Hãng tin AFP ngày hôm 23/12 đăng bài viết nhan đề “Cơn sốt bauxite (bô-xít) ở Malaysia mang lại sự giàu có và những nỗi lo”, cho biết nạn khai thác bauxite tràn lan ở TP Kuantan, bang Pahang đang hủy hoại môi trường và gây ra các vấn đề sức khỏe cho người dân địa phương.
Bài báo mở đầu bằng việc miêu tả đồn điền trồng cọ của lão nông Surin Beris ở Kuantan đã bị san ủi và các xe ủi đất đang xới tung đất đỏ, làm bụi độc hại bay mù mịt. Thế nhưng Surin Beris chưa bao giờ hạnh phúc hơn lúc này.
Phất lên nhờ bauxite
Lão nông Beris, 67 tuổi, người Hồi giáo, đang gặt hái “của trời cho” nhờ cơn sốt bauxite ở vùng nông thôn của TP Kuantan, nơi bauxite chất lượng cao nằm ẩn mình dưới lớp đất đỏ.
Bauxite, được sử dụng để sản xuất nhôm, đang tăng vọt bởi nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc.
Ông Surin nói rằng cơn sốt bauxite là “món quà từ thánh Allah”. Trước đây, ông kiếm được 2.000 ringgit (tương đương 10,5 triệu VND) mỗi tháng nhờ thu hoạch trái cọ đươc sử dụng để ép dầu cọ. Nhưng nay, “Tôi kiếm được 1 triệu ringgit (hơn 5,2 tỉ VND) trong chưa đầy 6 tháng. Tôi tạ ơn đấng tối cao vì quá hào phóng đối với tôi”, ông nói.
Khai thác bauxite được đẩy mạnh ở Malaysia chẳng bao lâu sau khi Indonesia, nước cung cấp bauxite số 1 cho Trung Quốc, cấm xuất khẩu quặng kim loại vào tháng 1/2014 nhằm buộc các doanh nghiệp trong nước phải tinh chế quặng bauxite để gia tăng giá trị trước khi xuất khẩu. Lệnh cấm này khiến các nước tiêu thụ bauxite lớn như Trung Quốc thiếu nguồn cung trầm trọng.
Malaysia đã nhanh chóng điền vào khoảng trống. Trước đây, Malaysia không phải là nhà sản xuất bauxite lớn nhưng giờ đây, khai thác bauxite đang tăng mạnh, phần lớn là khai thai lậu như trường hợp của ông Surin.
Theo số liệu chính phủ Malaysia, năm ngoái, sản lượng bauxite tăng gấp 4 lần so với năm trước đó, lên mức 963.000 tấn và con số này dự báo tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến chỉ trích cảnh báo khai thác bauxite đang được thực hiện theo kiểu nghiệp dư trong khi đó, chính phủ Malaysia ít chú ý hoặc không để tâm đến tác hại môi trường tiềm tàng của hoạt động này.
Môi trường sống tan nát
Theo AFP, khai thác bauxite có thể phát tán ra môi trường các kim loại nặng gây ung thư như strontium, cesium và các chất độc hại khác có chứa mức phóng xạ thấp. Vì phần lớn bauxite nằm ngay dưới bề mặt, việc lấy quặng chỉ đơn giản là bóc lớp đất trên cùng và tạo ra các hốc lõm.
Tại Pahang, nơi phần lớn diện tích được bao phủ bởi các cánh rừng nhiệt đới và đất nông nghiệp, bụi đỏ xoáy mù xung quanh các hốc lõm khai thác bauxite và dọc theo các con đường mà các xe tải chở đầy quặng bauxite ầm ầm chạy về hướng cảng Kuantan bên bờ Biển Đông, nơi quặng sẽ được đưa lên tàu biển xuất sang Trung Quốc.
Điều đáng lo ngại là các kim loại nặng phát tán trong quá trình khai thác bauxite đã nhiễm vào các nguồn nước hoặc chuỗi thực thẩm, ảnh hưởng đến các cộng đồng dân cư trong nhiều năm qua.
Các nhà hoạt động môi trường cho biết các con sông ở địa phương và bờ biển dọc theo Kuantan thường xuyên bị nhiễm nước thải bùn đỏ từ các hoạt động khai thác quặng. Người dân trong khu vực cũng thường phàn nàn các vấn đề về hô hấp và ngứa ngáy da.
“Đứa cháu nội 4 tuổi của tôi đang đau vì nó không thể hít thở không khí trong lành. Ngày nào chúng tôi cũng hít bụi”, Manap Muda, một vị trưởng làng sống gần Kuantan, than vãn. Ông cho biết chính quyền địa phương phớt lờ vấn đề này.
Bà Fuziah Salleh, nghị sĩ quốc hội phe đối lập đại diện cho khu vực cử tri Kuantan cho biết các lổ hỗng pháp lý cho phép các chủ đất nhỏ khai thác quặng mà không cần sự đồng ý của cơ quan chức năng. Bà nói nhiều người đang “bóc lột đất vì lợi nhuận”. Bà cho rằng “người dân quá tham lam và đang kiếm bộn tiền bất chấp các tác hại đối với sức khỏe cộng đồng”.
Chính phủ Malaysia cũng đã bắt đầu nhìn nhận vấn đề nghiêm túc hơn. Bộ trưởng Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Wan Junaidi Tuanku Jaafar đã trao cho phóng viên AFP một bản báo cáo của chính phủ trong đó khẳng định hàm lượng các chất độc hại đã được phát hiện trong các mẫu nước lấy từ sông Pengorak, gần khu vực khai thác quặng bauxite và Kuantan.
Ông nói: “Các phát hiện của chúng tôi cho thấy có nhôm, thạch tín, thủy ngân và mangan trong nước sông Pengorak. Hoạt động khai quặng bauxite đã làm chất lượng nước xấu đi”. Báo cáo kết luận con sông này “không còn có thể sử dụng để uống, tưới tiêu, tắm hay đánh cá”.
Đảng cầm quyền Liên minh Mặt trận Dân tộc ở Malaysia thường xuyên bị cáo buộc không chú ý đầy đủ đến các hậu quả về môi trường và xã hội của việc khai thác các nguồn tài nguyên phong phú của đất nước. Chủ tịch Ủy ban môi trường chính quyền bang Pahang, ông Mohamad Soffi Abdul Razak bác bỏ các lo ngại về sức khỏe và môi trường. Ông nói: “Cơn sốt bauxite đang tạo ra nhiều việc làm. Chúa đã ban phúc cho Pahang”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Wan Junaidi Tuanku Jaafar cho biết ông sẽ kêu gọi khai quặng bền vững hơn và hối thúc chính phủ đưa ra các biện pháp ngăn ngừa việc phát tán các chất nguy hiểm từ hoạt động khai quặng.
Nghị sĩ Fuziah Salleh đã giận dữ khi được cho xem báo cáo của chính phủ về tình trạng ô nhiễm ở sông Pengorak. Bà kêu gọi chính phủ ngay lập tức ngưng xuất khẩu bauxite. “Chúng ta không nên đùa giỡn với tính mạng con người. Thật sốc khi dữ liệu về mẫu nước sông kinh hoàng này được công bố 3 tháng sau khi lấy mẫu nước”. bà nói.
Lão nông Surin thừa nhận ông khai thác bauxite mà không có giấy phép nhưng ông cho rằng các lo ngại về môi trường chẳng qua là trò gieo rắc sợ hãi vì ghen tỵ. Kiếm được bộn tiền nhờ quặng bauxite, ông đang lên kế hoạch cho một cuộc sống sung túc. Ông nói: “Tôi sẽ trồng lại cây cọ và đưa gia đình hành hương đến thánh địa Mecca (Ả rập Saudi một lần nữa”.
Trí Lê (Theo THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN)
- Thiên tình sử "người đẹp và cành cọ"-thất bại của Kremlin ở Malaysia
- Biển Đông 2015: Thái độ chống Trung Quốc gia tăng trong ASEAN
- Nửa thế kỷ đảo quốc Singapore, nghĩ về đảo ngọc Phú Quốc
- Trường hợp vụ tai nạn máy bay Boeing 777, đã hình thành một "bức tranh rõ ràng"
- Malaysia phạt du khách 'cởi hết trên núi'
- MH370 đã bị chuyển hướng bay đến Nam Cực ?
Trả lời