Đưa ra những tuyên bố không rõ ràng khi lên án hành động tuần tra của Mỹ trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo, Trung Quốc tìm cách né những cơ sở tố cáo Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế.
Tàu USS Lassen Mỹ điều vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở Trường Sa. Ảnh:Navsource.org |
Phản ứng chính thức của Trung Quốc với việc hải quân Mỹ thực hiện hoạt động “tự do hàng hải” (FON) khi tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam là một câu đố đa ngữ. Khi xem xét kỹ các tuyên bố bằng tiếng Trung của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Graham Webster, nhà nghiên cứu quan hệ Mỹ – Trung viết trên The Diplomat rằng Bắc Kinh đã toan tính trong từng câu chữ, trong nỗ lực dường như để duy trì sự mơ hồ mang tính chiến lược.
Liệu các quan chức Trung Quốc có tin rằng hải quân Mỹ đã vi phạm chủ quyền Trung Quốc không? Theo Wester, đây là điều không rõ ràng. Họ có tuyên bố Bắc Kinh có chủ quyền với vùng bao quanh các đảo nhân tạo – điều không đúng với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) hay không? Đây cũng là điều không rõ ràng. Bắc Kinh có nêu chính xác lý do vì sao hành động của Mỹ được mô tả là bất hợp pháp hay không? Không hẳn, nhưng cánh cửa cho câu hỏi này vừa được hé mở.
Tuyên bố chính thức của Trung Quốc gần như hoàn hảo trong việc bỏ ngỏ những câu hỏi này. Hồi tháng 5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo hoạt động FON của Mỹ là “sự xâm phạm chủ quyền và gây nguy hại đối với an ninh quốc gia Trung Quốc”. Hồi đầu tháng này, bà Hoa cũng tuyên bố phản đối “hành vi xâm phạm lãnh hải và không phận Trung Quốc”.
Việc sử dụng từ “lãnh hải” và “vi phạm” đặt chính quyền Trung Quốc vào một thử thách. Nhìn chung, chỉ có các thực thể vẫn nổi lên mặt nước khi thủy triều lên, đáp ứng quy chế về đảo, mới có thể được hưởng lãnh hải 12 hải lý, theo UNCLOS. Khi hải quân Mỹ đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo, thực chất là bãi cạn nửa chìm nửa nổi, thì Trung Quốc đã “há miệng mắc quai” khi nói về “lãnh hải” hoặc phàn nàn về việc “xâm phạm” chủ quyền. Nguyên nhân là do Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố chủ quyền không được UNCLOS chấp nhận.
Theo Webster, hoạt động tuần tra của Mỹ được thiết kế rõ ràng để đánh vào điểm đó. Bằng cách vào trong phạm vi 12 hải lý quanh bãi đá ngầm Subi và Vành Khăn, thực thể ngập hoàn toàn khi thủy triều lên, liệu Mỹ có khiến các quan chức Trung Quốc cắn câu?
Theo vnexpress
Trả lời