Bị Triều Tiên làm bẽ mặt, Trung Quốc nổi cáu đe nẹt… cả bán đảo
Trung Quốc tỏ ra khó chịu trước việc bị Triều Tiên “át vía”, và Thời báo Hoàn Cầu của nước này mới đây đã lên tiếng hăm dọa… tất cả các bên liên quan ở bán đảo liên Triều.

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cho hay, bán đảo Triều Tiên vừa trải qua một cuối tuần khó khăn khi đối thoại cấp cao Hàn-Triều chưa tìm được lối ra, trong khi cả Bình Nhưỡng và Seoul không có động thái hạ nhiệt đối đầu quân sự.

Dù chưa có hành động quân sự nhằm vào Hàn Quốc sau “thông điệp cuối cùng” đòi Seoul ngừng phát loa tuyên truyền chống Triều Tiên, song Bình Nhưỡng đã âm thầm điều động “70% tàu ngầm rời cảng”, khiến tình hình trở nên căng thẳng.

“TỔNG THỐNG HÀN QUỐC PARK GEUN HYE
Chúng tôi cần một lời xin lỗi rành rọt và các biện pháp (từ Triều Tiên) để ngăn chặn sự tái diễn của các hành động khiêu khích và tình hình căng thẳng. Nếu không, chính phủ (Hàn Quốc) sẽ tiếp tục chương trình phát thanh và có các biện pháp thích hợp.”

Trong khi đó, Hoàn Cầu chỉ ra, Triều Tiên đã tỏ ý phản đối việc phải “kiềm chế”. Tuy nhiên, đây chính xác là từ mà người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã sử dụng trước đó, khi bà kêu gọi các bên ở bán đảo “kiềm chế”.

Hôm 21/8, Bộ ngoại giao Triều Tiên thông qua hãng thông tấn KCNA của nước này phát đi tuyên bố cứng rắn rằng “quân đội và nhân dân Triều Tiên không e ngại tiến hành chiến tranh toàn diện, chứ không chỉ đơn giản là đối phó hay trả đũa”.

Đặc biệt, trong thông cáo có đoạn: “Hàng chục năm qua, chúng ta đã luôn duy trì sự ‘kiềm chế’. Đến lúc này, luận điệu ‘kiềm chế’ của ‘ai đó’ (chỉ Trung Quốc-PV) không còn giúp kiểm soát tình hình nữa.”

Theo Hoàn Cầu, tuyên bố của Bình Nhưỡng “cố ý nhắm vào Trung Quốc”.

8 máy bay chiến đấu của không quân Mỹ-Hàn bay “thị uy” trên vùng trời Hàn Quốc hôm 22/8. Ảnh: Mirror

Lo ngại lễ duyệt binh bị “át vía”, Trung Quốc đe nẹt cả bán đảo liên Triều

Có nhiều phân tích nhận định, tình trạng căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên có liên quan tới lễ duyệt binh vào ngày 3/9 tới đây của Trung Quốc. Theo đó, đại lễ của Bắc Kinh bị xem như “lực đẩy” khiến tình hình bán đảo xấu đi.

Điều này chỉ là sự “nhạy cảm” quá mức của người Trung Quốc, hay là “ván bài” của các thế lực trong và ngoài nhằm ảnh hưởng lên bán đảo?

Thời báo Hoàn Cầu đánh giá, nếu có chuyện “đánh cược” trên tình hình bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc chắc chắn sẽ khó chịu.

Hoàn Cầu cảnh cáo, nếu sự can thiệp “từ bên ngoài” vào mâu thuẫn Hàn-Triều gây ảnh hưởng xấu tới lễ duyệt binh của Trung Quốc thì nước này “sẽ không ngồi yên”.

“Trung Quốc có thừa biện pháp, dùng phương thức ‘không chọn bên’ nhưng đủ để các bên nhận ra thái độ và đưa ra phản ứng mạnh mẽ của mình.” – Bài bình luận trên Hoàn Cầu ngày 24/8 có đoạn.

Theo Hoàn Cầu, điều quan trọng nhất là “sức đe dọa chiến lược mà ưu thế sức mạnh và địa chính trị đem lại khiến Trung Quốc không thể bị thao túng”.

Tờ này đe nẹt, tất cả các bên “có ý định kiểm soát Trung Quốc” sẽ chịu áp lực và rủi ro cực lớn chứ “không thể đắc ý dễ dàng”.

Bắc Kinh tự tin nếu gặp phải sự “quấy nhiễu” nào đó liên quan tới lễ duyệt binh 3/9 thì cũng là điều “không đáng kể”, trong khi 2 miền bán đảo Triều Tiên sẽ rơi vào “thảm họa khó chống đỡ nổi”.

“Các bên ở bán đảo chắc phải hiểu rõ, hiếm có quốc gia nào dám kéo Trung Quốc vào cuộc đối đầu ‘tay đôi’ giữa bọn họ.”

Thời báo Hoàn Cầu cũng tỏ ra “kẻ cả” khi tuyên bố, bất kể là đứng ngoài cuộc hay “cống hiến” nhiều hơn cho cuộc đàm phán Hàn-Triều, chỉ cần Trung Quốc muốn là sẽ làm được.

“Trung Quốc đang bảo vệ lợi ích chung của tất cả các quốc gia trong khu vực, bao gồm Hàn Quốc và Triều Tiên. Ở vị thế của một ‘nước lớn’ như vậy, bất cứ thế lực nào cũng không ‘giật dây’ được Trung Quốc.” – Hoàn Cầu kết luận huênh hoang.

Nguồn Dailo


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Có 1 phản hồi cho bài viết “Bị Triều Tiên làm bẽ mặt, Trung Quốc nổi cáu đe nẹt… cả bán đảo”:

  1. David viết:

    Tại sao đa phần các bài báo chính trị ghi toàn là những từ để trong ngoặc kép, đọc vào cảm thấy khó chịu thật. Cứ ghi thẳng ra không được à, nếu vậy thì đừng ghi.
     ví dụ : […] Tờ này đe nẹt, tất cả các bên “có ý định kiểm soát Trung Quốc” sẽ chịu áp lực và rủi ro cực lớn chứ “không thể đắc ý dễ dàng”. <<<<< ghi bình thường không được hay sao mà phải để trong ngoặc kép. !? 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề