Thả sớm thuỷ thủ, Iran cải thiện quan hệ với Mỹ

Việc Iran thả 10 thủy thủ Mỹ trong chưa đầy 24 giờ sau khi bắt giữ ở vịnh Ba Tư được coi là dấu hiệu cải thiện quan hệ giữa hai nước kể từ khi ký kết thoả thuận hạt nhân.

Một tàu tuần tra của Hải quân Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ
Một tàu tuần tra của Hải quân Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ

“Sau khi xin lỗi và được xác nhận việc đi vào lãnh hải Iran là không chủ ý, các thuỷ thủ Mỹ đã được thả ở vùng biển quốc tế trên vịnh Ba Tư”, kênh IRINN phát tin trước 10h sáng hôm qua, dẫn tuyên bố của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo.

Bộ tư lệnh Trung ương Hải quân Mỹ (NAVCENT) tại Bahrain xác nhận thông tin này, khẳng định “không có dấu hiệu cho thấy thủy thủ bị thương trong thời gian giam giữ ngắn”. Theo nguồn tin của Bộ Quốc phòng, họ đã được đưa tới một căn cứ quân sự của Mỹ ở Qatar và Hải quân đang điều tra nguyên nhân.

Nối lại đàm phán

Theo Washington Post, Ngoại trường Mỹ John Kerry đã thực hiện ít nhất 5 cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran nhằm giải quyết vụ việc.

Kerry cảm ơn sự hợp tác của Iran để nhanh chóng giải quyết vấn đề này, đồng thời nhận định động thái trên là kết quả của quá trình trao đổi thường xuyên giữa Tehran và Washington, sau hơn ba thập kỷ thù địch.

Phát biểu tại Đại học Quốc phòng ở Washington, ông Kerry nói rằng mối quan tâm của ông là quan hệ ngoại giao với đất nước “mà chúng ta đã không nói chuyện 35 năm” trước khi đạt được kết quả đàm phán hạt nhân.

“Luôn có những tình huống mà mọi người đều biết rằng, nếu không được xử lý đúng đắn, có thể vượt ngoài tầm kiểm soát. Tất cả chúng ta có thể tưởng tượng một tình huống tương tự xảy ra cách đây 3-4 năm có thể dẫn đến hậu quả như thế nào”, ngoại trưởng nhấn mạnh.

Trong tuyên bố, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter khen ngợi cách xử lý kịp thời này và cảm ơn cam kết ngoại giao của ông Kerry đã giúp các thuỷ thủ nhanh chóng trở về.

Theo New York Times, dù hai nước vẫn còn chặng đường dài trước khi bình thường hoá quan hệ, giới phân tích nhận định không khí ít căng thẳng và cáo buộc hiện nay cho thấy ưu tiên của Tehran và Washington đang thay đổi.

“Giới lãnh đạo cấp cao của Iran không tìm cách gây căng thẳng với Mỹ”, nhà báo Nader Karimi Joni, người từng phục vụ cho Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, nói. Dưới thời của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, mọi chuyện sẽ hoàn toàn khác.

“Giờ đây, mọi thứ đã thay đổi. Cả hai bên, Mỹ và Iran, duy trì liên lạc trực tiếp và tìm kiếm giải pháp hoà bình. Không có chủ nghĩa bài Mỹ”, ông nói thêm.

Thả sớm thuỷ thủ, Iran cải thiện quan hệ với Mỹ
10 thuỷ thủ Mỹ được trao trả trong vòng chưa đầy 24 giờ. Ảnh: Fox News

Hai tàu tuần tra của Mỹ bị bắt giữ với cáo buộc xâm phạm lãnh hải Iran, gần một căn cứ hải quân chính. Trong trường hợp tương tự năm 2007, 15 lính thuỷ đánh bộ của Anh đã bị giam giữ 13 ngày trước khi Tổng thống Ahmadinejad tuyên bố thả. Sự việc gây căng thẳng kéo dài trong mối quan hệ giữa Tehran và phương Tây.

“Lần này, người Mỹ đã hợp tác để chứng minh sự vô tội của họ và nhanh chóng nhận lỗi mà không phản kháng. Các thuỷ thủ đã xin lỗi vì đi lạc vào lãnh hải Iran”, nhà phân tích Hamid Reza Taraghi nói, nhấn mạnh rằng trong vụ việc hôm 13/1, cả Mỹ và Iran đều tìm cách hạ nhiệt căng thẳng.

Hợp tác

Một yếu tố đóng vai trò quan trọng khác là mối quan hệ cải thiện giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp của Iran Mohammad Javad Zarif, trong quá trình đàm phán về thỏa thuận hạt nhân.

“Ông Kerry và Zarif đã điện đàm trong nhiều giờ và điều này giúp các vấn đề được giải quyết một cách nhanh chóng vì họ từng tiếp xúc trực tiếp”, Taraghi nhận định.

Chánh văn phòng Nhà Trắng Denis McDonough cho rằng còn quá sớm để rút ra bài học từ sự việc, nhưng không thể phủ nhận mối quan hệ giữa ông Kerry và Zarif có vai trò lớn.

“Sự can thiệp sớm và quyết đoán của ngoại trưởng Mỹ cùng các kênh đối thoại mà ông đã gây dựng với người đồng cấp của Iran rất quan trọng”, McDonough khẳng định.

Vụ bắt giữ 10 thuỷ thủ xảy ra chỉ vài ngày trước khi thoả thuận hạt nhân mà Iran và nhóm P5+1 đạt được trong năm ngoái chính thức có hiệu lực, theo đó Mỹ sẽ cho huỷ bỏ lệnh đóng băng số tài sản trị giá 100 tỷ USD. Thoả thuận sẽ thực thi sau khi thanh tra quốc tế xác nhận Iran chuyển 98% nguyên liệu hạt nhân ra ngoài đất nước, vô hiệu hoá và loại bỏ các máy ly tâm, ngưng hoạt động một lò phản ứng plutonium lớn.

Giới chức Mỹ và Trung Đông tin rằng các hành động gần đây của Hải quân Iran với lực lượng của Mỹ ở vùng vịnh có thể nhằm gây khó khăn cho Zarif và Tổng thống Hassan Rouhani. Vệ binh Cách mạng chịu trách nhiệm cho phía quân sự của chương trình hạt nhân và nhiều sĩ quan cấp cao của họ phản đối thỏa thuận hạt nhân của Iran.

Việc hoàn thành thỏa thuận lịch sử có thể được coi là lối thoát cho Iran khỏi các lệnh trừng phạt và mở đường cho kinh tế. Đây cũng là mối quan tâm của ông Rouhni trước cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 2.

Các quan chức cấp cao Mỹ cho biết họ vẫn chưa chắc chắn về động thái chính trị ở Iran sau cuộc điện đàm của người đứng đầu ngành ngoại giao hai nước.

“Bạn có thể tưởng tượng tình huống ông Zarif nói với quân đội Iran rằng họ đang gây nguy hiểm cho thỏa thuận hạt nhân và bị phản bác. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Đó là một tin tốt”, một quan chức của Mỹ nói.

Theo zing.vn


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề