Bình thường hóa bang giao Mỹ-Cuba: Con đường còn dài

Kể từ khi đưa ra thông báo lịch sử về việc xích gần lại Cuba, Hoa Kỳ đã bãi bỏ nhiều hạn chế đối với đảo quốc này, thế nhưng hiện vẫn còn rất nhiều bất đồng ngăn cản hai kẻ thù của thời chiến tranh lạnh đi đến bình thường hóa hoàn toàn bang giao.

Khi gặp nhau hôm nay (11/04/2015) bên lề cuộc họp thượng đỉnh tại Panama, Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raoul Castro không biết có đủ thời giờ để giải tỏa hết những trở ngại hiện đang ngăn cản việc mở lại các đại sứ quán ở hai nước, mà Washington hy vọng sẽ diễn ra trong tháng 4 năm 2015.

Hiện giờ, quan hệ giữa hai nước đã đạt được một số tiến bộ. Tổng thống Obama đã giảm nhẹ những hạn chế về du lịch đến Cuba, cũng như về việc chuyển tiền của người Cuba lưu vong về nước. Ông Obama cũng đã cho phép công dân Hoa Kỳ được sử dụng thẻ tín dụng khi du lịch ở Cuba, và được mua về 100 đôla thuốc lá hay rượu Cuba.

Những trao đổi thương mại trong các lĩnh vực chủ chốt như viễn thông cũng đã được Washington mở rộng. Tháng 2/2015, một thỏa thuận đã được ký kết về việc tái lập liên lạc điện thoại trực tiếp giữa hai nước. Đến cuối tháng 3, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã bãi bỏ các biện pháp trừng phạt đối với khoảng 60 công ty và cá nhân làm ăn buôn bán với Cuba. Các doanh nghiệp Mỹ kể từ nay cũng được phép đầu tư vào khu vực tư nhân ở Cuba.

Về việc tái lập bang giao, phái đoàn hai nước đã có hai cuộc họp vào tháng Giêng ở La Habana và tháng 2 ở Washington. Cuba đã đặt điều kiện tiên quyết là Hoa kỳ phải rút nước này ra khỏi danh sách các quốc gia yểm trợ khủng bố. Bộ Ngoại giao Mỹ đã tiến hành các thủ tục để giải tỏa bế tắc này. Vào cuối tháng 3, hai bên cũng đã có các cuộc thảo luận sơ bộ về vấn đề nhân quyền.

Nhưng yêu sách chủ yếu của Cuba vẫn là Washington phải bãi bỏ lệnh cấm vận vẫn còn đè nặng lên nền kinh tế đất nước. Tổng thống Obama đã yêu cầu Quốc hội tiến hành bãi bỏ cấm vận Cuba, nhưng ông đang gặp phải sự chống đối mạnh mẽ từ các nghị sĩ của cả hai phe Cộng hòa và Dân chủ.

Ngoài yêu cầu bãi bỏ cấm vận, chủ tịch Raoul Castro còn đòi Hoa Kỳ phải trao trả lại Cuba phần lãnh thổ « chiếm đóng trái phép » để xây căn cứ Guantanamo. Mặc dù dự trù sẽ đóng cửa trại tù Guantanamo, Washington dứt khoát không muốn trả lại La Habana phần lãnh thổ mà họ đã chiếm đóng từ năm 1903.

Đáp lại các yêu sách về tài chính của phía Cuba, Hoa Kỳ đòi chính quyền La Habana trả lại các tài sản của công dân Mỹ bị tịch biên sau cuộc cách mạng của Fidel Castro, được ước lượng lên tới 7 tỷ đôla, tính luôn cả tiền lãi.

Đó là chưa kể một số vấn đề khác chờ được giải quyết trong quan hệ giữa hai nước, như việc Cuba vẫn đòi Hoa Kỳ ngưng phát các chương trình phát thanh của cộng đồng Cuba lưu vong, được thực hiện với tiền tài trợ của chính phủ Mỹ.

Về phần Washington thì đòi La Habana phải nhận về những người Cuba có tiền án tiền sự chạy sang Mỹ tỵ nạn. Theo phía Hoa Kỳ, trên tổng số khoảng 25.000 người trong diện này, chính quyền La Habana chỉ mới nhận về có 6 người.

RFI


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề