Mặt Trăng: Nơi hoà giải của các cường quốc?

Giáo sư Johann-Dietrich Woerner chỉ vừa đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Cơ quan Vũ trụ châu Âu không lâu.

Là người trông coi khoản ngân sách thường niên trị giá 4,4 tỷ euro, ông Woerner, cựu Chủ tịch cơ quan vũ trụ của Đức, có trách nhiệm đối với tất cả mọi thứ ở Esa, từ trạm quan sát mới ở châu Âu, dự báo thời tiết, thông tin liên lạc, vệ tinh chỉ đường, các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), các nhiệm vụ thám hiểm Sao Hoả, Sao Thuỷ và Sao Mộc.

Khi hỏi ông về ý định sắp tới ở Esa, tôi đã nghĩ đến một câu trả lời dễ đoán và đậm sắc thái chính trị về những lợi ích kinh tế và xã hội hay khoa học mà việc thám hiểm vũ trụ mang lại.

Tuy nhiên, Woerner khiến tôi bất ngờ bởi cái nhìn đầy tham vọng và táo bạo của ông về tương lai của hoạt động thám hiểm vũ trụ.

“Chúng ta nên nhìn xa hơn Trạm Không gian Quốc tế”, ông nói với tôi.

“Chúng ta nên dựa vào một tàu vũ trụ nhỏ hơn, hoạt động trong quỹ đạo gần Trái Đất để nghiên cứu vi hấp dẫn và tôi đề xuất việc xây dựng một ngôi làng ở góc xa của Mặt Trăng.

Vâng, một ngôi làng trên Mặt Trăng.

Cũng cái nhìn táo bạo tương tự đã khiến Nasa đưa phi hành gia đặt chân lên Mặt Trăng vào những năm 60, nhưng ngày nay, có lẽ là do những giới hạn chính trị, cơ quan vũ trụ của Hoa Kỳ có vẻ như đang thiếu đi tham vọng.

“Một ngôi làng trên Mặt Trăng không chỉ có nghĩa là chỉ bao gồm những ngôi nhà, một nhà thờ và một toà thị chính”.

“Ngôi làng trên Mặt Trăng này đồng nghĩa với việc các đối tác từ khắp thế giới sẽ đóng góp vào cộng đồng này bằng các nhiệm vụ do người máy hoặc các phi hành gia thực hiện và các vệ tinh liên lạc”.

Máy in 3D

Có nhiều lý do tốt để quay lại Mặt Trăng nhằm phục vụ cho các nghiên cứu khoa học cũng như sử dụng nơi này làm bàn đạp để giúp nhân loại xúc tiến khám phá Hệ Mặt Trời.

“Ở phía xa của Mặt Trăng rất thú vị vì chúng ta có thể dùng các kính viễn vọng để quan sát kĩ vũ trụ, chúng ta có thể thực hiện các nghiên cứu khoa học về Mặt Trăng và khía cạnh quốc tế của ý tưởng này cũng rất đặc biệt”m ông nói.

“Người Mỹ muốn đến Sao Hoả càng sớm càng tốt và tôi chưa biết chúng ta phải làm điều đó bằng cách nào. Trước khi lên Sao Hoả, chúng ta nên thử nghiệm những gì có thể làm ở đó trên mặt Trăng.”

Ví dụ, theo đề xuất của Woerner, công nghệ xây dựng một căn cứ trên Sao Hoả bằng máy in 3D của Nasa nên được thử nghiệm trước trên Mặt Trăng.

Việc học cách sống trên một hành tinh lạ sẽ rất khó khăn, nhưng thách thức sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, nhất là trong các trường hợp khẩn cấp, nếu cộng đồng sống ở một hành tinh khác chỉ cách Trái Đất bốn ngày, thay vì 6 tháng.

Theo tưởng tượng của Woerner, ngôi làng trên Mặt Trăng này sẽ là một địa điểm đa quốc gia, với các nhà du hành vũ trụ từ nhiều nước. Điều này sẽ giúp mở rộng số lượng các nước tham gia đáng kể so với Trạm Không gian Quốc tế.

“Chúng ta nên có sự hợp tác quốc tế với bất cứ quốc gia nào, không có giới hạn”, ông Woerner nói.

“Chúng ta đã có đủ những vấn đề giữa các quốc gia trên Trái Đất. Vũ trụ có thể giúp các nước vượt qua những sự khác biệt trên Trái Đất và Mặt Trăng có vẻ như là một đề xuất tốt”.

“Việc cô lập một quốc gia không phải là sự lựa chọn đúng. Một giải pháp tốt hơn nhiều đó là tìm cách hợp tác trong vũ trụ để từ đó thắt chặt các mối quan hệ trên Trái Đất”, ông nói, dường như ngầm chỉ trích việc Hoa Kỳ từ chối hợp tác với chương trình thám hiểm vũ trụ của Trung Quốc.

“Nếu một người ngoài hành tinh đến thăm Trái Đất và nhìn thấy những gì chúng ta đang làm ở đây, tôi không chắc rằng họ sẽ muốn hạ cánh”.

Woerner cũng đáp lại những ý kiến chỉ trích việc tiêu tiền vào hoạt động thám hiểm vũ trụ và nghiên cứu thiên văn.

“Kinh nghiệm cho thấy không có sự tách biệt giữa việc khám phá và ứng dụng” ông nói.

“Hãy nhìn vào hiệu ứng nhà kính – tất cả chúng ta đều biết nó là gì và chúng ta sử dụng vệ tinh để nghiên cứu nó. Thế nhưng hiện tượng này không được khám phá trên Trái Đất mà là được khám phá bởi một nhóm thực hiện nhiệm vụ thám hiểm Sao Kim”.

Hiện tại, ngôi làng trên Mặt Trăng vẫn chỉ là một ý tưởng, một đề xuất. Chưa có quốc gia hay cơ quan nào muốn đầu tư tiền hay xem xét kế hoạch này một cách cụ thể.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều sự quan tâm đối với việc quay trở lại Mặt Trăng.

Ví dụ, khi BBC Future đề nghị các chuyên gia dự đoán về ngành thám hiểm vũ trụ trong một thập niên tới, tất cả bọn họ đều cho rằng Mặt Trăng sẽ là địa điểm được lựa chọn.

Woerner nói ông đang cổ suý cho ý tưởng về một ngôi làng trên Mặt Trăng để khuyến khích các cuộc thảo luận về nghiên cứu, thám hiểm vũ trụ và việc ứng dụng công nghệ vũ trụ trong tương lai.

“Tôi sẽ rất vui nếu ai đó có một ý tưởng tốt hơn”, ông nói.

Dù sao đi nữa, với tư cách là một trong những nhân vật cao cấp và quyền lực nhất trên toàn cầu trong ngành vũ trụ, đề xuất của Woerner sẽ được xem xét nghiêm túc.

Nasa vẫn khá mù mờ về kế hoạch sử dụng phi thuyền OrionOrion, được gắn module dịch vụ của Esa – và Mặt Trăng có vẻ như sẽ là một địa điểm hợp lý. “Trong gen của chúng ta, có một cái gì đó vượt xa ra khỏi ứng dụng thực tiễn”, ông Woerner nói.

“Chúng ta muốn khám phá, muốn tiên phong – đây là bản chất của nhân loại và cũng là điều sẽ mang chúng ta đến với tương lai”.

BBC tiếng Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề