Hành động của ông Tập “hơn 40 năm không lãnh đạo TQ nào dám làm”
Tân Hoa Xã cho hay, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 29/8 đã ký lệnh đặc xá đối với 4 nhóm tội phạm đang thụ án của nước này.

Hôm 24/8, dự thảo quyết định về phân loại tội phạm hưởng đặc xá đã được thảo luận tại Hội nghị lần thứ 16 của Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân Trung Quốc khóa XII.

Theo quyết định này, những tội phạm bị kết án tham ô, nhận hối lộ cũng như tội phạm bắt đầu thụ án từ năm 2015 sẽ không nằm trong phạm vi hưởng đặc xá.

Việc ông Tập quyết định thực hiện lệnh đặc xá trong dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II là sự kiện rất được truyền thông quốc tế quan tâm.

Hãng tin Tân Đường Nhân (Mỹ) chỉ ra, trong lịch sử, đảng Cộng sản Trung Quốc có tổng cộng 7 lần thi hành đặc xá, trong đó lần gần đây nhất đã là vào năm 1975.

Nói cách khác, trong số các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, ông Tập là người thứ 2 ký lệnh đặc xá, sau lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông.

Tờ Wall Street Journal (Mỹ) hôm 25/8 cho biết, những người tiền nhiệm của Tập Cận Bình là các nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đều chưa từng có hành động này.

Việc ông Tập thực hiện điều mà 3 người tiền nhiệm không làm, hoặc không “dám” làm, được cho là dấu hiệu ông Tập đã có được vị thế và quyền lực “tương đương Mao Trạch Đông” ở trong giới lãnh đạo Trung Nam Hải lẫn quân đội Trung Quốc.

Nhà hoạt động nhân đạo người Mỹ John Kamm bình luận: “Ông Tập Cận Bình thêm một lần nữa thể hiện sự tự tin của mình.”

Bên cạnh lệnh đặc xá, lễ duyệt binh được tổ chức tại quảng trường Thiên An Môn vào ngày 3/9 tới cũng được xem là một hình thức để nhà lãnh đạo Trung Quốc thể hiện vị thế lãnh đạo của mình, bên cạnh việc phô trương sức mạnh quân sự của nước này.

Quyền lực vững chắc của ông Tập ở Trung Quốc đã được dư luận quốc tế ghi nhận một cách phổ biến trong hơn 1 năm qua, kể từ khi ông khởi động chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ đập ruồi” một cách mạnh mẽ, nhằm vào cả nội bộ đảng, chính phủ và quân đội.

Mới đây nhất, sau khi xử lý cả 2 cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, Tập Cận Bình đã thông qua báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo để “cảnh cáo” các cựu lãnh đạo “không can thiệp vào chính trị khi đã về hưu”.

Thái độ trên của Bắc Kinh được cho là nhằm vào cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, bởi ông Giang được cho là vẫn có quyền lực và sức ảnh hưởng lớn đối với chính quyền cũng như quân đội.

Bên cạnh Từ và Quách, cựu Bí thư Ủy ban chính pháp Chu Vĩnh Khang được nhận định là những nhân vật đã giúp ông Giang duy trì tiếng nói của mình dù đã về hưu.

Theo Đại lộ


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề