Irak hôm 06/12/2015 đã gia hạn 48 tiếng đồng hồ cho Thổ Nhĩ Kỳ phải rút đi những đội quân mà theo Bagdad là đã xâm nhập lãnh thổ Irak bất hợp pháp. Chính quyền Bagdad cảnh cáo, nếu không làm thế Ankara sẽ phải đối mặt với « mọi phương án có thể », kể cả việc kiện lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Văn phòng Thủ tướng Irak Haider Al Abadi trong một thông cáo hôm qua loan báo Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa « một tiểu đoàn » quân lính cùng với xe tăng và pháo vào tỉnh Ninive. Thông báo trên cho biết: «Trong trường hợp các lực lượng này không được rút đi trong vòng 48 tiếng đồng hồ, Irak sẽ sử dụng quyền viện đến mọi phương án có thể » kể cả đưa sự việc lên Hội đồng Bảo an.
Bagdad đang gặp khó khăn trong việc khẳng định chủ quyền, vào thời điểm việc các đội quân nước ngoài được gởi đến để chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đang gây tranh cãi tại Irak. Trên thực tế, biện pháp chủ yếu của Irak chỉ có thể là ngoại giao, vì quân đội nước này đang phải chiến đấu chống IS và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thì hùng mạnh hơn rất nhiều.
Ankara hiện có lực lượng tại căn cứ Bashiqa, thuộc tỉnh Ninive, để huấn luyện cho các tình nguyện quân Sunni người Irak nhằm tái chiếm Mossoul, tỉnh lớn thứ hai của Irak đã rơi vào tay quân thánh chiến IS vào tháng 6/2014.
Hôm qua, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu trong lá thư gởi cho đồng nhiệm Irak đã cam kết không triển khai thêm quân, nhưng không nói gì về lực lượng đang có mặt. Trước đó, ông cố gắng giảm nhẹ tầm mức của việc triển khai quân, cho rằng đây chỉ là một sự « luân chuyển bình thường », và nằm trong chiến dịch « tăng cường để đối phó với nguy cơ an ninh ». Tuy nhiên, chính quyền Kurdistan ở Irak cho biết những ngày gần đây Ankara đã gởi đến «các chuyên gia và thiết bị để mở rộng căn cứ ».
Quan hệ giữa Bagdad và Ankara gần đây đã có tiến triển, nhưng vẫn còn căng thẳng do quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với vùng tự trị Kurdistan ở Irak và bất đồng về cuộc xung đột Syria. Việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân sang là một thử thách mới cho Thủ tướng Irak, trong tuần rồi đã tuyên bố mọi việc gởi quân nước ngoài đến lãnh thổ Irak sẽ bị coi là « hành động thù địch ».
RFI tiếng Việt
Trả lời