Doanh nghiệp Trung Quốc – ngôi sao đang lên

Theo danh sách 2.000 công ty đại chúng lớn và quyền lực nhất thế giới năm 2015 (Global 2.000) vừa được tạp chí Forbes công bố, 4 ngân hàng Trung Quốc đã vượt qua những tên tuổi đình đám của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản để độc chiếm ngôi đầu.

Dựa trên tiêu chí xếp hạng theo doanh thu, lợi nhuận, tài sản và giá trị thị trường, danh sách Global 2000 năm nay gồm các công ty của 61 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng doanh thu lên tới 39.000 tỷ USD, lợi nhuận khoảng 3.000 tỷ USD, tài sản ước tính 162.000 tỷ USD và giá trị thị trường ở mức 48.000 tỷ USD.

Điều đáng nói là ngoài các DN nhà nước Trung Quốc, vốn là thành viên quen mặt trong câu lạc bộ các công ty lớn toàn cầu, năm nay, các DN tư nhân đã tìm được chỗ đứng của riêng mình. Nhờ thành công của cuộc IPO lớn nhất trong lịch sử thế giới tại thị trường chứng khoán New York vào năm ngoái, Alibaba đã đánh dấu màn ra mắt ở vị trí thứ 269 trong Global 2000 năm nay. Ngoài ra còn có Công ty Dalian Wanda của người giàu nhất Trung Quốc Vương Kiện Lâm và Lens Technologies của bà Chu Quần Phi – nữ doanh nhân giàu nhất Trung Quốc.

Mặc dù các công ty Trung Quốc đã củng cố vị trí dẫn đầu trong Global 2000 năm nay, nền kinh tế nước này đang đối mặt với những thách thức chưa từng có như sự giảm tốc tăng trưởng GDP, sự gia tăng các khoản nợ địa phương và một thị trường chứng khoán phát triển quá nóng. Điển hình như việc Kaisa Group – tập đoàn Trung Quốc đầu tiên tuyên bố phá sản đã gửi một tín hiệu cảnh báo mạnh mẽ cho các nhà đầu tư bất động sản nước này. Mặc dù, số lượng DN Trung Quốc lớn trên bản đồ kinh tế thế giới tiếp tục tăng lên nhưng tiến trình tái cơ cấu tại nước này đang đặt ra những câu hỏi lớn về sức cạnh tranh của họ với những người khổng lồ thật sự trên thị trường toàn cầu.

Ngoài việc tiếp tục góp mặt trong tốp 10, Mỹ vẫn dẫn đầu về số lượng khi có 579 công ty nằm trong danh sách, trong khi con số đó của Trung Quốc chỉ bằng một nửa (223), tuy nhiên vẫn đủ để lần đầu tiên vượt mặt Nhật Bản (218). Đáng ngạc nhiên, số lượng các tập đoàn châu Âu giảm 20 xuống còn 486; bị châu Á bỏ xa với 691 công ty và Bắc Mỹ với con số 645. Pháp tụt khỏi tốp 5, nhường vị trí này cho Hàn Quốc. Hai quốc gia lần đầu xuất hiện trong danh sách năm nay là Argentina và CH Síp.

Danh sách Global 2000 năm nay cũng cho thấy, ngân hàng vẫn là ngành “ăn nên làm ra” với 434 thành viên, dù đã giảm 27 nhà băng so với năm ngoái. Điều đáng nói là dù giới tài chính toàn cầu vẫn tỏ ra nghi ngại về mức độ minh bạch đối với hệ thống ngân hàng Trung Quốc nhưng lần đầu tiên kể từ khi bảng xếp hạng Global 2000 đầu tiên được Forbes công bố vào năm 2003 đến nay, 4 vị trí đầu tiên của danh sách đều thuộc về các ngân hàng của Trung Quốc. Ngoài ra, trong số 100 ngân hàng lớn nhất thế giới, Trung Quốc có tới 13 ngân hàng, Mỹ xếp thứ hai với 11 ngân hàng. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Canada, Anh, Nhật Bản, Tây Ban Nha, và Pháp.

Phương Nam (Theo Kinh tế & Đô thị)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề