Tết nơi xa xứ

Đầu tháng 12 hàng năm, mọi nơi, mọi người lại nao nức chuẩn bị cho ngày lễ Năm mới 1.1. Cửa hàng chăng đèn kết hoa, dựng cây thông với những đồ trang trí lấp lánh. Các bà nội trợ lên danh sách những món ăn trên bàn tiệc, lên danh sách những món quà cần mua tặng người thân, để rồi những ngày cận tết, ta sẽ gặp những người đàn ông hay đàn bà cầm một tờ giấy trên tay, trong siêu thị, hối hả kiếm tìm món đồ mình cần mua, vội vã gạch đi những gì mình đã mua được và chiếc xe hàng cứ một đầy thêm. Đúng thời gian đó, những người Việt trên xứ tuyết Ukraina lại chạnh lòng nghĩ đến một ngày Tết khác, một ngày Tết mà chỉ có họ, âm thầm nhớ thương và chuẩn bị,thiếu vắng không khí dồn nén của đợi chờ, của hối hả và vội vã tiễn năm cũ đi, đón năm mới đến.

Vào những năm 80 của thế kỉ trước, khi những người Việt bình dị đầu tiên đến đất nước này làm việc và lao động, mọi hương vị quê nhà còn thiếu thốn, ngày Tết nguyên đán vẫn được họ bằng tất cả sự khéo léo và sáng tạo làm sửng sốt những thực khách, vốn là những bạn bè cùng phân xưởng, những thợ cả, những thầy cô giáo người bản xứ.được mời dự tiệc tất niên. Tôi còn nhớ, ở ký túc xá nơi tôi sống, các bạn gái đã chuẩn bị cho Tết từ rất lâu bằng những miếng vỏ dưa hấu cất đi để làm mứt thay cho mứt bí ngày tết, những chiếc nồi nghi ngút khói tráng miến bằng bột khoai tây, những lõi bắp cải để tỉa hoa trắng nõn cho món dưa góp. Cận Tết, cả ký túc xá nao nức, các nồi ủ giá đỗ úp ngăn nắp ngoài bếp tập thể, bạn nọ than phiền với bạn kia, sao giá của mình lâu lên quá; các bếp gần như không được nghỉ vì các bạn sên mứt, mứt cà rốt, khoai tây, củ cải…! Và rồi Tết đến, các bạn bản xứ sẽ liên tục hỏi, đây là món gì, đây là cái gì và kinh ngạc trước sự tinh tế của món ăn Việt chỉ bằng những thứ nguyên liệu giản dị mà các bạn không ngờ tới.

12669714_930643003686074_424603621206636739_n
Sau khi Ukraina độc lập, nhiều người Việt nam trở về quê nhà, nhưng lại có dòng người Việt ồn ào trở lại đất nước xinh đẹp và mến khách này. Bắt đầu từ khi ấy, các phong tục tập quán đón Tết nguyên đán từ Việt nam được du nhập gần như nguyên vẹn sang quê hương mới. Năm 1993, sau nhiều năm mơ ước, làm việc hết sức và tiết kiệm tối đa, hai vợ chồng tôi mua được một chiếc xe Opel Ascona cũ kỹ. Vào dịp tết năm ấy, vì có xe ô tô, vì nhu cầu có gà sống nguyên con của cộng đồng người Việt mình, chồng tôi quyết định đi buôn gà! Nghĩa là sẽ về nông thôn, tìm đến các hộ dân để mua gà trống. Mua được 10 con gà về bán, chúng tôi lãi ra được một con gà cho ngày Tết của mình. Khi ấy chúng tôi còn trẻ lắm, không biết phải cắt tiết, làm thịt gà thế nào. Tôi đành chờ các anh chị sống cùng ký túc xá cắt tiết xong gà của họ rồi mới rụt rè nhờ cắt tiết hộ con gà của mình. Tết ấy là cái tết đầu tiên tôi có một con gà nguyên con để cúng giao thừa, vì trước kia, chúng tôi chỉ có thể mua gà đã làm sẵn, không có đầu cũng chẳng có chân ! Sau này, khi chúng tôi có thể tự mình thuê nhà ở riêng, Tết đến, gà thì có mà người cắt tiết hộ chẳng còn nữa.. Chồng tôi run run liếc mãi con dao vào dụng cụ mài dao rồi thì thào, tao xin lỗi mày, xin lỗi gà nhé ! Tôi cũng vô cùng căng thẳng giữ chặt chân và cánh của con gà trống màu đỏ rực nhắc nhở, không phải thế, phải bảo là tao hóa kiếp cho mày sang kiếp khác chứ ! Cho đến tận bây giờ, mỗi năm một lần, chồng tôi phải cắt tiết gà cho ngày Tết thì vẫn cứ như thế thôi, tao hóa kiếp cho mày sang kiếp khác nhé, xin lỗi, xin lỗi ! Vậy mà đã cả hai chục năm trôi qua, cứ mỗi dịp tết đến, người Việt mình lại nhao nhác hỏi nhau, năm nay đã đặt gà chưa ? Có điều bây giờ những con gà cho lúc giao thừa này đã được người bán làm sạch sẽ, tiết, lòng mề của con gà nào gói riêng cho con gà ấy để tiện lợi cho bà con bận làm việc đến tận tối muộn mới về đến nhà. Và thế là dù cho mưa gió, dù cho tuyết rơi hay ngoài đường băng giá, mỗi dịp Tết đến xuân về ở quê nhà thì trong mỗi căn nhà của người Việt nơi xa xôi này vẫn có một góc trang trọng nghi ngút khói hương, với mâm ngũ quả và con gà trống ngậm bông hồng đỏ tiễn năm cũ đi, đón năm mới đến. Mâm cỗ ngày xuân cũng chẳng còn là vấn đề gì nan giải nữa, mọi thứ chúng tôi có thể mua ở quầy bán đồ khô ở chợ của người Việt, hoặc thậm chí ngay cả trong siêu thị, bánh đa nem, bánh phồng tôm, bún miến, nước mắm, xì dầu…đều có sẵn. Các anh chị em người Việt ta cũng sẵn sàng phục vụ những kẻ hèn kém như tôi bánh chưng giò, chả…hay mứt kẹo quê nhà. Thế là dù ở rất xa, nhưng mâm cỗ tất niên cả nhà quây quần vẫn cứ nồng nàn hương vị Việt.

12669714_930643003686074_424603621206636739_n
Khoảng hơn chục năm trở lại đây, khi cộng đồng người Việt tại Ukraina bắt đầu ổn định, mỗi dịp Tết lại là một dịp tụ họp của cả cộng đồng với bàn tiệc đầy đủ bánh chưng xanh, giò chả, xôi gà…Mọi người gặp nhau, tay bắt mặt mừng, chúc nhau năm mới làm ăn thuận lợi, sức khỏe dồi dào rồi cùng chung vui với những tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn mà không kém phần hào hứng và chuyên nghiệp. Ở những thành phố nhỏ, cộng đồng chỉ vẻn vẹn một vài chục người cũng không thể thiếu màn đến thăm nhau mà khi ra về ai cũng chuếnh choáng men say, má hồng môi đỏ cho năm tới được thêm nhiều may mắn. Hình như những âu lo, hối hả thường ngày cũng đành nhường bước cho tâm tạng ấm áp vui xuân dù rằng ngoài kia vẫn đang băng giá!

Hồng Giang Kiev 4/2/2016, nhằm 26 tháng Chạp năm Ất mùi.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề