Sính ngoại

Phải chăng tâm lý thích hàng ngoại, bằng khen quốc tế, kỷ lục thế giới, lời khen của người nước ngoài là để khỏa lấp nỗi buồn nhược tiểu của người Việt từ bao đời nay?

Tuần qua, các trang báo, diễn đàn mạng một phen xôn xao vì chuyện thần đồng Đỗ Nhật Nam nhận được giấy khen của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Bằng khen hàng loạt

Khỏi phải nói, các báo xúm vào phân tích chi tiết lá thư của ông Obama ghi rằng “Những học sinh giỏi giang năng động như em đã truyền cảm hứng cho tôi. Tôi biết em sẽ dùng kiến thức và đam mê của mình để tự định hướng tương lai, nỗ lực giúp đỡ những người xung quanh. Em hãy tự chuẩn bị cho sự thành công của chính mình, góp phần viết chương tiếp theo trong câu chuyện lớn của nước Mỹ”. Niềm tự hào lan tỏa trong cộng đồng chưa được bao lâu thì trang Facebook của một hãng thông tấn nước ngoài đã bóc mẽ rằng mỗi năm có khoảng ba triệu học sinh giỏi tại Mỹ nhận được thư khen có chữ ký in sẵn của tổng thống chứ không riêng gì Đỗ Nhật Nam.

Kỳ thực, từ nhiều năm trước, các báo đã “trung thành” với môtíp viết bài ca ngợi những học sinh, du học sinh Việt Nam nhận được giấy khen của các đời tổng thống Mỹ. Tất nhiên, những trường hợp này đều đáng khích lệ nhưng có nhất thiết phải tự hào quá mức đến độ người ta bỏ qua chi tiết quan trọng rằng đây là thư khen hàng loạt? Không chỉ trong lĩnh vực giáo dục, tình trạng khoe giải thưởng, bằng cấp nước ngoài đã lây lan như bệnh dịch trong xã hội. Trong vụ một trong những “thánh cô cô bóc” bị bắt mới đây, cần lưu ý đây là nguồn tin giúp bóc mẽ giải thưởng “Nữ hoàng bikini châu Á” của người mẫu N.T. là “hàng dựng”.

Nguyên do lịch sử?

Có ý kiến cho rằng căn bệnh sính ngoại đang tồn tại trong xã hội là một hình thái của sự phân biệt chủng tộc ngược, xem cái gì của Tây cũng tốt, đẹp và giá trị hơn của ta. Chẳng hạn, người Việt rất thích nghe người nước ngoài khen du lịch Việt Nam, món ăn và thắng cảnh một số địa phương nước ta lọt vào tốp 5, 10 quốc tế. Ít ai đặt vấn đề liệu lời khen, sự công nhận ấy có giá trị thật sự hay chỉ mang tính chiếu lệ, xã giao. Với mặc định rằng Tây hơn ta, dường như tâm lý nhược tiểu đã ăn sâu vào tiềm thức người dân Việt. Đã có người lý giải nguyên do là trong một thời gian dài, chủ nghĩa bành trướng Đại Hán cũng như giai đoạn bị người Pháp nô dịch đã hủy diệt di sản của cha ông ta khiến nhiều thế hệ mất gốc và sống trong mặc cảm tự ti.

Tuy vậy cũng không thể loại trừ lý do là vị thế và sự thịnh vượng của một quốc gia quyết định sự tự tin hay tự ti của công dân quốc gia đó. Rõ ràng bạn khó ngẩng cao đầu khi hộ chiếu của mình là một rào cản mỗi khi muốn đi thăm thú, học hành tại các nước phát triển như Anh, Mỹ, Nhật… Bạn có bao giờ tự hỏi vì sao nhiều người Việt bây giờ có khuynh hướng post ảnh khoe khoang mình đã nhận được visa du lịch/du học Mỹ trên Facebook như một thành tích đáng nể? Một công dân Nhật hoặc Singapore chắc chắn không hiểu được “niềm vui vô bờ bến” này vì cả thế giới biết vị thế của quốc gia mà họ sinh sống.

Đáng lo ngại, mặt trái của sự tự ti và tâm lý nhược tiểu là mỗi khi xây dựng một công trình hay đền chùa, tượng đài, người Việt lại muốn làm cho “to nhất, dài nhất thế giới” để quốc tế phải ngưỡng mộ. Nhưng hỡi ôi, làm sao người nước ngoài ngưỡng mộ được khi họ biết rõ là đằng sau những kỷ lục mang tính phô trương ấy, đa số người dân Việt vẫn phải chạy từng bữa ăn trong lúc gánh nợ công đang chất chồng lên đầu!

Vũ Văn (Theo PLHCM)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề