Cơ quan chức năng Trung Quốc sáng nay (8/7) đã lên tiếng cảnh báo về “tâm lý hoảng loạn” trên các sàn giao dịch chứng khoán ở đại lục. Vừa mở cửa, chỉ số chính của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã “bốc hơi” 8%, bất chấp loạt biện pháp khẩn cấp được tung ra.
Hãng tin Bloomberg cho biết, các nhà đầu tư cổ phiếu ký quỹ đang bán ra giải chấp với tốc độ kỷ lục, khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc “tuột dốc không phanh” dù đã rơi vào trạng thái thị trường giá xuống (bear market) từ tháng trước.
Cuối tuần vừa rồi, nhà chức trách Trung Quốc công bố một loạt biện pháp chưa từng có tiền lệ để cứu thị trường. Sáng nay, thêm một loạt biện pháp nữa được công bố, nhưng hầu như không phát huy được tác dụng.
Sau khi mở cửa, chỉ số Shanghai Composite có thời điểm sụt 8,2%, mạnh nhất kể từ năm 2007. Sau đó, mức giảm thu hẹp còn 4,8% và chỉ số này đứng ở mức gần 3.550 điểm vào lúc gần 10h theo giờ địa phương. Kể từ mức đỉnh thiết lập vào tháng 6 tới nay, Shanghai Composite đã sụt 28%.
Trong tổng số 1.106 cổ phiếu giao dịch trên sàn Thượng Hải, chỉ có 4 cổ phiếu tăng giá phiên sáng nay. Cổ phiếu lớn nhất trên sàn này là PetroChina sụt 4,9%. Có 9 trong tổng số 10 chỉ số cổ phiếu ngành thuộc chỉ số CSI 300 Index giảm ít nhất 4%.
Trong các biện pháp cứu thị trường được tung ra sáng nay, nhà chức trách Trung Quốc nới nâng tỷ lệ ký quỹ cho chỉ số tương lai CSI 500 nhằm khiến việc bán khống trở nên khó thực hiện hơn. Công ty Tài chính Chứng khoán Trung Quốc tuyên bố sẽ mua thêm cổ phiếu của khối doanh nghiệp nhỏ.
Phát ngôn viên Deng Ge của Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) thì lên tiếng cảnh báo về “tâm trạng hoảng loạn” và việc “bán tháo phi lý” trên thị trường.
Về phần mình, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) sáng nay tuyên bố sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường chứng khoán và sẽ có biện pháp bảo vệ thị trường trước các rủi ro tài chính khu vực mang tính hệ thống.
Bloomberg cho biết, thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục hiện đã “đóng băng” khoảng 43% khi có tới hơn 1.000 công ty tạm ngừng giao dịch cổ phiếu. Còn theo khảo sát của hãng tin Reuters, chỉ riêng trong sáng nay, có tới hơn 500 công ty niêm yết Trung Quốc công bố ngừng giao dịch cổ phiếu trên hai sàn Thượng Hải và Thâm Quyến.
“Tham lam và sợ hãi. Nếu không tham lam thì giờ đã chẳng phải sợ. Thị trường đang rơi về mức 2.500 điểm”, ông Michael Every, Giám đốc nghiên cứu thị trường tài chính của Rabobank ở Hồng Kông, nhận xét về những gì đang diễn ra trên thị trường chứng khoán đại lục.
Trong phiên giao dịch ngày 7/7, các nhà đầu tư trên sàn Thượng Hải đã bán ra lượng cổ phiếu ký quỹ trị giá 98,3 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 8,5% tổng lượng cổ phiếu ký quỹ trên sàn này, đánh dấu phiên bán ròng cổ phiếu ký quỹ mạnh nhất từng được ghi nhận.
Đà lao dốc chóng mặt của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã xói mòn niềm tin của lực lượng chính trên thị trường này – hơn 90 triệu nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 80% toàn thị trường.
Để ngăn đà lao dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc, cuối tuần vừa qua, một loạt công ty môi giới và quản lý quỹ của Trung Quốc theo chỉ đạo của cơ quan chức năng đã nhất trí sẽ mua vào một lượng cổ phiếu lớn với sự hậu thuẫn của một công ty tài chính quốc doanh. Về phần mình, công ty này chính này được hỗ trợ bằng nguồn thanh khoản trực tiếp từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC).
Trước đó, động thái bất ngờ hạ lãi suất cơ bản đồng Nhân dân tệ hôm 27/6 của PBoC cũng đã thất bại trong việc đưa thị trường chứng khoán Trung Quốc trở lại trạng thái ổn định.
Theo một loạt biện pháp được công bố vào cuối tuần rồi, 21 công ty môi giới chứng khoán lớn của Trung Quốc cam kết chi 128 tỉ nhân dân tệ (20,6 tỉ USD) mua cổ phiếu nhằm đáp ứng cam kết bình ổn thị trường. Ngoài ra, khoảng 57 công ty quản lý quỹ cũng bắt đầu chi 2,16 tỉ nhân dân tệ để mua các cổ phiếu thường. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ cấp quỹ “bảo vệ sự ổn định của thị trường chứng khoán” và hàng loạt đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) bị tạm ngưng.
Đài BBC gọi sự vào cuộc sốt sắng của Bắc Kinh là một sự “hoảng loạn” và phản ánh tình trạng thiếu niềm tin của chính phủ đối với thị trường tài chính của chính mình. Giới phân tích thường ví von thị trường chứng khoán Trung Quốc như một sòng bạc khi diễn biến giá cổ phiếu thường không mấy liên hệ với các yếu tố kinh tế vĩ mô.
Mặt khác, các nhà quan sát lại cho rằng động thái giải cứu của Bắc Kinh chỉ có lợi cho giới đầu tư cổ phiếu của doanh nghiệp lớn, uy tín và “bỏ rơi” các nhà đầu tư nhỏ vốn chiếm phần lớn trong số khoảng 90 triệu nhà đầu tư chứng khoán nước này.
Theo chuyên gia phân tích Tề Dịch Phong, thuộc hãng tư vấn tài chính CEBM (Trung Quốc), các biện pháp trợ giúp của chính phủ không đủ mạnh để đảo ngược tình thế, đặc biệt là trước “thói quen” các nhà đầu tư vay nợ để mua cổ phiếu rồi bán ra khi bắt đầu có biến động. “Đây chỉ là vấn đề liệu thị trường sẽ trượt giảm chậm hơn hay tiếp tục rơi tự do” – ông Tề nhận định.
Theo BBC, Trung Quốc có phần ảo tưởng vào niềm tin mong manh rằng thị trường của họ “quá lớn để sụp đổ”. Đài này còn cảnh báo các biện pháp trợ giúp của chính phủ thậm chí có thể khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc vấp phải phản ứng ngược. Trong khi đó, các nhà đầu tư toàn cầu ngày càng lo ngại về nguy cơ thị trường chứng khoán sụp đổ toàn diện khiến kinh tế Trung Quốc thực sự khủng hoảng.
Theo VnEconomy
Trả lời