Nội bộ EU lục đục vì Hiệp ước Schengen

Dòng người nhập cư tiếp tục tạo nên những áp lực nặng nề đối với các nước châu Âu. Để ngăn chặn dòng người nhập cư, một loạt quốc gia châu Âu đã đơn phương ngừng thực hiện Hiệp ước Schengen (tự do đi lại trong EU), thậm chí lên tiếng chỉ trích nhau.

Tờ Expert.ru (Nga) đưa tin, Đức – quốc gia có thái độ cởi mở nhất đối với vấn đề người nhập cư, lại chính là quốc gia đầu tiên trong EU tạm ngừng thực hiện Schengen khi thiết lập trạm kiểm soát tại biên giới vào ngày 13/9. Đức cũng chặn các tuyến tàu hỏa chạy tuyến Áo-Đức sau khi lượng kỷ lục 14,5 nghìn người nhập cư vào Đức chỉ trong 2 ngày nghỉ.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere đã phải tổ chức họp báo để công bố thông tin về việc Đức tạm dừng thực hiện Schengen. Sau Đức, Áo và Slovakia cũng tuyên bố áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm soát biên giới để ngăn chặn dòng người nhập cư từ Syria và các nước Trung Cận Đông. Slovakia, ngoài việc đóng cửa biên giới, còn bố trí 220 binh sỹ túc trực tại một số điểm ở biên giới nhằm ngăn người nhập cư.

Để giải quyết tình trạng này, EU đã quyết định tiến hành một cuộc họp khẩn cấp của Bộ trưởng Nội vụ tất cả 28 nước thành viên. Nội dung chính của cuộc họp là thảo luận đề nghị của Ủy ban châu Âu về việc áp dụng hạn ngạch bắt buộc trong việc bố trí người nhập cư tùy theo khả năng kinh tế của từng nước. Châu Âu dự định sẽ tiếp nhận 160 nghìn người nhập cư trong vòng 2 năm.

Tuy nhiên, ý tưởng này đã vấp phải sự chỉ trích kịch liệt từ các nước Đông Âu. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã buộc tội Thủ tướng Đức Angela Merkel gây ra khủng hoảng nhập cư khi quyết định mở cửa biên giới cho người nhập cư. Trả lời phỏng vấn tờ Bild của Đức ngày 13/9, ông Orban tuyên bố “lãnh đạo châu Âu đang sống trong thế giới ảo tưởng”.

Quân đội Hungary hiện đang tiến hành luyện tập nhằm thực hiện các chiến dịch đặc biệt chống người nhập cư, đồng thời sẽ nhanh chóng lập nên bức tường ở biên giới với Serbia. Kể từ ngày 15/9, việc xâm nhập trái phép vào biên giới Hungary sẽ phải đối mặt với án phạt tù giam.

Cộng hòa Czech cũng là quốc gia ủng hộ việc đóng cửa biên giới và ngừng thực hiện Hiệp ước Schengen. Phát biểu tại cuộc họp báo sau phiên họp của chính phủ, Phó Thủ tướng Cộng hòa Czech, Andrey Babish khẳng định: “Điều cần thiết hiện nay là đóng cửa biên giới bên ngoài của khối Schengen và bảo vệ từ bên ngoài, chứ không phải từ bên trong”.

Theo ông Babish, nếu như chỉ một phần dòng người nhập cư ở lại châu Âu không chỉ phải quan tâm đến họ mà còn phải tìm ra một giải pháp tổng thể để ngăn chặn dòng người nhập cư khác tìm cách thâm nhập châu Âu. Việc cung cấp tài chính cho hoạt động của Frontex (tổ chức phòng chống người nhập cư lậu từ trên không và trên biển của Liên minh châu Âu) là không hợp lý vì Frontex không có đủ lực lượng và chức năng để kiểm soát biên giới.

Ông Babish cũng chỉ trích lãnh đạo Đức: “Bà Merkel đã lên tiếng kêu gọi người nhập cư đến Đức nhưng giờ lại tỏ ra ngạc nhiên khi có hơn 10 nghìn người đến Đức chỉ trong mấy ngày nghỉ”. Do ngày càng nhiều quốc gia ngừng thực hiện Schengen, Pháp đã lên tiếng hối thúc tất cả các nước thành viên tuân thủ nghiêm Schengen.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bối cảnh tình hình hiện nay khiến lời kêu gọi của Pháp khó có thể được đáp ứng mà chỉ khiến mâu thuẫn trong nội bộ EU về vấn đề này thêm gia tăng. Tính từ đầu năm 2015 đến nay đã có khoảng 350 nghìn người nhập cư đến châu Âu. Ủy ban châu Âu cho biết cuộc khủng hoảng nhập cư lần này là cuộc khủng hoảng lớn nhất trên thế giới kể từ Thế chiến II.

Hiệp ước Schengen cho phép công dân 26 nước tham gia Schengen tự do đi lại trong khuôn khổ các nước thành viên mà không cần visa. Người có visa Schengen được cấp tại bất cứ quốc gia nào là thành viên của Schengen cũng được hưởng đặc quyền này.

Theo infonet


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề