Lời phê, ngôi sao, mặt cười nở trên trang vở

Các giáo viên (GV) Trường TH Nguyễn Văn Trỗi (quận 4, TPHCM) chia sẻ: Sau gần 2 tháng thực hiện việc đánh giá học sinh (HS) theo hình thức mới, họ đã gần như đã quen công việc của mình.

Những kinh nghiệm ban đầu được các GV đưa ra là trong từng lớp, với từng HS giáo viên phải chủ động linh hoạt về cách thức đánh giá, nhận xét để giúp các em tiến bộ trong học tập và phụ huynh nắm được tình hình học tập của con mình.

Kinh nghiệm bước đầu

Cô Phạm Thị Minh Châu – Giáo viên chủ nhiệm lớp 4/2, Trường TH Nguyễn Văn Trỗi – cho biết: “Sau thời gian thực hiện, bản thân tôi cũng như nhiều GV trong trường gần như đã quen với công việc này.

Quả thật thời gian đầu cũng có chút khó khăn nhưng khi mình cố gắng tìm ra những cách thức thực hiện thì mọi việc đều nhẹ nhàng hơn”.

Cô Châu cũng cho biết, thời gian đầu khi mới áp dụng Thông tư 30, nhiều HS trong lớp 4/2 đều thắc mắc về việc cô giáo sẽ không chấm điểm mà chỉ ghi nhận xét, lời phê vì 3 năm trước các em đều được chấm điểm. Khi đó, cô Châu giải thích cặn kẽ cho các em HS, dần dần các em đã hiểu và tỏ ra rất thích thú với cách nhận xét này.

“Không chỉ HS mà các phụ huynh cũng băn khoăn rất nhiều về vấn đề này. Khó khăn ban đầu chính là ở điểm này, tức là mình phải dành ra nhiều thời gian để giải thích cho HS, để trao đổi với phụ huynh qua gặp trực tiếp, qua gọi điện để làm sao cho phụ huynh nắm bắt được tinh thần của cách đánh giá mới này cho họ yên tâm” – Cô Châu nói.

Còn về phía thực hiện, cô Minh Châu cho biết, ngoài việc nhận xét vào tập vở của các em, cô còn nhận xét trực tiếp ở lớp trong quá trình giảng bài, ra bài tập cho HS.

Học sinh xung phong phát biểu nhiều và đúng thì cách nhận xét chắc chắn sẽ khác với một vài em chưa chăm chỉ phát biểu hay chưa hoàn thành bài.

Cô Châu cũng cho biết thêm về kinh nghiệm của mình: “Ở bộ môn Tập làm văn chẳng hạn, vì lớp có 37 HS nên tôi sẽ cố gắng nhận xét hết các em.

Còn ở những môn như Toán, việc nhận xét đánh giá sẽ phân ra. Ví dụ hôm nay làm bài về phép chia, có 3 em làm sai 2 bài toán, tôi sẽ để ý đến 3 em này nhiều hơn một chút.

Hôm sau trong 3 em ấy ai tiến bộ hơn, khi đó sẽ đưa ra những câu nhận xét khác nhau. Đến khi tiếp tục giảng giải và các em làm hoàn toàn đúng bài tập thì sẽ khen động viên các em với những câu chữ khác… Còn với các em đã làm bài tốt, thì sẽ khích lệ để các em tiếp tục phát huy trong các giờ học tiếp theo”.

Theo quan sát một số tập vở của các em lớp 4/2, cụ thể ở môn Tập làm văn, HS làm bài tốt ngoài lời nhận xét: Con viết bài cẩn thận, cần chú ý quan sát thêm cô Châu cho thêm hình mặt cười. Ở lời nhận xét này sẽ khác với lời nhận xét của HS khác: Con có sự quan sát tốt, tả đầy đủ chi tiết, câu văn mạch lạc, cộng thêm hình ngôi sao.

Cô Châu nói: “Qua cách nhận xét như vậy, có thể thấy, mức độ làm văn tốt của hai em ở những cấp độ khác nhau”. Ngoài ra, cô cũng chuẩn bị thêm những bông hoa có in câu: “Chúc mừng. Bạn thật giỏi” để tặng thêm cho các HS hăng say học tập, làm bài tốt ở cuối các buổi học.

Linh hoạt thực hiện

Tương tự như cô Châu, cô Phạm Thị Hào (phụ trách lớp 5/2) của Trường TH Nguyễn Văn Trỗi trong qua trình thực hiện cũng đã có thêm những kinh nghiệm về đánh giá HS.

Khi trao đổi về câu hỏi: Việc đánh giá, nhận xét liệu GV có thể nắm vững lực học của từng em? Cô Hào cho biết, đối với những em chăm chỉ phát biểu xây dựng bài, làm bài tốt, cẩn thận, ngoài lời khen cô Hào còn thưởng cho các em những món quà nhỏ như: Cục tẩy, cây bút, thước kẻ… để khích lệ các em học tập.

Ngoài ra, cuối các buổi học, các bạn trong lớp chia ra từng nhóm sẽ bình bầu rất nhanh bạn nào ở nhóm học tốt, từ đó giáo viên cũng sẽ có thêm lưu ý để nắm được sức học của từng em.

Đối với một số HS yếu hơn, thường cô Hào sẽ liên lạc trực tiếp với gia đình để trao đổi về lực học của các em giúp phụ huynh nắm cụ thể hơn.

Cô Hào cũng chia sẻ: “Vì là HS cuối cấp nên các em cần có một lượng kiến thức đủ để bước vào cấp THCS, nhưng với việc chỉ đánh giá, nhận xét và cuối tháng nhận xét vào sổ chủ nhiệm, sổ liên lạc thì một số phụ huynh cũng thắc mắc lắm.

Nhưng tôi đã giải thích rất cặn kẽ cho phụ huynh và đưa ra những ví dụ như: “Nếu thấy con mình 9 chẳng hạn, nhiều phụ huynh nghĩ thế là yên tâm mà không quan tâm cháu sai ở đâu mà không được điểm 10?.

Hay khi nhìn thấy cháu được 7, nhiều phụ huynh đã mắng vốn con. Nhưng không phải vậy, có thể có nhiều em làm Toán rất nhanh, nhưng khi viết các em lại cẩu thả, để mực lem hay viết chưa cẩn thận còn sai chính tả chẳng hạn nên chỉ được 7 điểm.

Còn nếu nhận xét, nhìn vào tập vở sẽ thấy cô giáo phê: “Con làm toán nhanh và đúng nhưng cần viết cẩn thận hơn, không để mực lem…”, như vậy các bé sẽ biết được mình cần cố gắng ở phần nào, các phụ huynh cũng biết được con mình chưa cẩn thận”.

Đó là chưa kể đến việc, với việc chỉ đánh giá, nhận xét như vậy các em sẽ không còn cảm thấy áp lực về điểm số, tinh thần thoải mái và học tập rất hăng say.

Em Lê Ngọc Phương Uyên (HS lớp 5/2) cho biết: “Con thích cô giáo nhận xét và đưa ra lời đánh giá, góp ý để con biết được con còn yếu phần nào ở môn Toán, môn làm Văn, từ đó con sẽ khắc phục và tiến bộ hơn ở những bài học sau. Ba mẹ cũng thường xuyên xem tập vở của con và cùng con ôn tập lại những phần còn yếu”.

Khác với các GV ở khối lớp 4, lớp 5 còn có những khó khăn ban đầu, ở khối lớp 1 vì đã quen với cách đánh giá HS theo hình thức mới từ năm học trước, nên cô giáo Bùi Thị Kim Dung (phụ trách lớp 1/1, Trường TH Nguyễn Văn Trỗi) đã rất linh hoạt trong cách thực hiện để đạt mục đích cuối cùng đó chính là việc HS hứng thú học tập, tiếp thu bài tốt.

Về cách trang trí lớp học, cô Dung cho rằng, các em từ mẫu giáo lên, những hình vẽ xung quanh phòng cũng cần phải được đầu tư: vẽ hình cây, hình em bé đang cầm chùm bong bóng, chum hoa chẳng hạn.

Hình ảnh đó giúp các em thấy gần gũi và nó hỗ trợ nhiều cho bài học. Ví dụ khi học làm phép toán cộng, cô Dung sẽ chủ động dán 1 quả táo lên cây, sau đó dán 2 quả táo lên cây… các em vừa thích thú với hình ảnh đẹp, lại vừa hiểu bài.

Từ việc hiểu bài, các em thi nhau xung phong lên làm Toán, xung phong tập đọc… từ đó, việc đánh giá nhận xét cũng như nắm bắt lực học của từng em khá dễ dàng đối với cô Dung.

Cô cũng chia sẻ thêm: “Vì là HS lớp 1, có em còn chưa đọc giỏi, vốn từ có hạn nên thời gian đầu, tôi chủ yếu nhận xét bằng miệng, ngoài ra có thể thưởng thêm bông hoa, ngôi sao”.

Theo quan sát, ở bảng học, cô Dung thiết kế có 3 chiếc hộp nhỏ, đại diện cho ba tổ để đựng những bông hoa.

Khi các em học theo nhóm, nếu nhóm nào làm bài nhanh hay thuộc bài nhất sẽ được cô giáo thưởng một bông hoa lớn. Nếu em nào chăm chỉ phát biểu, trả lời bài đúng sẽ được tặng một bông hoa nhỏ. Những bông hoa này sẽ được tổng hợp theo từng tuần.

Đến cuối tháng, nếu tổ nào được nhiều bông hoa sẽ được cô giáo khen thưởng, bạn nào được nhiều hoa sẽ được cô lấy một tấm hình cá nhân dán vào góc “Hoa chăm ngoan học giỏi”.

Ở tháng sau, bạn nào nhiều bông hoa hơn cũng sẽ được thêm hình vào góc nhỏ đó. Như vậy, các em rất hào hứng, có thể gọi là: Vui mà học, học mà vui.

“Điều tôi nhận thấy là các cháu rất tiến bộ, tiếp thu bài nhanh bằng những cách mà mình áp dụng. Các cháu thích thú khi đến lớp là điều mà tôi thấy hạnh phúc nhất” – Cô Dung nói.

Theo  GD&TĐ.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề