel trên bản đồ”!

Thủ tướng Israel luôn bực dọc với việc họ cho là chính quyền Obama đang tìm mọi cách, bất chấp lợi ích của Israel, để đạt được một “thỏa thuận chính trị” với Iran vào cuối tháng 3 này, làm “khung” cho thỏa thuận chi tiết cuối cùng vào cuối tháng 6, khép lại “vấn đề hạt nhân Iran” đã kéo dài suốt 10 năm nay.

Ông Netanyahu đã công khai gọi thỏa thuận mà Mỹ đang hướng tới với Iran là “rất xấu”. Theo ông, thỏa thuận ấy sẽ “bỏ mặc cho Iran với chương trình hạt nhân rộng lớn của họ”, do đó “đe dọa sự tồn vong của Israel”!

Việc thủ tướng Israel đến phát biểu tại Quốc hội Mỹ (mà không gặp Tổng thống Obama) để công khai bày tỏ sự bất bình của mình cho thấy mức độ bất mãn “vượt giới hạn thông lệ quốc tế” khi Israel vẫn thật sự là “đồng minh số 1” của Mỹ tại Trung Đông.

Đáng chú ý là hai trong ba điều kiện mà ông Netanyahu nêu ra có thể được coi là “nói thay” cho cả người Ả Rập.

Các chính quyền Ả Rập, mà Vương quốc Saudi Arabia là đại diện, không công khai to tiếng, nhưng thật sự rất bất bình trước việc mà họ cho là chính quyền Obama “làm ngơ” cho Iran “bành trướng sang khu vực Đông Ả Rập”.

Thực tế là từ khi Mỹ rút hoàn toàn khỏi Iraq cuối năm 2011, các lực lượng theo dòng Hồi giáo Shiite thân Iran tại Syria, Libăng, Iraq và Yemen đã được tiếp sức mạnh mẽ và giành thế lấn lướt vượt trội trong các cuộc tranh chấp với các thế lực theo dòng Sunni tại các quốc gia ấy.

Các giới chức cao cấp Mỹ, kể cả Tổng thống Obama và Ngoại trưởng John Kerry, đã nhiều lần qua lại vùng Vịnh, nhất là Saudi Arabia để nhỏ to giải thích, phân bua rằng việc đạt được thỏa thuận với Iran về vấn đề hạt nhân “sẽ đảm bảo an toàn và ổn định hơn” cho vùng Vịnh.

Nhưng người Ả Rập vẫn thấy một mặt Iran tiếp tục lấn tới trên thực địa vào sâu khu vực Đông Ả Rập; mặt khác, không có yếu tố vững chắc nào để tin là Iran sẽ không thể có bom hạt nhân sau khi họ đã ký thỏa thuận với các nước lớn!

Đố kỵ giữa người Ả Rập với Iran là vấn đề “thâm căn cố đế” đậm đặc yếu tố thù địch lịch sử sắc tộc và tranh chấp hiện hành “khó đội trời chung” giữa hai dòng Hồi giáo Sunni với Shiite.

Trước những thực tế đang diễn ra, người Ả Rập – đồng minh chiến lược của Mỹ tại Trung Đông – đoan chắc rằng Mỹ đang tìm kiếm cải thiện quan hệ với Iran bất chấp việc ấy “tổn hại đến lợi ích an ninh và ổn định” của Ả Rập.

Trong khi đó, Iran tiếp tục kiên trì chiến thuật rất thành công của họ: luôn cho Mỹ nuôi dưỡng hi vọng về một thỏa thuận “sắp đạt được”, đồng thời lẳng lặng ráo riết trợ giúp cho các thế lực Shiite tại nhiều quốc gia khu vực Đông Ả Rập.

Bất mãn với lập trường của chính quyền Obama, cảm thấy không thể tiếp tục dựa vào “cái ô” của Mỹ để đối trọng với Iran như trước, cả Israel và Ả Rập đang hành động để “tự cứu mình”.

Israel vẫn luôn khẳng định “quyền đơn phương hành động” chống lại “tham vọng hạt nhân của Iran”.

Người Ả Rập lẳng lặng toan tính trong nội bộ Ả Rập và Hồi giáo (Sunni). Saudi Arabia và Ai Cập đang vận động thành lập một “lực lượng chung Ả Rập chống khủng bố”.

Thậm chí, một cuộc chạy đua “hạt nhân hòa bình” cũng đã manh nha với những diễn biến ngay hồi đầu tuần này: tân vương Salman của Saudi Arabia “họp thượng đỉnh” với Thủ tướng Pakistan (một quốc gia Hồi giáo có bom hạt nhân) Nawaz Sharif và ký với tổng thống Hàn Quốc “bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân hòa bình”…

Hồi cuối năm ngoái, Ai Cập cũng đã ký với Nga một “bản ghi nhớ” tương tự.

Chưa biết hồi kết của đàm phán về chương trình hạt nhân Iran thế nào. Nhưng có đạt được thỏa thuận như chính quyền Obama kỳ vọng hay không thì cũng chưa thấy yếu tố nào hứa hẹn có thêm ổn định cho khu vực Trung Đông luôn nóng bỏng này!

Tuổi trẻ


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề