Đại sứ “Tây” ở ta: “Con rể” Việt Nam (Kỳ 1)

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, cách gọi quen thuộc về các nhà ngoại giao đại diện cho quốc gia quê hương họ đến Hà Nội để lãnh đạo cơ quan sứ quán và thực thi sứ mệnh cầu nối quan hệ song phương.

Phía sau bức màn ngoại giao với những cái bắt tay, những cuộc đàm phán, những công việc nghiêm nghị văn phòng…, đời thường của các vị đại sứ nước ngoài đôi khi là những câu chuyện hết sức thú vị.

“Chào buổi sáng bằng tiếng Việt. Chào buổi trưa bằng tiếng Ả Rập. Mời uống cà phê bằng tiếng Pháp và chúc ngủ ngon bằng tiếng Anh”.

Đó là câu chuyện đặc biệt về những ngôn ngữ thường dùng trong gia đình đại sứ Palestine tại Việt Nam, ông Saadi Salama. Và đây là một câu chuyện được bắt đầu ở Hà Nội vào năm 1980…

Duyên phận với đất nước hình chữ S

“Sau hơn 12 năm sống ở Hà Nội và hơn 30 năm gắn bó với Việt Nam, tôi không có cảm giác mình là một người nước ngoài ở đây” – đại sứ Saadi Salama tâm sự với chúng tôi trong văn phòng giản dị của ông ở khu ngoại giao đoàn Trung Tự.

Trên tường của văn phòng ông đại sứ, trong số những bức hình được phóng to có hình một nam thanh niên Ả Rập với bộ ria mép đậm đang quang gánh lao động bên cạnh những người Hà Nội khác.

Đó là chàng thanh niên Saadi Salama vào năm 1980, khi đang là sinh viên nước ngoài tại Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.

Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) mở Văn phòng đại diện thường trú tại Việt Nam năm 1976, sau khi Việt Nam và PLO thiết lập quan hệ chính trị vào thập niên 1960.

Sau đó, hai nước Palestine và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 19-11-1988, khi Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận Nhà nước Palestine.

Cùng với đó, Văn phòng đại diện thường trú của PLO tại Hà Nội đã chính thức được chuyển thành Đại sứ quán Nhà nước Palestine.

“Tôi là người có duyên phận với đất nước hình chữ S của các bạn. Cái duyên này xuất phát từ hoàn cảnh đấu tranh của hai dân tộc chúng ta. Người Palestine luôn muốn tìm hiểu quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của người Việt Nam.

Những năm 1972-1973 khi đang là một cậu bé 12 tuổi, tôi đã tìm hiểu về Việt Nam qua báo chí và sách vở. Hình ảnh nhân dân Việt Nam kiên cường trước những chiếc máy bay B52 đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong tôi” – đại sứ Saadi Salama kể lại.

Lúc bấy giờ tại khu phố nơi gia đình cậu bé Saadi Salama ở, những đứa trẻ Palestine thường chơi đá bóng bằng cách lập hai đội Việt Nam và Mỹ, Saadi Salama luôn thuộc về đội Việt Nam.

“Khi Việt Nam thống nhất vào năm 1975, chúng tôi đã coi đó là chiến thắng của mình” – đại sứ Saadi Salama nói.

Cũng theo lời kể của đại sứ, Bộ Giáo dục Palestine khi làm giáo trình dạy học ở lớp 12 đã đưa vào một môn học về kinh nghiệm đấu tranh của nhân dân Việt Nam, vì vậy mọi người Palestine tốt nghiệp cấp III đều có khái niệm rõ ràng về đất nước và con người Việt Nam.

Học hết cấp III, Saadi Salama đứng trước cơ hội đi du học ở Ý, Romania và Việt Nam. Không chút đắn đo, Saadi Salama điền hai chữ Việt Nam vào hồ sơ đi học nước ngoài của mình.

35 năm đã trôi qua, biết bao nước chảy qua cầu nhưng đại sứ Saadi Salama vẫn nhớ như in ngày đầu tiên ông đến Hà Nội. “Máy bay đáp xuống sân bay Nội Bài, một sân bay cũ, cầu thang xuống máy bay chưa có xe chạy tự động như bây giờ mà đẩy bằng tay, bước xuống cảm giác cầu thang rung rung dưới chân rất sợ”.

Trên đường từ sân bay Nội Bài về thành phố, Saadi Salama nhìn thấy cảnh đồng ruộng xanh ngát và những nông dân mặc áo đen đang chăm chỉ làm việc.

Ôtô vào trung tâm, hai bên phố những người phụ nữ mặc áo trắng, quần lụa đen, đàn ông mặc đồ kaki, đội mũ, xe đạp là phương tiện chủ yếu trên đường…

Đại sứ Saadi Salama trò chuyện với cụ ông người Việt - Ảnh: ĐSQ Palestine cung cấp

Đại sứ Saadi Salama trò chuyện với cụ ông người Việt – Ảnh: ĐSQ Palestine cung cấp

Những đứa con của hai dòng máu

Bốn năm theo học ở khoa tiếng Việt Đại học Tổng hợp (1980-1984), Saadi Salama là một lưu học sinh nổi bật với sự năng động và thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội.

Trong giai đoạn này, ông đã làm quen và lập gia đình với một cô gái Hà Nội tên Nguyễn Thị Kim Oanh – người sau này đã sinh cho ông bốn người con mang dòng máu Palestine và Việt Nam.

“Hồi đó sinh viên Việt Nam thường không giao lưu nhiều với người nước ngoài. Nhưng với người Palestine thì khác. Chúng tôi là những người bạn của Việt Nam. Quả thật khi mới đến Hà Nội, tôi không tưởng tượng được mình sẽ cưới một người vợ ở đây, mà luôn nghĩ rằng sẽ có một ngày lấy vợ người Palestine.

Nhưng duyên phận đã giúp tôi tìm hiểu và xây dựng gia đình với một cô gái Việt Nam. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy mình thật may mắn, phụ nữ Việt Nam là những người rất chịu thương chịu khó, có đức tính hi sinh cho gia đình và biết chăm lo cho con cái”.

Con gái lớn của đại sứ Saadi Salama hiện làm việc cho Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế tại Thụy Sĩ.

Con gái thứ hai của ông có bằng thạc sĩ thương mại quốc tế, hiện làm việc cho một công ty lớn ở Pháp và như lời giới thiệu của ngài đại sứ: “Con gái thứ hai của tôi suốt ngày bay từ nước này sang nước kia”.

Con gái thứ ba của ông đang theo học tại một trường mỹ thuật ở Pháp, đã được nhà trường mời làm việc theo hình thức vừa học vừa làm. Con trai út của đại sứ là sinh viên đại học luật cũng tại nước Pháp.

“Tất cả các con tôi đều có thể nói được tiếng Việt, tiếng Ả Rập, tiếng Pháp, tiếng Anh, có đứa có thể nói tiếng Tây Ban Nha. Vậy nên khi tôi đi cùng các con mình thì chúng tôi nói chuyện bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Người ngoài nhiều khi ngạc nhiên không hiểu vì sao gia đình này chào buổi sáng bằng tiếng Việt, chào buổi trưa bằng tiếng Ả Rập, mời uống cà phê bằng tiếng Pháp và chúc ngủ ngon bằng tiếng Anh. Tôi giới thiệu với họ đây là tinh hoa của quan hệ thông gia giữa Palestine – Việt Nam và rằng tôi là con rể Việt Nam” – ngài đại sứ tâm sự.

Mặc dù hài lòng với sự nỗ lực và những thành công bước đầu của các con trong môi trường quốc tế, nhưng đại sứ Saadi Salama có một điều luôn cảm thấy tiếc nuối khi thời gian trôi đi, đó là gia đình ông hiếm khi được đoàn tụ đầy đủ cùng nhau. “Có lẽ đó là cái giá mà nghề ngoại giao phải trả” – đại sứ nói.

Phu nhân của đại sứ Saadi Salama hiện ở Pháp cùng với các con. Qua những gì ông chia sẻ thì đó là một phụ nữ Hà Nội xưa, nghĩa là sống theo những nét văn hóa truyền thống.

“Vợ tôi đã giúp các con hiểu được văn hóa truyền thống của Việt Nam và Palestine. Và tôi nghĩ rằng thành tựu lớn nhất trong đời tôi là những đứa con” – ngài đại sứ nói với giọng đầy tự hào.

Cố chủ tịch Yasser Arafat của Palestine đã có 10 lần tới Việt Nam và đại sứ Saadi Salama chính là người đã dịch cho chủ tịch Arafat trong hai lần ông sang Việt Nam năm 1989 và 1991, để lại những kỷ niệm ông không bao giờ quên.

________________

Kỳ tới: Chuyến bay đặc biệt của chủ tịch Arafat

Trí Lê (Theo Tuổi trẻ)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề