Đức, Pháp, Nga và Ukraina cam kết triển hạn thỏa thuận Minsk
media

Một hội đàm giữa các lãnh đạo Pháp, Đức, Nga và Ukraina tại Paris, ngày 02/10/2015.REUTERS/Ukrainian Presidential Press Service/Mikhailo Palinchak

Hôm qua, 30/12, một ngày trước khi năm 2015 kết thúc, ba nguyên thủ Pháp, Nga, Ukraina cùng Thủ tướng Đức có cuộc điện đàm, để điểm lại tình hình thực thi thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2. Bốn bên dự kiến gia tăng nỗ lực để chuẩn bị cho bầu cử tại các khu vực do phe nổi dậy kiểm soát tại miền đông Ukraina.

Tổng thống Pháp François Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraina Petro Porochenko cùng nhấn mạnh đến việc thỏa thuận ngừng bắn cần được triệt để tuân thủ tại miền đông Ukraina, và các thương thuyết trong nội bộ Nhóm tiếp xúc về Ukraina cần được đẩy mạnh để cho phép tổ chức bầu cử tại khu vực này, theo một thông cáo của điện Kremlin.

Về phía Berlin, một phát ngôn viên của chính phủ Đức tuyên bố những ngày tới cần phải là dịp củng cố thỏa thuận ngừng bắn tại các khu vực tranh chấp ở miền đông Ukraina. Đại diện chính phủ Đức cho biết thêm, các Ngoại trưởng bốn nước nói trên dự kiến sẽ gặp lại nhau vào cuối tháng Giêng hoặc đầu tháng 2/2016, để xem xét các tiến bộ trong việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn.

Thỏa thuận gọi tắt là « Minsk 2 » được ký kết ngày 12/02/2015 tại thủ đô Belarus. Về cơ bản, thỏa thuận này cho phép chính quyền Kiev và phe nổi dậy thân Nga tại miền đông Ukraina hưu chiến, tuy nhiên thỏa thuận này cũng thường xuyên bị vi phạm trên quy mô nhỏ. Ngay ngày 26/12, ít nhất ba người thiệt mạng, trong đó có hai dân thường, tại làng Zaïtseve, cách thành phố Donetsk 55 km về phía bắc.

Trước đó, trong một phát biểu ngày 29/12, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nhận xét: ngừng bắn tại miền đông Ukraina còn rất « mong manh », cho dù tình hình tại đây không phải là tiêu điểm chú ý của truyền thông. Lãnh đạo Ngoại giao Đức kêu gọi hai bên nhanh chóng thả tù binh, tạo điều kiện để các tổ chức nhân đạo làm việc, và nỗ lực để bầu cử có thể diễn ra ngay vào đầu năm 2016.

Việc bầu cử không được tổ chức theo kế hoạch dự kiến là một trong các nguyên nhân khiến Liên Hiệp Châu Âu vừa quyết định triển hạn 6 tháng trừng phạt kinh tế đối với Nga.

Theo RFI


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề