IMF lại bị cáo buộc phục tùng các thế lực chính trị

Sau khi bị nghi ngờ thiên vị Châu Âu trong hồ sơ Hy Lạp, thiên vị Trung Quốc trong vấn đề đồng nhân dân tệ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF vừa bị Nga tố cáo phục tùng lợi ích của Âu-Mỹ trong việc duy trì kế hoạch trợ giúp Ukraina.

Lời Matxcơva tố cáo Quỹ Tiền tệ Quốc tế là công cụ của phương Tây lần này mang tính chất gay gắt khác thường. Nga khẳng định rằng lòng tin của họ vào định chế tài chánh quốc tế này đã bị « suy giảm nghiêm trọng ». Theo hãng tin Pháp AFP, Nga đã nổi cơn thịnh nộ sau quyết định ngày 08/12/2015 FMI, không áp dụng một quy định nội bộ vốn nghiêm cấm việc hỗ trợ tài chính một quốc gia bị vỡ nợ đối với một nước khác.

Việc không áp dụng quy định này cho phép Quỹ Tiền tệ Quốc tế tiếp tục kế hoạch tài trợ Ukraina, một chương trình to lớn vừa được thông qua hồi tháng Ba, trong lúc Kiev có nguy cơ bị coi là vỡ nợ sau khi từ chối trả khoản nợ 3 tỷ đô la cho Matxcơva, từ nay đến cuối năm.

Đối với Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thì không còn nghi ngờ gì cả: « Lần đầu tiên trong lịch sử, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (…) đã quyết định hậu thuẫn cho một quốc gia đi vay bất chấp các thỏa thuận hiện có, chỉ vì lý do chính trị ».

Trong một bài viết được nhật báo tài chánh uy tín của Anh – Financial Times – công bố hôm nay, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cảnh báo rằng quyết định của FMI « có thể làm dấy lên câu hỏi về tính vô tư của một định chế đóng một vai trò quan trọng » mà các nguyên tắc nền tảng chỉ có thể được sửa đổi « sau khi xem xét cẩn thận ».

Trước mắt, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã từ chối trả lời trực tiếp các cáo buộc từ phía Nga, nhưng đã nhắc lại rằng cuộc tranh luận về nguyên tắc cấm cấp tín dụng cho một quốc gia bị vỡ nợ đã bắt đầu từ năm 2013, tức là từ trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraina.

Tuy nhiên, điều mà Matxcơva không nói ra, là chính hành động của Nga từ chối đàm phán lại món nợ 3 tỷ với Ukraina, đã đẩy Kiev vào tình thế bị vỡ nợ đối với Nga, và do đó không còn quyền nhận tín dụng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Điều đó đã buộc các nước phương Tây, vốn chi phối các cơ quan ra quyết định của FMI, phải tìm kiếm một cách thức hóa giải « chiêu độc » kể trên của Nga, để tiếp tục giúp đỡ Ukaraina. Một nhân vật cao cấp của Châu Âu gần đây từng thừa nhận với hãng tin Pháp AFP: « Chúng tôi sẽ tìm ra cách ».

Như vậy, phải chăng Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã phải chịu sức ép từ các cổ đông chính của mình là Châu Âu và Mỹ ? Đối với nhiều chuyên gia, vấn đề không đơn giản như vậy.

Ông Domenico Lombardi, một cựu thành viên của FMI từng làm việc trên hồ sơ khủng hoảng Ukraina, đã bênh vực quyết định mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cho rằng: « FMI đã tranh thủ cơ hội để lấp đầy một khoảng trống pháp lý ». Theo chuyên gia này, FMI đã khéo biến tranh chấp Nga-Ukraina trên vấn đề nợ thành « một chất xúc tác để tăng cường sự đồng thuận của các nước thành viên » xung quanh nhu cầu thay đổi các quy tắc nội bộ của mình.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Quỹ Tiền tệ Quốc tế bị tố cáo thiên vị. Vào năm 2010, một số quốc gia rất bất bình khi thấy FMI thay đổi quy định, viện dẫn các rủi ro đáng kể đối với hệ thống tài chánh toàn cầu để có thể cho Hy Lạp vay nhiều hơn. Một số nước đang trỗi dậy đã cho rằng FMI bị Châu Âu thao túng.

Gần đây, vào cuối tháng 10/2015 sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế quyết định đưa đồng nhân dân tệ Trung Quốc vào trong giỏ ngoại tệ dự trữ chủ chốt, ngang hàng với đô la Mỹ, euro Châu Âu hay yen Nhật Bản, một số chuyên gia đã xem đấy là một sự phục tùng Bắc Kinh, đang tìm kiếm sự công nhận nhiều hơn trên sân khấu thế giới.

Giới quan sát thừa nhận rằng trong một định chế như FMI, khó có thể phân định rõ ràng ranh giới giữa chính trị và thuần túy chuyên môn. Theo ông Lombardi: « FMI là một tổ chức chính trị mà quyết định được thực hiện trên cơ sở kỹ thuật… không phải lúc nào cũng đen trắng phân minh », tạo điều kiện cho những cách lý giải khác nhau.

RFI tiếng Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề