Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn thúc đẩy quan hệ tốt với Việt Nam và xây dựng hình ảnh một Trung Quốc mềm mại trong chuyến công du Hà Nội vào tuần tới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) đón tiếp Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh ngày 7/4. Ảnh: Xinhua |
Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, trao đổi với VnExpress về quan hệ song phương Việt – Trung và diễn biến mới ở khu vực.
– Theo ông mục đích chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình lần này là gì?
– Ông Tập thăm Việt Nam trên cả hai cương vị, một là Chủ tịch Trung Quốc và hai là Tổng bí thư Đảng Cộng sản nước này. Về phương diện nghi thức ngoại giao thì đây là sự đáp lễ chuyến thăm của Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh đầu năm nay.
Chủ tịch Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Ông sẽ thông qua một tầm nhìn chiến lược về quan hệ song phương và thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác rộng lớn cùng có lợi. Nói một cách ngắn gọn, ông Tập sẽ nỗ lực thể hiện rằng Việt Nam sẽ được lợi nhiều khi hợp tác với Trung Quốc và Việt Nam cân nhắc lợi ích của Trung Quốc khi đưa ra các quyết định.
– Thời điểm của chuyến thăm có ý nghĩa gì?
– Cuộc thăm viếng diễn ra sau Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI và sau khi Việt Nam cùng các đối tác hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong khi đó, các nước liên quan đến khu vực cũng bày tỏ mối quan ngại gia tăng về việc Trung Quốc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở Trường Sa.
Nói chung, chuyến thăm của ông Tập được sắp xếp để lấy lại sự khởi đầu, khuyến khích các lãnh đạo tương lai của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc. Bắc Kinh cũng muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương và khu vực bên ngoài khuôn khổ TPP, tạo đối trọng với sự ảnh hưởng của Mỹ, và thể hiện một hình ảnh mềm mại của Trung Quốc về tình hình Biển Đông.
– Chuyến thăm giúp thay đổi tình hình tranh chấp trên biển như thế nào?
– Khi ông Tập và các lãnh đạo Việt Nam thảo luận về các điều khoản chung ở Biển Đông, có thể hai bên sẽ để các ủy ban cấp chính phủ tiếp tục thương lượng. Trên trường quốc tế, Trung Quốc đã bắt đầu ‘tấn công ngoại giao’ để vượt qua phản ứng tiêu cực trong khu vực với việc xây dựng các đảo nhân tạo. Vì thế Bắc Kinh sẽ muốn duy trì quan hệ tốt với Hà Nội.
Với việc Mỹ đưa tàu tuần tra vào trong phạm vi 12 hải lý một số đảo nhân tạo trái phép ở Trường Sa, Trung Quốc đang ở thế phòng thủ trước các cuộc họp thượng đỉnh cuối năm (APEC tại Philippines và Cấp cao Đông Á tại Malaysia). Đến nay Trung Quốc đã thể hiện sự kiềm chế.
– Ông Tập hai lần khẳng định “chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông” trước chuyến thăm Mỹ và Anh mới đây. Việt Nam nên làm gì để thuyết phục ông Tập giải quyết những khác biệt ở khu vực này?
– Trung Quốc và Việt Nam đã thông qua Nguyên tắc cơ bản giải quyết các tranh chấp trên biển hồi năm 2011, hai bên cũng có các thảo luận cấp chính phủ với nhau về những việc đang diễn ra. Nói cách khác, hai bên có cơ chế giải quyết những khác biệt song phương. Nhưng Việt Nam cũng luôn nói rõ rằng sẽ thảo luận cùng với cả bên thứ ba, nếu tranh chấp liên quan đến bên thứ ba. Trung Quốc và Việt Nam sẽ không giải quyết tranh chấp chủ quyền sớm được, điều có thể hy vọng nhất là điều hòa cách hành xử hòa bình của Bắc Kinh.
– Ông dự đoán, những chủ đề chính nào sẽ được thảo luận trong các cuộc gặp giữa ông Tập và lãnh đạo Việt Nam?
– Tôi nghĩ, tất cả các vấn đề trong khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện sẽ được thảo luận. Đó là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, sự can dự của Trung Quốc trong xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích Việt Nam đầu tư sang Trung Quốc, giao lưu nhân dân, giáo dục, khoa học công nghệ, hợp tác giữa hai đảng và hợp tác quốc phòng. Thêm vào đó, có thể các lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về các vấn đề quốc tế như là Sáng kiến của Bắc Kinhvề Con đường Tơ lụa trên biển Thế kỷ 21 cùng Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa, hợp tác để giải quyết các thách thức xuyên quốc gia, chống khủng bố và thậm chí cả biến đổi khí hậu.
– Có thỏa thuận nào sẽ được ký kết?
– Có thể các bộ trưởng Trung Quốc và doanh nhân hai nước sẽ ký bản ghi nhớ và các hợp đồng. Lãnh đạo hai nước sẽ đưa ra Tuyên bố chung không ràng buộc đưa ra tầm nhìn về quan hệ song phương nên phát triển như thế nào trong tương lai.
– Việc tàu Mỹ tuần tra một số đảo ở Trường Sa ảnh hưởng thế nào tới chuyến thăm?
– Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gần đây tuyên bố việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo là phi pháp theo luật quốc tế. Việt Nam đã tuyên bố ủng hộ tự do hàng hải, sau khi Mỹ điều tàu đến gần các thực thể Trung Quốc đang chiếm giữ.
Nếu căng thẳng gia tăng, Việt Nam sẽ phải cân nhắc nhiều hơn nữa trong vấn đề phức tạp này. Về phía Trung Quốc, ông Tập sẽ không muốn vấn đề ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ song phương.
Theo vnexpress
Trả lời