Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario vừa chính thức xác nhận việc nước này sẽ xúc tiến trở lại các công việc sửa chữa và tu bổ trên các đảo, bãi ngầm mà Manila đang kiểm soát tại quần đảo Trường Sa sau một thời gian tạm đình chỉ.
Phát biểu trước cử tọa bao gồm giới ngoại giao, sĩ quan quân đội và phóng viên nước ngoài hôm 26/3, người đứng đầu ngành ngoại giao Philippines khẳng định việc làm của Manila là hoàn toàn hợp pháp, trái với các hành vi bồi đắp đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang rốt ráo thực hiện.
Theo ông del Rosario, các công việc này, trong đó có việc sửa chữa đường băng trên đảo Thị Tứ (Philippines gọi là Pag-Asa – PV) hoàn toàn không vi phạm bản Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), ký kết năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc. Lý do là công việc tu bổ của Philippines không hề làm thay đổi hiện trạng trong vùng đang tranh chấp.
Trước đó, vào năm 2014, Manila đã đơn phương đình hoãn mọi công trình trên các đảo hay bãi đá mà nước này kiểm soát tại Biển Đông vì e ngại tác động không hay của các công việc này đối với vụ kiện yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc mà Philippines là nguyên đơn tại tòa án trọng tài quốc tế, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Vào cuối tháng 10/2014, Philippines đã kêu gọi các nước tranh chấp cùng đình chỉ các công việc xây dựng tại Biển Đông.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn ngang nhiên phớt lờ lời kêu gọi của Manila và càng đẩy nhanh việc xây dựng trái phép trên 7 bãi ngầm hay rạn san hô mà Bắc Kinh đã cưỡng chiếm bằng vũ lực từ tay Việt Nam hay Philippines, biến các thực thể này thành các đảo nhân tạo, bên trên có các công trình hoàn toàn có thể dùng cho mục đích quân sự.
Nhắc đến các hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông, cũng tại buổi họp báo ngày 26/3, Ngoại trưởng Philippines đã một lần nữa tố cáo việc bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc nói trên là nhằm củng cố yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh với hầu như toàn bộ Biển Đông, đặt ra một thách thức nghiêm trọng hơn đối với các bên tranh chấp khác. Ông del Rosario lên án yêu sách của Trung Quốc là “không hợp lệ, quá đáng và vi phạm luật pháp quốc tế”.
“Rõ ràng chúng ta thấy Trung Quốc đang đẩy mạnh tham vọng bành trướng bằng cách thay đổi hiện trạng trong khu vực để áp đặt các yêu sách chủ quyền phi lý và phi pháp của họ, hòng kiểm soát hầu như toàn bộ Biển Đông, trước lúc ASEAN thúc ép được nước này thống nhất được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và trước lúc trọng tài ra phán quyết về đơn kiện của Philippines”, ông del Rosario nhấn mạnh.
PetroTimes
- Poroshenko: Ukraina hiểu rằng chúng tôi không phải là kẻ thù duy nhất của Nga
- Nga có thể đứng ngoài Biển Đông nếu muốn
- Học giả Nga bình luận "lạ" về việc Trung Quốc kéo tên lửa ra Hoàng Sa
- Nguy cơ biển Đông năm 2016
- Biển Đông 2015: Thái độ chống Trung Quốc gia tăng trong ASEAN
- GDP bình quân đầu người Việt Nam thua xa Philippines
Trả lời