Người Việt Nam đầu tiên giành huy chương đồng tay nghề thế giới

Nguyễn Thanh Duy, người Việt Nam đầu tiên giành huy chương đồng tại cuộc thi tay nghề thế giới lần thứ 43 diễn ra từ 5-16.8. 2015 tại Brasil. Tấm huy chương đồng đầu tiên sau nhiều năm tham gia đấu trường này đã khẳng định chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam so với các nước phát triển như Đức, Hà Lan, Nhật Bản…

Khi nhiều người vui mừng vì lần đầu tiên Việt Nam giành được huy chương tại kỳ thi tay nghề thế giới thì Nguyễn Duy Thanh, chủ nhân của chiếc huy chương quý giá ấy lại thật thà chia sẻ: “Khi đăng ký thi cấp Bộ, mình chỉ nghĩ đơn giản là phải cố gắng vượt qua vòng loại ở trường để được đi máy bay và ra Hà Nội”.

Cứ trước một kỳ thi, Thanh lại đặt ra một mục tiêu cụ thể, rồi lần lượt chinh phục nó: Nhất cuộc thi cấp Bộ, chiếm luôn vị trí đầu bảng cuộc thi nghề cấp quốc gia, sau đó là dành huy chương đồng kỳ thi tay nghề thế giới. Chia sẻ về thành quả đạt được, Thanh bảo: “Học trước hết là cho mình, kỳ thi nào dù lớn nhỏ thì cũng sẽ cho mình những kinh nghiệm và kỹ năng, thứ sinh viên Việt Nam mình đang rất thiếu”.

“Cây sào” có sức bền và ý chí thép

Nguyễn Duy Thanh sinh năm 1993, quê Bến Tre, đang là sinh viên năm thứ 4 ngành công nghệ thông tin trường Đại học Công nghiệp TP.HCM. Thanh cao chừng 1m8, lênh khênh như cây sào, mặt hiền khô đúng kiểu con trai miền Tây. Thanh mê máy tính từ hồi lớp 6, bắt đầu chơi game cũng từ lớp 6.

Đến lớp 10, Thanh được bố mẹ đầu tư cho một bộ máy vi tính cũ, mua lại từ một người quen. Mê máy tính, Thanh càng muốn biết tại sao một cái máy nhỏ như vậy lại có thể “chứa” cả thế giới. Thích game, và mỗi lần chơi Thanh mày mò tìm hiểu vì sao nó lại thế, người ta đã làm thế nào để nó ra như vậy, mình có hóa giải được nó không…

Thanh kể, ngày đăng ký thi đại học, Thanh không rành lắm về nghề nghiệp sau này, chỉ nghĩ đơn giản là thích máy tính thì phải thi vào ngành công nghệ thông tin. Thanh đậu đại học năm 2011, bạn bè cùng lứa đã ra trường và đi làm, riêng Thanh do tham gia khóa đào tạo 13 tháng ở Hàn Quốc nên tốt nghiệp chậm một năm.

Khi Thanh đạt được huy chương đồng tay nghề thế giới, bạn bè nhiều người khuyên “đừng học nữa, đi làm luôn” nhưng Thanh gạt đi: “Ở thời mà bằng đại học trở nên phổ cập thì một sinh viên được đào tạo kỹ năng tốt sẽ nổi trội hơn hơn. Nhưng có thêm bằng đại học vẫn tốt hơn”.

Với suy nghĩ đó, dù tập đoàn Samsung hứa tài trợ cho Thanh một số suất học bổng và sẽ tạo điều kiện cho Thanh vào làm việc, nhưng Thanh vẫn quyết tâm học xong đại học, học thêm tiếng Anh và tiếng Hàn. “Phải chuẩn bị thật tốt để bắt đầu. Có kỹ năng nhưng không có ngoại ngữ mình sẽ không có nhiều cơ hội được học hỏi cái mới” – Thanh chia sẻ. Với Thanh, yếu ngoại ngữ là điều Thanh hối tiếc nhất trong thời gian học tập ở Hàn Quốc và những ngày thi tay nghề ở Brasil.

Nguyễn Duy Thanh (trái ảnh) tại cuộc thi tay nghề thế giới lần 43 ở Brasil

Nguyễn Duy Thanh (trái ảnh) tại cuộc thi tay nghề thế giới lần 43 ở Brasil

“Những sinh viên trong khóa đào tạo và cùng thi tay nghề đều là những người giỏi, nếu mình nói tốt tiếng Anh thì mình đã kết bạn được với nhiều người hơn, học hỏi được nhiều điều từ họ. Tôi chỉ cho phép mình hối tiếc một lần thôi”. Chính suy nghĩ đó, 13 tháng ở Hàn Quốc, bạn bè tỏ ra khá tiếc nuối vì sao Thanh không đi chơi, khám phá Hàn Quốc. Thanh chỉ cười: “Mình qua đó để học thì trước hết phải học cho tốt, để thi có kết quả tốt, sau này làm nghề tốt, đi chơi bằng tiền của chính mình thì thoải mái hơn”.

Nhận xét về chàng sinh viên Bến Tre, ông Cao Văn Sâm – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) chia sẻ: “Duy Thanh có một nội lực, ý chí và sức bền rất đáng nể. Em đã vượt qua rất nhiều rào cản tâm lý trong luyện tập cũng như thi đấu. 13 tháng đào tạo ở Hàn Quốc với những khó khăn về ngôn ngữ giao tiếp, đặc biệt trong kỳ thi tay nghề, thí sinh phải làm bài liên tục từ 18-22 giờ, 22 thí sinh với 23 giám thị. Không khí phòng thi căng thẳng nhưng Thanh đã vượt qua và đạt được kết quả tốt”.

Học trước hết là cho mình

Trong cuộc thi tay nghề thế giới lần thứ 43 diễn ra từ 5-16.8. 2015 tại Brasil, Nguyễn Duy Thanh với nội dung thi “Giải pháp phần mềm công nghệ thông tin cho doanh nghiệp” đã đạt 535/600 điểm, xếp thứ 3 trong tổng số 22 thí sinh đại diện các nước tham dự. Theo lời ông Cao Văn Sâm, thành tích của Duy Thanh có ý nghĩa rất lớn bởi đây là lần đầu tiên Việt Nam đạt được huy chương ở đấu trường này sau nhiều năm tham gia.

Tấm huy chương đồng đã khẳng định chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam so với các nước phát triển như Đức, Hà Lan, Nhật Bản… Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, tấm huy chương đã góp phần khẳng định trình độ tay nghề của lao động trẻ Việt Nam so với lao động trẻ các nước phát triển.

Chia sẻ về thành tích đạt được, Duy Thanh cho rằng, cái mình được nhất chính là kỹ năng tay nghề, có cơ hội được tìm hiểu sâu về kiến thức chuyên ngành. Đặc biệt, việc được Tập đoàn Samsung tuyển chọn đào tạo 13 tháng tại ở Hàn Quốc đã cho Duy Thanh những bài học về tác phong làm việc chuyên nghiệp, môi trường làm việc công nghiệp và có phần khắc nghiệt. “Hai tháng đầu tiên ở Hàn Quốc khá căng thẳng” – Thanh nhớ lại.

Thanh bắt đầu ngày làm việc và học tập từ 7h30, 7h50 bắt đầu họp. Trong khoảng 20 đến 30 phút, các học viên sẽ báo cáo công việc ngày hôm qua, kế hoạch ngày hôm nay, những ý tưởng mới. Theo quy định, ngày học của học viên kéo dài đến 21h nhưng “hiếm có ai về giờ đó, ai cũng ở lại làm hết việc và thường rời khỏi công ty khi 23 giờ”.

Thanh nói, “sinh viên Hàn Quốc có quyết tâm rất cao. Họ được định hướng nghề nghiệp từ khi còn ngồi trên ghế phổ thông, khi đăng ký thi tuyển vào đại học, họ xác định rõ mình phải làm việc ở lĩnh vực nào. Trong quá trình học, sinh viên Hàn Quốc tập trung nghiên cứu sâu lĩnh vực mà họ đã chọn, không dàn trải.

Việc kết nối giữa trường đại học và các doanh nghiệp ở Hàn Quốc cũng khá tốt, trong quá trình học đại học, các sinh viên Hàn Quốc sẽ được đào tạo thực hành, rèn kỹ năng nghề, tác phong làm việc ở các doanh nghiệp mà sau này có thể họ sẽ làm việc ở đó. Nên sinh viên ra trường đã có kinh nghiệm, doanh nghiệp không phải đào tạo lại và đặc biệt điều mà sinh viên Hàn Quốc hơn hẳn sinh viên Việt Nam là kỹ năng mềm”.

Nguyễn Duy Thanh (trá): “Học trước hết là cho mình” Thanh nêu ví dụ, cùng là tân kỹ sư công nghệ thông tin, cùng được yêu cầu viết một phần mềm trò chơi cho điện thoại di động nhưng để thuyết phục được doanh nghiệp mua sản phẩm đó thì tân kỹ sư Hàn Quốc làm tốt hơn. Sinh viên Hàn Quốc được dạy rằng họ là một người tạo ra sản phẩm thì phải có kỹ năng bán được nó, họ được trang bị kỹ năng thuyết phục khách hàng vì sao phải mua nó. Khách hàng chỉ cần đưa ra mục tiêu, còn làm thế nào là chuyện của kỹ sư, kỹ sư phải là người đưa ra phương án tốt nhất cho doanh nghiệp.

Bắt đầu khóa học, khi Thanh mới khởi động thì các sinh viên Hàn Quốc, những đối thủ của Thanh tại kỳ thi tay nghề thế giới, gần như đã tăng tốc. Thanh kể, lúc đó chỉ có một mục tiêu là phải nhanh chóng khắc phục những hạn chế của bản thân. Nghĩ vậy, khi ban huấn luyện ra đề tài để kiểm tra hàng tháng thì Thanh đề xuất hai tuần ra một đề tài và được đồng ý. Bởi với Thanh, làm càng nhiều đề tài thì mình càng vững, càng có nhiều kinh nghiệm. Thế là mỗi tháng Thanh thực hiện hai chuyên đề như phần mềm quản lý một cửa tiệm, phần mềm bán hàng…

Sau 13 tháng rèn luyện, Thanh hạ quyết tâm: “Cuộc thi tay nghề thế giới sắp tới phải vượt lên trên Hàn Quốc, phải giành được huy chương”. Kết quả, Thanh đứng ở vị trí thứ 3, sau Thụy Sĩ và Hàn Quốc. Thanh bảo: “Mục tiêu đặt ra mới đạt một nửa, có huy chương nhưng vẫn xếp sau bạn Hàn Quốc. Với kết quả như vậy mình sẽ phải tiếp tục cố gắng hơn nữa”.

Trí Lê (Theo NLĐ)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề