Diễn đàn Đối thoại Shangri-la 2015: đôi điều cảm nhận

Quan sát, hơn là đánh giá, là cách tốt nhất ở thời điểm này về động thái của Mỹ đối với chảo dầu đang sôi biển Đông. Việc kết luận dựa vào những phát biểu của giới chức có thể dẫn đến những lệch lạc. Trong thực tế, trong bài diễn văn nhỉnh hơn 4.000 từ của Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter tại Diễn đàn đối thoại an ninh Shangri-La 2015, chỉ khoảng 1.000 từ ở phần cuối bài là nói đến Trung Quốc. Một cách chính xác, Washington vẫn thận trọng trong những bước đi tái cân bằng, dù họ thấy rõ và luôn nói rõ tham vọng đen tối Trung Quốc. Quan hệ kinh tế sâu rộng là một trong những lý do khiến Washington phải cân nhắc.

Khi Ashton Carter đang “chỉ trích nặng nề Trung Quốc” tại Singapore, cùng ngày, David Shear (trợ lý Bộ trưởng quốc phòng đặc trách châu Á-Thái Bình Dương) đã gặp chuẩn đô đốc Quan Hữu Phi (Guan Youfei; đặc trách đối ngoại Bộ quốc phòng Trung Quốc) và hai bên đã “thảo luận thành thật và sôi nổi” về vấn đề biển Đông trước khi chuyển sang các đề tài khác, trong đó có việc Tập dự kiến sang Mỹ vào tháng 9-2015. Chính tân tư lệnh trưởng Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Harry Harris cũng đã nói: “Tôi tin rằng xung đột này là không tốt cho vấn đề làm ăn và tôi nghĩ Ấn Độ-châu Á-Thái Bình Dương đủ rộng cho tất cả chúng ta”. Cụ thể, mậu dịch Mỹ-Trung đạt khoảng 600 tỉ USD/năm. Các công ty Trung Quốc đầu tư vào Mỹ gần 12 tỉ USD năm 2014, so với không đến 700 triệu USD trước đó 5 năm. Hơn 80.000 người Mỹ hiện làm việc cho công ty Trung Quốc so với không đến 15.000 người cách đây 5 năm. Công ty Trung Quốc hiện có mặt tại 340 trong 435 khu vực bầu cử dân biểu tại Mỹ (Bloomberg 30-5-2015).

Chính sách kiềm tỏa của Mỹ đang được triển khai bằng hai hướng:

1/ Tăng cường từng bước hiện diện quân sự;

2/ Xây dựng liên minh.

Việc Mỹ liên tục đánh động mối đe dọa Trung Quốc là một cách nhắc rằng nếu châu Á không đoàn kết và không móc toa vào đầu tàu Mỹ thì hậu quả thế nào là điều có thể thấy được. Vấn đề bây giờ là “ý thức liên minh” của châu Á, đặc biệt các nước có tranh chấp chủ quyền trực tiếp với Trung Quốc. Nhà của anh, anh phải có ý thức bảo vệ. Nếu không đủ sức bảo vệ, cần thì tôi giúp. Mà nếu cần, anh phải lên tiếng! Nếu tiếp tục xem đây, mặc nhiên, là cuộc đối đầu riêng của Mỹ và Trung Quốc thì vấn đề an ninh quốc gia của từng nước trong khu vực chẳng bao giờ được giải quyết đến nơi đến chốn.

Đừng chờ và hy vọng Mỹ đánh Trung Quốc “cho mình nhờ”. Cách mà Mỹ nói họ không can thiệp tranh chấp giữa các nước cho thấy họ chỉ và sẽ đứng ngoài cuộc cho đến khi nào “các anh” trở thành đồng minh của “tôi”, với những “hợp đồng” hỗ tương cụ thể. Tại sao Mỹ phải đổ máu vì sự tranh chấp của “các anh”? Điều cơ bản này, đáng lý, một số nước châu Á phải thấy. Cho nên, đừng quan tâm đến những thông tin về khả năng chiến tranh nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Hãy quan tâm đến việc chính phủ anh đang chơi trò gì, chuẩn bị gì để đối phó, làm gì để bảo vệ biên cương lãnh thổ. Vấn đề chỉ có vậy.

Biển Đông đang nóng. Cực nóng. Nó không có chỗ để đặt một cái ghế giấu trong mỏm đá hóng nhìn ngoài kia “chúng nó sắp đánh nhau”!

Mạnh Kim


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề