Rất khó để đánh giá các giai đoạn lịch sử trước khi chúng kết thúc. Chỉ khi nhìn lại quá khứ, chúng ta mới có thể gọi tên đâu là thời kỳ Phục hưng ( The Renaissance) và đâu là thời kỳ Tăm tối (The Dark Ages). Trong hiện tại, chúng ta không thể biết chắc chắn rằng, liệu thế giới trong tương lai sẽ trở nên tốt đẹp hơn hay sẽ rơi vào những tấn thảm kịch.
Thiếu vắng hòa bình
Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến sự chuyển giao giữa hai thời đại trong lịch sử thế giới. Từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt năm 1991, một kỷ nguyên mới được mở ra với sự thống trị của quyền lực Mỹ, với công cuộc phát triển kinh tế như vũ bão ở nhiều nước, với sự biến chuyển chính trị – xã hội sâu sắc cũng như sự hợp tác giữa các quốc gia vì một nền hòa bình cho toàn thể nhân loại. Song thời kỳ đó cũng đã đến hồi cáo chung, thế giới hiện nay đang bước vào một kỷ nguyên đầy bất ổn.
Trung Đông đang chìm trong khói lửa chiến tranh, khi những niềm tin chính trị và tôn giáo làm xoáy sâu xung đột đẫm máu giữa các phe phái cũng như các quốc gia có chung đường biên giới. Trong khi đó, chiến sự ác liệt ở miền Đông Ukraine cũng đang thách thức hòa bình, ổn định của toàn bộ châu Âu.
Châu Á nhìn chung khá ổn định, nhưng đó là một nền hòa bình mong manh, bởi có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào, đặc biệt là trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ căng thẳng, chủ nghĩa dân tộc tăng cao cũng như việc vắng bóng những thỏa thuận nhằm ngăn ngừa và hạ nhiệt xung đột.
Bên cạnh đó, những nỗ lực của thế giới nhằm làm giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thúc đẩy hoạt động thương mại, phòng ngừa sự bùng phát của các bệnh dịch,…vẫn chưa được quan tâm đúng mức và do đó, chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Những nhân tố gây nguy hiểm
Có ý kiến cho rằng những diễn biến nói trên đã phản ánh chuyển biến cơ bản trên thế giới hiện nay, đó là việc phân tán quyền lực sang một số các quốc gia mới nổi hay các nhân tố phi nhà nước (các tổ chức khủng bố, các tập đoàn lớn, các NGOs).
Việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như khí thải gây hiệu ứng nhà kính, các tuyến vận chuyển thuốc phiện, vũ khí là một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Tình hình thậm chí còn khó khăn hơn bởi thế giới hiện nay thiếu đi sự đồng thuận và quyết tâm chống lại những thách thức toàn cầu đó.
Mặt khác, có quan điểm cho rằng, chính nước Mỹ là “thủ phạm” làm gia tăng tình trạng bất ổn toàn cầu. Cuộc phiêu lưu quân sự của Mỹ ở Iraq năm 2003 thực sự đã khoét sâu mối hận thù giữa hai dòng Hồi giáo Shia và Sunni, đồng thời vô tình tạo điều kiện cho Iran thực hiện tham vọng hạt nhân. Gần đây, Mỹ lên tiếng kêu gọi thay đổi chế độ cầm quyền ở Syria nhưng trên thực tế lại gần như không thể làm gì để hiện thực hóa mục tiêu của mình. Đáp lại, chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã phớt lờ lời cảnh báo của Washington và tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học.
Bên cạnh đó, việc lực lượng Mỹ rút quân khỏi Trung Đông đã để lại khu vực này một khoảng trống quyền lực, ngay lập tức, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhanh chóng chớp lấy thời cơ để vươn mình trở thành một tổ chức khủng bố nguy hiểm và hùng mạnh nhất. Đó là chưa kể, ở châu Á, trong khi Mỹ đề ra chính sách “xoay trục” nhằm tái can dự vào châu lục này song Washington rõ ràng vẫn chưa triển khai được những mục tiêu đề ra.
Xét một cách thấu đáo, Mỹ cũng chỉ là một trong nhiều nhân tố góp phần gây ra tình trạng bất ổn toàn cầu. Ở khía cạnh địa phương, Trung Đông trong suốt những năm qua đã không thể đạt được sự đồng thuận giữa chính phủ và người dân, cũng như giữa các nhóm tôn giáo, sắc tộc với nhau. Trong khi đó, các quốc gia lân cận cũng không cho thấy sự sốt sắng trong việc ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan và dập tắt ngọn nguồn những tư tưởng nguy hiểm đó.
Nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin dường như theo đuổi con đường dùng vũ lực nhằm khôi phục Đế chế hùng mạnh trong lịch sử. Châu Âu đang mất dần những công cụ và vị thế để có thể đóng một vai trò toàn cầu. Thậm chí, nhiều quốc gia châu Á đang “nuôi dưỡng” và khuyến khích chủ nghĩa dân tộc hơn là cố gắng hòa hảo với láng giềng.
Thế giới phải đoàn kết
Bất chấp những diễn biến đầy lo ngại nói trên, chúng ta chắc chắn không đang rơi vào một giai đoạn giống như thời kỳ Tăm tối trước đây. Bởi lẽ, sự phụ thuộc tương trợ lẫn nhau giữa các chính phủ vẫn mang tính chất quan trọng. Nền kinh tế thế giới đang phục hồi đầy lạc quan. Các khu vực như châu Âu, Mỹ Latin nhìn chung vẫn ổn định.
Cho dù tương lai sẽ rất khó khăn song chúng ta hoàn toàn có khả năng giải quyết tình trạng bất ổn của thế giới. Các cuộc đàm phán quốc tế có thể buộc Iran cắt giảm chương trình vũ khí hạt nhân. Liên quân chống IS có thể tiến hành từng bước đi cụ thể nhằm làm suy yếu và tiêu diệt tổ chức khủng bố này. Các đòn trừng phạt và hạ giá dầu lửa của phương Tây có thể khiến Nga phải chấp nhận những thỏa thuận với chính quyền Kiev. Các chính phủ châu Á có thể hợp tác cùng nhau để bảo đảm cho một nền hòa bình chung của khu vực.
*Richard N. Haass
Tác giả nguyên là Giám đốc Cơ quan Hoạch định Chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ (2001-2003) và hiện là Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ. Bài viết trên đăng tải trên mạng Project Syndicate ngày 27/10 phản ánh quan điểm riêng của tác giả.
Trả lời