Con gà “cõng” 14 loại phí, hạt lúa chờ “vận may”: Ngành nông nghiệp làm gì để hội nhập?

“Tương lai của ngành nông nghiệp là “5 ăn, 5 thua”. Sóng lớn thì cần thuyền trưởng tài giỏi và dũng cảm. Trong giai đoạn hội nhập, người nông dân không thể mãi an phận với những gì sẵn có mà phải được đào tạo thành người công nhân nông nghiệp” – TS Lê Đăng Doanh chia sẻ.

Hơn 800 điều kiện kinh doanh vô lý đang trói chân người nông dân

Nhận định về tiềm năng của ngành nông nghiệp Việt Nam trước thềm hội nhập, TS Lê Đăng Doanh – Chuyên gia kinh tế cho biết, Việt Nam được biết đến là nước xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu thế giới về cà phê, hồ tiêu, gạo, song chất lượng chưa cao.
Theo TS Doanh, thách thức của ngành nông nghiệp là diện tích đất canh tác nông nghiệp trên đầu người thấp. Mức trung bình thế giới là 1,2ha trong khi ở Việt Nam chỉ có 0,104ha. Năng suất không tăng nhiều, chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm thấp, do vậy tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp thấp.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp và đặc biệt là những người nông dân còn đang phải chịu nhiều thiệt thòi với các loại phí chồng phí.
Ông Doanh dẫn một kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, theo Luật doanh nghiệp, có hơn 3000 điều kiện kinh doanh không phù hợp nhưng chưa bãi bỏ được, trong đó hơn 800 điều kiện kinh doanh trong ngành nông nghiệp. Những điều kiện kinh doanh này đi kèm với nhiều loại phí và lệ phí đè lên người nông dân.
“Một con heo khi sinh ra có người đến bấm lỗ tai 1 cái, tiêm chủng bấm 1 cái, chuyển sang giết mổ bấm 1 cái, giết mổ xong lại có người đến đóng dấu 1 cái nữa… Tất cả các loại phí đều rất lớn. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cao Đức Phát từng tổng kết, 1 quả trứng phải chịu 30 loại phí, 1 con gà “cõng” 14 loại phí” – TS Doanh lấy ví dụ.
Trong khi đó, hạt gạo Việt để có thể xuất khẩu ra được thị trường nước ngoài cũng phải trải qua nhiều khâu thủ tục với rất nhiều loại chi phí khác nhau. Do vậy, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, hạt lúa còn chờ “vận may” để có thể được “cởi trói”.
Ông Doanh cũng chia sẻ thêm, theo kết quả nghiên cứu của CIEM tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, ngành hải quan cho biết có đến 32% các quy định mà ngành hải quan phụ thuộc vào 8 bộ như Bộ Nông nghiệp, Bộ Tài chính…
Trong khi đó, theo Luật doanh nghiệp, chỉ có những quy định bằng luật có hiệu lực, còn các quy định do bộ, sở đặt ra thì cần được gỡ bỏ. Ngoài ra, rất nhiều quy định cần được làm rõ, thông báo cho người nông dân, hợp tác với nông dân tránh trường hợp phí chồng phí.

Ngành nông nghiệp làm gì để hội nhập?

Theo chuyên gia Lê Đăng Doanh, để đặt tầm nhìn mới cho nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp cần tăng trưởng trung bình 20% qua mỗi thập kỷ. Mục tiêu đặt ra tới năm 2020, nông nghiệp sẽ đóng góp từ 3,5-4% vào mức tăng trưởng GDP của Việt Nam; thu nhập của hộ nông dân tăng 2,5 lần…
Trong thời gian tới, khi Việt Nam hoàn tất đàm phán và ký kết FTA với các đối tác lớn như EU, Hàn Quốc, hay hiệp định TPP với 11 nước thành viên trong đó có Mỹ, Nhật Bản và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)… sẽ mang lại rất nhiều cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp. Song cùng với cơ hội là rất nhiều thách thức đan xen.
Theo ông Doanh, cơ hội sẽ không tự đến mà bản thân doanh nghiệp và cả người nông dân cần chủ động nhận biết và nắm bắt để mở rộng thị trường xuất khẩu với thuế suất thấp. Đồng thời đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào một số đối tác.
Thách thức sẽ xuất hiện ngay khi các cam kết có hiệu lực. Tương lai của ngành nông nghiệp là “5 ăn, 5 thua”. Do vậy, vấn đề sống còn của ngành nông nghiệp là đẩy mạnh tái cơ cấu, chuyển sang canh tác trên quy mô lớn, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, vận dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Sóng lớn thì cần thuyền trưởng tài giỏi và dũng cảm. Trong giai đoạn hội nhập, người nông dân không thể mãi an phận với những gì sẵn có mà phải được đào tạo thành người công nhân nông nghiệp. Đồng thời, Nhà nước cần cải cách thể chế, tạo thuận lợi hơn cho người nông dân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp” – TS Lê Đăng Doanh chia sẻ.

Theo Trí thức trẻ


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề