4 vấn đề của kinh tế Việt Nam đằng sau những con số đẹp

CIEM tính toán: GDP Quý 4 của Việt Nam sẽ ở mức 6,83%. Dự tính GDP 2015 sẽ ở mức 6,61%. Tất cả các mục tiêu kinh tế năm 2015 đều có khả năng đạt được ở mức cao, trừ mục tiêu Xuất khẩu.

“Khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 2015 ở mức cao”, ông Nguyễn Anh Dương – Phó Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhận định.

Mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là con số được bàn cãi nhất từ đầu năm, khi mức tăng GDP Quý 1 ở mức 6,03% – mức gây shock cho các Bộ trưởng, kể cả Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.

Quý 2 và Quý 3, mức tăng của GDP tiếp tục vượt dự báo của các tổ chức quốc tế, lần lượt ở mức 6,44% và 6,81%.

CIEM dự tính: GDP Quý 4 của Việt Nam sẽ ở mức 6,83% và GDP 2015 sẽ ở mức 6,61%.

Mức này vượt xa mục tiêu tăng trưởng GDP 6,2% mà Chính phủ đặt ra từ đầu năm, vượt xa mức dự báo của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (World Bank dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam ở mức 6,2%), và nhỉnh hơn so với dự báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB dự báo tăng trưởng kinh tế ở mức 6,6%).

Dự báo các mục tiêu kinh tế khác cũng đạt kỳ vọng, trừ Mục tiêu Xuất khẩu.

2

Bên cạnh đó, ông Dương cũng cảnh báo: Nhìn lướt qua thì các con số về kinh tế vĩ mô tương đối tốt, nhưng nhìn sâu xa hơn thì tăng trưởng này là một vấn đề.

“Số đơn đặt hàng tháng 9 giảm, ngay cả số đơn đặt hàng tháng 8 đã thấp hơn so với tháng trước. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đang có đà tăng chậm lại”, ông Dương nói.

Ngoài ra, một loạt lĩnh vực khác đang có dấu hiệu đáng lo ngại.

Khu vực nông – lâm nghiệp – thủy sản: Sản xuất ngày càng giảm. Các báo cáo của Tổng cục Thống kê hàng tháng đều chỉ ra diện tích canh tác, trồng lúa đều giảm so với năm trước. Điều này cho thấy sản xuất nông nghiệp tương đối bị ảnh hưởng, có thể bị ảnh hưởng cạnh tranh từ việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do (FTA), do cạnh tranh của ngành nông nghiệp hay mức độ hưởng lợi của người nông dân còn quá thấp.

“Ngay cả lĩnh vực thủy sản cũng có xu hướng giảm. đây là vấn đề tương đối lo ngại”, ông Dương cảnh báo.

Dịch vụ: Có tăng một chút, nhưng thấp hơn rất nhiều so với trước đây. Đây lẽ ra là khu vực được coi như tương đối năng động và có khả năng hỗ trợ các lĩnh vực khác.

Lạm phát ổn định ở mức thấp. Nhưng có 2 vấn đề.

Một là, giá của một số mặt hàng mà Nhà nước đang quản lý như Y tế và Giáo dục có lộ trình tăng. Việc tăng giá 2 mặt hàng này được cho là không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vì CPI đang thấp, nhưng nhìn vào thực tế, giá các mặt hàng này tăng trong khi các mặt hàng khác giảm tức là mức tăng đã tăng đáng kể, ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa và tiêu dùng của người dân.

Hai là, CPI đã giảm trong một thời gian dài nhưng chưa đạt kỳ vọng của người tiêu dùng. Họ cho biết chưa có cảm giác nào cho thấy kỳ vọng lạm phát có xu hướng giảm.

Mọi người vẫn cho rằng CPI có thể tăng do: Giá xăng dầu, giá các mặt hàng cơ bản như Y tế, Giáo dục chỉ có xu hướng tăng, riêng khối doanh nghiệp còn lo ngại do mức tăng lương tối thiểu còn chưa ngã ngũ. Vì vậy, dù lạm phát được coi là ổn định, nhưng kỳ vọng giá thấp của người dân và doanh nghiệp vẫn bất định do các yếu tố đầu vào tác động trong thời gian tới.


Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Ngân sách chỉ còn 45.000 tỷ đồng, không có tiền để chi tiêu

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh

Đó là thông tin được Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đưa ra tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội và thực hiện ngân sách năm 2015 và kế hoạch năm 2016.

Báo cáo của Chính phủ về dự toán ngân sách năm 2016 tăng cao hơn 60.750 tỷ đồng so với năm 2015, chi ngân sách năm ngoái là 17% nhưng năm nay là 20,1%.

Nhưng theo Bộ trưởng Vinh: “Những con số nghe rất vui, nhưng bản chất số tuyệt đối năm nay hụt so với năm ngoái. Các địa phương không có tiền, tăng chỉ mang tính nghiệp vụ thôi”.

Phân tích kỹ hơn, Bộ trưởng cho biết vốn ODA giải ngân mọi năm chỉ 20.000 tỷ đồng, nhưng do yêu cầu minh bạch đầu tư công nên đưa lên 50.000 tỷ đồng/năm; tiền đất từ mức 37.000 – 38.000 tỷ đồng đã đưa lên thành 50.000 tỷ đồng; khoản thu từ xổ số kiến thiết trước đây không đưa vào, nhưng nay được cộng thêm vào là 26.000 tỷ.

“Cộng cả ba khoản này vào là 69.300 tỷ đồng, là thứ mà trước đây năm nào vẫn có thế, chẳng qua để ngoài và giờ cộng vào và bảo tăng thêm”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Như vậy, thực tế ngân sách Nhà nước là 255.750 tỷ đồng, thì riêng cân đối cho ngân sách địa phương là 131.500 (chiếm hơn 52%). Ngân sách trung ương còn lại là 154.000 tỷ đồng, trừ đi vốn nước ngoài và các khoản khác thì còn 45.000 tỷ đồng.

“Cả nước ngân sách Trung ương chỉ còn 45.000 tỷ đồng. Với mức này không biết để làm cái gì, chưa nói để trả nợ với các thứ. Cho nên gần như không có tiền để làm gì cả” – Bộ trưởng Vinh lo lắng.

Bộ trưởng nói thêm: “Con số thật rất nhỏ, rất là nhỏ. Chính phủ cầm trong tay để có thể điều tiết được chỉ có 45.000 tỷ và thấp hơn con số là âm so với năm 2015”.

Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị xem xét lại ngân sách để dành nguồn tiền thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia là nông thôn mới và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, trước thực tế ngân sách đang rất căng thẳng với những số liệu mà Bộ trưởng Vinh đưa ra, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng nếu cân đối ngân sách như trên thì không thể “phát triển bền vững” được.

“Giờ bán vốn được 40.000 tỷ đồng, thì để 10.000 tỷ đồng bù đắp ngân sách và 30.000 để đầu tư. Nợ của Trung ương thì năm nay phải treo nữa, mấy năm vừa rồi cũng nợ nữa nên phải tính cân đối. Nhất là với khoản vay ngắn, sang năm đã trả, vay ngắn nữa thì năm tới lại phải trả. Chưa vay đã trả thì lấy gì mà cân đối được” – Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi.

Trước tình hình căng thẳng của ngân sách, chi đầu tư rất nhỏ nên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng rất khó cân đối. Vì vậy, cấp thiết phải tái cơ cấu lại ngân sách, nếu không sẽ không đảm bảo được sự bền vững trong chi tiêu ngân sách trong những năm tới.

Trí Lê (Theo Trí Thức Trẻ)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề