Venezuela – quốc gia có ảnh hưởng nhiều nhất về mặt kinh tế lên Cuba hiện tại – đang chật vật bên bờ vực vỡ nợ cấp quốc gia…
Theo nhận định của hãng tin Bloomberg, có thể chính những thách thức kinh tế mà Venezuela đang phải đương đầu đã khiến Cuba đi đến quyết định trao đổi tù nhân với Mỹ để nối lại quan hệ ngoại giao với nước này.
Hôm qua (17/12), Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Washington sẽ nối lại quan hệ ngoại giao với Havana sau hơn 5 thập kỷ mối quan hệ này gián đoạn. Chủ tịch Cuba Raul Castro cũng đánh giá cao việc hai nước trao đổi tù nhân và quyết định nối lại quan hệ với Cuba của ông Obama.
Động thái trên của hai nước “cựu thù” diễn ra trong bối cảnh Venezuela – quốc gia có ảnh hưởng nhiều nhất về mặt kinh tế lên Cuba hiện tại – đang chật vật bên bờ vực vỡ nợ cấp quốc gia.
Kể từ khi lên nắm quyền thay cho người tiền nhiệm Hugo Chavez, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro không thể kiểm soát được tốc độ lạm phát cao nhất thế giới ở nước này. Các biện pháp kiểm soát kinh tế sai lầm cộng thêm tình trạng giảm chóng mặt của giá dầu – mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Venezuela – khiến quốc gia Nam Mỹ này cạn kiệt nguồn ngoại tệ và rơi vào tình trạng khan hiếm hàng hóa thiết yếu.
Lợi suất trái phiếu Venezuela không ngừng tăng trong thời gian gần đây và điều này được xem như một dấu hiệu cho thấy Caracas đang còn cách không xa một cuộc vỡ nợ cấp quốc gia. Gần đây, Trung Quốc – chủ nợ lớn nhất của Venezuela – đã cho nước này vay thêm tiền để cầm cự.
Giới quan sát cho rằng, Chủ tịch Castro đang nỗ lực để giảm bớt sự phụ thuộc của nền kinh tế Cuba vào Venezuela. Hiện Venezuela đang cung cấp cho Cuba 100.000 thùng dầu mỗi ngày để đổi lấy hỗ trợ y tế.
“Venezuela đang ở trong tình trạng thảm họa kinh tế và rõ ràng, sẽ là không khôn ngoan nếu [Cuba] đặt hết trứng vào một giỏ”, ông Christopher Sabatini, Giám đốc chính sách Hội đồng Châu Mỹ, nhận định từ New York. “Món quà 100.000 thùng dầu mỗi ngày sẽ sớm kết thúc”.
Các nhà lãnh đạo Cuba từ lâu đã nhận thức được những rủi ro của sự phụ thuộc kinh tế. Nền kinh tế Cuba đã từng suy sụp vào đầu thập niên 1990 sau khi Liên Xô tan rã. Từ đầu năm 2013, Chủ tịch Raul Castro đã nới lỏng các hạn chế về đi lại, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và cắt giảm số công chức.
Đến nay, các biện pháp cải cách này chưa có tác dụng rõ rệt đối với nền kinh tế Cuba. Theo dự báo của hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s, nền kinh tế Cuba sẽ tăng 0,8% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 2,2% mà Chính phủ Cuba đưa ra hồi đầu năm.
Theo chính sách mới, du khách Mỹ có thể sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ tại Cuba. Đồng thời, người Mỹ cũng có thể đem từ Cuba về nước số xì-gà trị giá lên đến 100 USD – việc trước đây bị coi là bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, các công ty Mỹ sẽ được phép xuất khẩu thiết bị viễn thông, hàng hóa nông nghiệp, vật liệu xây dựng… sang Cuba. Các công ty tài chính Mỹ cũng sẽ được phép mở tài khoản tại các ngân hàng Cuba.
Tuy đây mới là nới lỏng các hạn chế đối với Cuba và lệnh cấm vận vẫn chưa được dỡ bỏ, giới phân tích cho rằng chính sách mới sẽ có tác dụng tích cực đối với nền kinh tế Cuba.
Tuần trước, Quốc hội Mỹ thông qua dự luật trừng phạt Venezuela trong đó dừng cấp thị thực (visa) cho những người Venezuela bị cho là phải chịu trách nhiệm về bạo lực chống lại người biểu tình chống Chính phủ Venezuela. Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, dự luật này sẽ được Tổng thống Obama phê chuẩn.
“Trừng phạt chúng tôi là thiếu tôn trọng! Họ cứ việc nhét visa của họ vào đâu mà họ muốn!”, Tổng thống Maduro nói hôm 15/12 trong một sự kiện tổ chức ở Caracas nhằm phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ.
Ngày 17/12, ông Maduro nói, việc ông Obama nới hạn chế đối với Cuba là một “thắng lợi” cho người dân Cuba.
Nguồn: VnEconomy
- Cuba đã quyết định rời bỏ tiếng Nga, phổ cập tiếng Anh
- Các nhà lãnh đạo EU và Trump rất khác biệt trong đánh giá nhân cách Castro
- Đức Giáo hoàng kêu gọi Cuba mở rộng hơn cửa với Giáo hội và Hoa Kỳ
- Đàm phán với Cuba: Châu Âu hoan nghênh nhiều « tiến bộ căn bản »
- Vì sao nguyên thủ phương Tây 'nhanh chân' đến Cuba?
- Lần đầu tiên trong 100 năm Tổng thống Pháp tới Cuba
Trả lời