Tạo hóa đã ban phước lành cho nước Nga với những mỏ dầu, khí đốt khổng lồ. Nhưng khi giá dầu thấp đã đẩy đất nước vào cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng sâu rộng hơn, điều tồi tệ nhất đang diễn ra: Khủng hoảng chưa thấy đáy thì họ nhận ra rằng “dầu mỏ như một lời nguyền”.
Tuần qua đồng rub đã giảm kỷ lục do giá dầu rơi xuống mức thấp nhất trong 12 năm vừa qua. Điều đó cho thấy rằng đồng rub rất dễ bị tổn thương bởi tác động từ bên ngoài và hầu như phụ thuộc vào giá dầu mỏ. Trong thực tế chính phủ của ông Putin đã lãng phí cơ hội kể từ khi cầm quyền khi không đa dạng hóa nền kinh tế.
Mặc dù đồng rub đã lấy lại phần nào giá trị do giá dầu hồi phục nhẹ, nhưng lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Nga bà Elvira Nabiullina đã khẩn thiết công khai kêu gọi “nỗ lực cơ cấu đa dạng hóa nền kinh tế.”
“Chúng ta không nên mong đợi để xem giá dầu trở lại ở mức cao”.
Đã có rất nhiều yêu cầu cải cách nền kinh tế, nhưng hầu như chính phủ trong một thời gian dài đã lãng quên, cải cách để làm gì khi giá dầu, giá khí đốt cao ngất ngưởng. Cải cách làm gì khi các tập đoàn năng lượng Nga chi phối cả thị trường châu Âu. Cái Nga cần là xây dựng đường ống hòng chi phối những nước “cứng đầu” muốn chống lại Nga. Cái Nga cần là nâng cấp quốc phòng, lập ra các liên minh để làm một cực đối trọng với Mỹ. Cái Nga cần là khẳng định sức mạnh về quân sự, can thiệp vào thế giới nhiều hơn. Nhưng diễn biến không như Nga dự tính, giá năng lượng tụt giảm mạnh đã kéo theo nền kinh tế lâm vào khủng hoảng, làm tê liệt các mục tiêu và chiến lược Nga đang theo đuổi, lạm phát tăng cao kéo theo sức mua giảm xuống.
Vào năm 2000 giá dầu bùng nổ đúng lúc ông Putin lên nắm quyền đã giúp tiền chảy vào kho bạc nhà nước, Nga đã mở ra một kỷ nguyên thịnh vượng. Nguồn tiền khổng lồ thu được từ dầu mỏ đã giúp người Nga đạt tiêu chuẩn sống cao hơn, ai cũng vui mừng hớn hở sau quá trình hỗn loạn từ phiến quân ly khai, từ chủ nghĩa tư bản trong thập niên 1990. Tất cả đã củng cố vị trí vững chắc cho ông Putin, hầu như người Nga đều nghĩ rằng sẽ không có ai hoàn hảo bằng vị Tổng thống đang nắm quyền.
Tuy nhiên nền kinh tế Nga đã chững lại sau một thời gian bùng nổ, trong thập kỷ qua Quỹ tiền tệ Quốc tế đã kêu gọi Nga sử dụng nguồn tiền từ dầu mỏ để hỗ trợ và cải cách các thành phần kinh tế bị bỏ rơi kể từ khi Liên bang Xô viết sụp đổ.
Chẳng vậy mà vào năm 2012 Giám đốc IMF Antonio Spilimbergo phụ trách về nước Nga đã thốt lên rằng “dầu là một phước lành nhưng cũng là một lời nguyền”. Ông đã thúc giục Nga cải thiện môi trường kinh doanh, chống tham nhũng để thu hút đầu tư nước ngoài. Điện Kremlin cũng đã thừa nhận sự cần thiết phải thay đổi. Vì vậy trong bài phát biểu thường niên năm 2006 Tổng thống V.Putin đã kêu gọi chính phủ phải cơ cấu lại nền kinh tế để tập trung vào các công nghệ mới. Sau đó một số ngành đã được hiện đại hóa, Nga đã ra đời công ty nhà nước Rosnano, công ty này được tụ hợp từ nhiều công ty khác nhau, nó nắm giữ công nghệ về nano. Nga cũng kêu gọi hợp tác với Mỹ để ra đời khu công nghệ cao Skolkovo và đã đạt được nhiều thành công, nó được ví như Silicon Valley của Nga.
Nhưng tất cả những sáng kiến này đã không đi đến đâu vì người khổng lồ năng lượng đã gạt phăng những công ty dạng này về lợi nhuận trên đường vào Kremlin.
Ông Neil Shearing giám đốc trung tâm phân tích của Capital Economics nghiên cứu về các thị trường mới nổi nói rằng “thật dễ dàng để nói đa dạng hóa nền kính tế thoát khỏi lĩnh vực năng lượng, nhưng trong thực tế để thúc đẩy các cải cách cần thiết là điều cực kỳ khó khăn. Nó trở nên khó hơn khi giá dầu và khí đốt đang cao”.
Trong thực tế giá năng lượng tăng cao đã kích thích các cơ quan chức năng chấp nhận các chính sách cho đồng rub gắn liền với giá dầu mỏ. Những năm vừa qua nước Nga lại càng lãng quên và chủ quan khi đồng rub luôn ổn định, chính điều này là yếu tố làm cho các công ty kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
“Điều nghịch lý là nếu thị trường năng lượng toàn cầu sụp đổ thì đồng rub lại trở thành động lực kích thích cho nền kinh tế đa dạng hóa”, Neil Shearing đã từng nói
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và 2009, kèm theo giá dầu sụt giảm đã vang lên tiếng chuông báo động cho các quan chức Nga. Trước tình hình đó Tổng thống Dmitry Medvedev nói rằng “sẽ có hậu quả chết người nếu chờ đợi thị trường dầu tăng trở lại trước khi cải cách nền kinh tế”. Cuộc khủng hoảng cũng khiến Putin hoài nghi khi Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2012, vì ông cho rằng việc mở cửa thị trường Nga để cạnh tranh trên toàn cầu có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp cao hơn.
Tuy nhiên giá dầu một lần nữa lại tăng vọt và Nga tiếp tục sản xuất dầu, sản lượng liên tục tăng cao kể từ thời gian đó. Năm 2015 Nga đã bơm ra lượng dầu kỷ lục 534 triệu tấn kể cả giá dầu tụt giảm. Nhà nước đã tăng cường sở hữu trong ngành này, biến công ty dầu khổng lồ Rosneft thành một Goliath toàn cầu và phát triển các kế hoạch đầy tham vọng ở Bắc Cực.
Tuy nhiên sự thăng hoa đã dừng lại khi vào mùa thu năm ngoái giá dầu bắt đầu giảm. Diễn biến bi quan đến mức ngay cả Bộ trưởng tài chính Nga Anton Siluanov cho rằng họ sẽ không mong đợi giá dầu phục hồi trong thời gian ngắn. Ông cho biết thêm Chính phủ đang chuẩn bị một kế hoạch chống khủng hoảng để thích ứng với chính sách thắt lưng buộc bụng.
Nhà kinh tế Lilit Gevorgyan của IHS Global Insight cho rằng nền kinh tế Nga muốn cai sữa với dầu mỏ đòi hỏi phải có những nỗ lực về chính trị trong dài hạn. Phải chấp nhận những tổn thương nghiêm trọng mới có thể giải quyết các vấn đề kéo dài như tham nhũng, quan liêu, thiếu hệ thống tư pháp của nền độc lập.
Biện pháp trừng phạt từ phương Tây vì cuộc khủng hoảng Ukraina đã làm những triển vọng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của Nga trở nên ảm đạm. Gevorgyan nói.
“Việc tung ra những biện pháp cải cách đã trở nên quá xa đối với nước Nga ngày nay. Quốc gia này được điều hành bởi một nhóm các quan chức quan liêu, bảo thủ cũng như chịu sự chi phối từ cơ quan hành pháp của những người có thế lực. Họ xem tất cả các phân cấp quyền lực kinh tế như một mối đe dọa đến sự tồn vong của chính quyền”.
Trong tình hình thưc tế hiện nay những gì ông Neil Shearing đã từng phân tích hầu như không còn đúng. Vì khi ông nói nước Nga đang mở rộng cửa, là thị trường béo bở đối với các tập đoàn, công ty nước ngoài, còn bây giờ họ bị phong tỏa, các công ty nước ngoài đang rời bỏ thị trường Nga. Trong một diễn biến mới nhất truyền thông Nga tiếp tục công kích Trung Quốc khi cho rằng “Trung Quốc là kẻ thù tiềm tàng của Nga”. Những điều này càng làm nước Nga lâm vào bế tắc vì muốn cải cách nền kinh tế không những phải tiêu diệt tham nhũng, quan liêu mà cần phải một lượng tài chính hùng hậu và cần công nghệ cao của nước ngoài. Vì vậy đồng rub yếu cũng không thể là động lực thúc đẩy cho nền kinh tế Nga hiện nay trừ khi phương Tây dỡ bỏ lệnh cấm vận.
Trong Nghĩa
Trả lời