Một điểm ca tài tử tại Khu du lịch Cồn Phụng (Bến Tre) rất được du khách thích thú, tuy nhiên giới trẻ tại địa phương lại… không mê!. Ảnh: N.H
Mừng heo đẻ, bò đẻ
Câu chuyện là về một gia đình tại Cà Mau thuê nguyên dàn nhạc về phục vụ đám giỗ đến 2 ngày, ca hát rùm beng cách đây 3 năm, nay không còn hiếm tại các tỉnh ĐBSCL. Bởi vì theo “phong trào”, thuê dàn nhạc với hệ thống âm thanh ngoài trời là chuyện… đương nhiên. Xưa, ở vùng thôn quê, khi có đám cưới, đám hỏi, nhiều người mới có cơ hội nghe nhạc sống. Còn giờ, đám giỗ, lễ thôi nôi – đầy tháng, mừng nhà mới, mừng con thi đậu đại học, mừng con có việc làm, mừng lên chức… cũng thuê nhạc sống về ca hát. Ông Nguyễn Anh Tài (ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) thậm chí còn cung cấp thêm “sự kiện” chơi nhạc sống không giống ai tại địa phương này: Mừng heo đẻ, người dân cũng thuê nhạc sống về chơi!
Tại tỉnh Vĩnh Long, anh Phan Văn Rong thuê luôn một đoàn nhạc sống về nhà ca hát để ăn mừng con bò vừa mới đẻ. Anh lý giải chuyện nghịch lý này theo hướng… có lý: “Tôi có máu văn nghệ, rất thích hát, hò. Con bò ra đời, tôi thuê dàn nhạc về hát với hy vọng những lời ca, tiếng hát, những lời chúc tụng tốt đẹp của người thân, bạn bè sẽ mang lại niềm vui và con bê sẽ vì thế mà hay ăn mau lớn”.
Tại xã Long Điền, huyện Đông Hải, Bạc Liêu giữa tháng 10.2015, hai nhà cùng xóm có đám giỗ. Cả hai thuê hai giàn nhạc sống về ca hát phục vụ. Gia chủ là hộ trung bình trong xóm, nên chỉ thuê hai giờ, mỗi giờ 300.000 đồng. Tuy nhiên, không biết hai “bầu sô” tức khí thế nào mà “chơi” cho đến rạng sáng ngày hôm sau khiến cả xóm một phen bị nhạc sống tra tấn.
Theo khảo sát của Sở VHTTDL tỉnh Bến Tre, nguyên cớ để người dân thuê nhạc sống có rất nhiều, từ đám cưới, đám hỏi, đám ma, thôi nôi, đầy tháng… thậm chí chẳng có sự kiện gì, chỉ tổ chức nhậu chơi cũng thuê nhạc sống về hát cho “dzui”. Ông Huỳnh Văn Hùng – Giám đốc Sở VHTTDL Bến Tre, cho biết, nhạc sống là văn hóa văn nghệ quần chúng, khá phát triển thời gian gần đây. Nhiều địa phương, người dân tự tạo sân chơi cho mình và nhạc sống là một loại hình sinh hoạt văn hóa đang phát triển mạnh. Đây là điều đáng mừng vì nhu cầu hưởng thụ, sinh hoạt vui chơi văn hóa, văn nghệ của người dân được nâng lên, nhưng địa phương cũng đau đầu vì người dân mở nhạc quá to, quá khuya, gây ầm ĩ, ảnh hưởng tới người dân xung quanh.
Rất khó xử lý
Các tụ điểm karaoke phải được xin phép, với quy định giờ giấc, địa điểm đàng hoàng, còn nhạc sống lưu động cho đến nay chưa có quy định nào. Bến Tre là tỉnh đầu tiên tại ĐBSCL xử phạt một tụ điểm nhạc sống 5 triệu đồng vì hát quá to, gây phiền hà cho người dân. Trước tình trạng quá nhiều người dân phản ảnh hiện tượng nhạc sống gây phiền hà, UBND tỉnh Sóc Trăng có văn bản đề nghị các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra. Dù vậy biện pháp chính vẫn là nhắc nhở.
Ông Trần Thanh Phúc – Phó Giám đốc Sở VHTTDL Tiền Giang, cho biết, để chấn chỉnh nhạc sống (chủ yếu là do gây tiếng ồn), UBND tỉnh giao cho Sở VHTTDL kiểm tra, thanh tra, nhưng hiện tại sở này không có trang bị máy đo tiếng ồn. Ông Phúc chia sẻ: “Vấn đề xử lý tiếng ồn là vô cùng khó khăn, bởi nhạc to, ồn đến mức nào thì phạt. Chúng tôi không có máy đo, máy đo này đang ở Sở Tài nguyên – Môi trường, mà theo quy định của pháp luật thì người sử dụng phải được tập huấn, có cấp chứng nhận sử dụng”. Chế tài xử lý nhạc sống chủ yếu là do gây tiếng ồn, còn chuyện người dân thuê nhạc sống phục vụ vào dịp gì cho đến nay vẫn chưa có cơ quan nào quy định. Chính vì vậy, thanh tra Sở VHTTDL Tiền Giang mới dừng ở chuyện nhắc nhở chứ chưa xử phạt, ông Phúc thông tin.
Văn nghệ là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống con người. Sau những giờ làm việc, lao động, học tập mệt nhọc, căng thẳng, hòa mình vào giai điệu âm nhạc có thể xả stress, thoải mái đầu óc và khôi phục sức lực cho ngày làm việc hôm sau. Nhưng nếu tình cảnh nhạc sống diễn ra hàng giờ, hàng ngày, hàng đêm đinh tai nhức óc như ở một số địa phương hiện nay – quả là sướng ít người khổ trăm người!
TS Trần Công Chánh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế, Chủ tịch Hội tâm lý Bạc Liêu, cho biết, bữa ăn, tiệc tùng tại các nước trên thế giới rất quan trọng. Hầu hết các bữa tiệc đều có nhạc, nhưng thường là những bản nhạc du dương, dễ nghe. Người nước ngoài đến Việt Nam, họ rất lấy làm lạ, rằng, đám, tiệc mà nhạc ầm ĩ, “bung” âm thanh quá lớn như vậy làm sao người ta ăn uống, nói năng gì được với nhau?
Trả lời