Sau 10 năm, ngành cơ khí có bước nhảy vọt về… nhập siêu

Năm 2006, ngành cơ khí nhập khẩu 8,7 tỷ USD. Tới năm 2015, con số này đã là 26,53 tỷ USD, tăng gấp 3 lần.

Số liệu trong báo cáo về ngành cơ khí của Bộ Công thương cho thấy một điều đáng buồn. Đó là nhập khẩu ngành cơ khí Việt Nam trong gần 10 năm qua tăng mạnh.

Cụ thể, năm 2006 giá trị nhập khẩu của ngành cơ khí Việt Nam là 8,7 tỷ USD thì tới năm 2012, giá trị nhập khẩu cơ khí đã là 22,4 tỷ USD. Năm 2013, giá trị nhập khẩu ngành cơ khí ước đạt 24,8 tỷ USD. Đến năm 2014, giá trị nhập khẩu ngành cơ khí năm là 26,53 tỷ USD, con số này tăng gấp 3 lần so với 8,7 tỷ USD năm 2006.

Nhập khẩu lớn như vậy dẫn tới tình trạng nhập siêu. Năm 2013 và 2014 nhập siêu ở mức khoảng 14 tỷ USD. Nhập siêu đặc biệt lớn ở mảng phụ tùng cơ khí.

Bên cạnh đó, nhìn vào chỉ tiêu chính về sản xuất, kinh doanh của ngành cơ khí trong giai đoạn 2003-2013 có thể thấy, tuy giá trị sản xuất năm sau cao hơn năm trước nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước của ngành cơ khí năm 2012 mới đạt 32,58% (thấp hơn mục tiêu của chiến lược là đáp ứng 40-50% nhu cầu trong nước vào năm 2010).

Điều này cho thấy rằng tình tình thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam (2001-2010) còn nhiều bất cập. Phần lớn các lĩnh vực chưa đạt chỉ tiêu đề ra, trong đó đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí và phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến ngành cơ khí Việt Nam thất thế trên sân nhà?

7

Doanh nghiệp cho rằng vấn đề ở chính sách.

Ông Nguyễn Tăng Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghiệp Quang Trung cho hay, chính sách hỗ trợ ngành cơ khí dù có nhiều nhưng không định lượng được sẽ đầu tư bao nhiêu tiền, ai là người theo dõi, sơ kết, đánh giá… Chẳng hạn như chính sách vay vốn, dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp khi có dự án tốt được vay vốn ưu đãi nhưng khâu tiếp cận lại rất khó khăn vì phải đáp ứng rất nhiều hồ sơ, thủ tục.

Đối với ngành cơ khí, để chế tạo một sản phẩm hàng hóa phải qua 7 bước bao gồm thiết kế, chế tạo khuôn mẫu, tạo phôi, gia công cắt gọt, lắp ráp, thử nghiệm, xuất xưởng… Hiện nay chúng ta nặng về khâu lắp ráp, các khâu còn lại chúng ta không quan tâm đầu tư.

Theo đó, ông Cường đề xuất, để phát triển ngành cơ khí, trong điều kiện nguồn lực có hạn thì nên đầu tư có trọng điểm như đầu tư vào khâu thiết kế. “Đây là khâu quan trọng mà các ngành khác đều cần, ví dụ như giao thông, xây dựng, chế tạo máy…”, ông Cường nói.

Trong khi đó, theo ông Trần Văn Quang, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh, nguyên nhân khiến khác doanh nghiệp nội địa gặp khó là tình trạng nhập khẩu cơ khí tự do. Mặc dù các sản phẩm trong nước đã sản xuất được và đăng ký với Bộ Công Thương đã trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp nội địa.

Vị này khẳng định: “Đối với doanh nghiệp, quan trọng là thị trường vì dù có cơ chế như thế nào nếu không có thị trường, đầu tư cũng phá sản và không dám đầu tư”.

Nguồn nhân lực còn kém cả về chất và lượng cũng dẫn đến ngành cơ khí đã khó lại càng khó khăn hơn, ông Ngô Quang Quý – Phó Tổng Giám đốc Công ty lắp máy Việt Nam (Lilama) nhận định.

Chính phủ trả lời thế nào?

Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng ​kết luận, do đặc thù doanh nghiệp ngành cơ khí chủ yếu vừa và nhỏ nên không chỉ thiếu vốn mà thiếu cả con người. Từ bài học ngành công nghiệp ô tô, để phát triển ngành công nghiệp cơ khí, Thứ trưởng Hưng cho rằng, cần phải có một chính sách hỗ trợ chung cho các ngành công nghiệp phụ trợ khác.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, trước mắt nhà nước c​ó thể ​đẩy mạnh những chính sách chung như tạo dung lượng thị trường để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh, qua đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.

Trí Lê (Theo Trí Thức Trẻ)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề