Cuộc hôn nhân Nga – Trung và trật tự “Đại Á – Âu”

Người Trung Quốc là những người ý thức sâu sắc về lịch sử nhất. Trong cuộc tranh giành quyền lực của mình, Mao Trạch Đông đã sử dụng binh pháp của Tôn Tử, người sống vào khoảng năm 500 trước Công nguyên; Nho giáo, cũng xuất hiện trong khoảng thời gian đó, hiện vẫn nắm giữ vị trí trung tâm trong tư duy xã hội Trung Quốc, bất chấp những nỗ lực đầy tàn nhẫn của Mao Trạch Đông nhằm kiềm chế nó.

Vì vậy, khi Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra sáng kiến “Con đường tơ lụa mới” vào năm 2013, chẳng có ai ngạc nhiên bởi những viện dẫn lịch sử của họ. “Hơn hai ngàn năm trước,” Ủy ban Phát triển và Cải cách nhà nước Trung Quốc (NDRC) giải thích, “những người Á – Âu siêng năng và can đảm đã khám phá và mở ra một số tuyến đường giao lưu thương mại và văn hóa, nhờ đó đã liên kết các nền văn minh lớn của châu Á, châu Âu, và châu Phi, mà thế hệ sau này gọi chung là Con đường tơ lụa.” Ở Trung Quốc, sử cũ thường được viện dẫn để hỗ trợ cho học thuyết mới.

Học thuyết mới ở đây là học thuyết “đa cực” – đưa ra ý tưởng rằng thế giới được (hoặc nên được) tạo thành từ nhiều cực hấp dẫn riêng biệt. Học thuyết tương phản với nó là học thuyết “đơn cực” (có nghĩa là, chỉ có Mỹ hoặc phương Tây thống trị thế giới.)

Đa cực là một ý tưởng chính trị, nhưng nó nói đến nhiều vấn đề hơn là chỉ quan hệ quyền lực. Nó bác bỏ quan điểm rằng chỉ có một nền văn minh duy nhất mà tất cả các nước phải tuân theo. Các vùng khác nhau trên thế giới có lịch sử khác nhau, nên các dân tộc từng vùng cũng có những ý tưởng khác nhau về cách sống, về cách quản lý xã hội, và về cách kiếm sống. Những lịch sử đó đều xứng đáng được tôn trọng: không có con đường “hoàn toàn đúng đắn” (duy nhất) nào để đến tương lai.

Ý tưởng về Eurasia (Lục địa Á – Âu) một lần nữa trở lại cùng thời gian. Nghiên cứu lịch sử gần đây đã đưa Con đường tơ lụa cũ ra khỏi sự lãng quên của lịch sử. Nhà xã hội học người Mỹ Janet Abu-Lughod xác định tám “con đường thương mại huyết mạch” nằm chồng chéo giữa tây bắc châu Âu và Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ suốt thế kỷ 13 và 14 trong thời kỳ Pax Mongolica (nền hòa bình kiểu Mông Cổ).

Theo Abu-Lughod, chủ nghĩa đế quốc phương Tây đã đè nén các con đường huyết mạch cũ này, nhưng không phá hủy chúng. Hồi giáo tiếp tục lan truyền qua các biên giới địa lý và chính trị. Dòng người di cư Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục diễn ra không ngừng.

Giờ đây sự giao thoa độc đáo giữa các phát triển kinh tế và chính trị đã tạo ra cơ hội cho khu vực Á – Âu thức dậy sau giấc ngủ lịch sử của nó. Trong những năm gần đây, sự tự trấn an của phương Tây đã bị lung lay bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 và các thảm họa chính trị ở Trung Đông. Đồng thời, lợi ích của hai quốc gia tiềm năng xây dựng nên trật tự Á – Âu, Trung Quốc và Nga, dường như đã hội tụ, chí ít là ở bề ngoài.

Động cơ của Trung Quốc nhằm phục hồi Pax Mongolica đã rõ ràng. Mô hình tăng trưởng của nước này, chủ yếu dựa vào xuất khẩu hàng hóa giá rẻ đến các nước phát triển, đang dần trì trệ. Sự đình trệ này cùng với sự ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng đã đe dọa phương Tây. Và, dù cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc thừa biết họ phải tái cân bằng nền kinh tế bằng cách chuyển từ đầu tư và xuất khẩu sang tiêu dùng, nhưng làm như vậy có nguy cơ gây ra các vấn đề chính trị trong nước nghiêm trọng cho Đảng Cộng sản cầm quyền. Tái định hướng đầu tư và xuất khẩu sang khu vực Á – Âu sẽ là giải pháp thay thế.

Vì chi phí lao động của Trung Quốc tăng lên, sản xuất đang được tái bố trí từ các vùng ven biển sang các tỉnh miền Tây. Đầu ra tự nhiên của quá trình sản xuất này sẽ nằm dọc theo Con đường tơ lụa mới. Sự phát triển của Con đường (trên thực tế là các “Vành đai”, bao gồm một tuyến đường hàng hải phía Nam) sẽ đòi hỏi đầu tư rất lớn vào cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và đô thị. Cũng như trong thế kỷ 19, giảm chi phí vận chuyển sẽ mở ra thị trường mới cho thương mại.

Nga cũng có các lợi ích kinh tế để phát triển khu vực Á – Âu. Nước này đã thất bại trong việc hiện đại hóa và đa dạng hóa nền kinh tế của mình. Kết quả là, họ vẫn là một nước xuất khẩu chủ yếu là các sản phẩm dầu khí và phải nhập khẩu hàng hóa. Trung Quốc cung cấp cho họ một thị trường an toàn và rộng lớn để xuất khẩu năng lượng. Các dự án giao thông và xây dựng cần có để hiện thực hóa tiềm năng kinh tế của khu vực Á – Âu có thể giúp Nga phục hồi sức mạnh công nghiệp và kỹ thuật vốn đã bị đánh mất cùng với sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản.

Năm nay, Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, và Kyrgyzstan đã cùng thành lập Liên minh Kinh tế Á – Âu (EEU), một liên minh thuế quan trong đó có một trụ cột về quốc phòng. EEU được những người ủng hộ xem như là một bước tiến tới tái lập các biên giới của Liên Xô cũ trong hình thức của một liên minh kinh tế và chính trị tự nguyện, theo mô hình EU – một dự án nhằm xóa bỏ “chiến thắng” của phương Tây trong Chiến tranh Lạnh.

Quan điểm chính thức của Nga trông đợi “sự hội nhập và thâm nhập lẫn nhau giữa EEU và Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa” thành một “Đại Á – Âu,” thứ sẽ đủ khả năng đảm bảo “một khu vực chung an toàn, phát triển và ổn định cho Nga và Trung Quốc.” Ngày 8/5, Putin và Tập Cận Bình đã ký một thỏa thuận tại Moskva, đặt ra mục tiêu thiết lập các tổ chức chính trị phối hợp, các quỹ đầu tư, ngân hàng phát triển, định chế tiền tệ, và hệ thống tài chính – tất cả nhằm phục vụ cho một khu vực thương mại tự do rộng lớn nối Trung Quốc với châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

Giấc mơ này thực tế tới đâu? Nga và Trung Quốc đều cảm nhận “sự bao vây” của Mỹ và các đồng minh. Mục đích chống bá quyền của Trung Quốc, được thể hiện bằng thứ câu chữ khó hiểu, là để bảo đảm “sự bao dung giữa các nền văn minh” và tôn trọng các “phương thức phát triển được các nước khác nhau lựa chọn.”

Putin, trong khi đó, ngày càng gia tăng luận điệu chống Mỹ rõ ràng hơn rất nhiều kể từ sau cuộc khủng hoảng Ukraine, thứ mà ông xem như một ví dụ điển hình cho sự can thiệp của phương Tây vào công việc nội bộ của Nga. Thúc đẩy các luồng thương mại giữa Nga và Trung Quốc, và tăng cường phối hợp chính trị và an ninh, sẽ làm giảm tính dễ tổn thương của cả hai nước trước những can thiệp bên ngoài và là tín hiệu cho sự xuất hiện của một trung tâm quyền lực mới của thế giới.

Có thể xem đây là một “thành công” kỳ quái của các nhà lãnh đạo phương Tây khi khiến cho hai đối thủ cũ từng cạnh tranh quyền lực và sức ảnh hưởng ở Trung Á trở nên hợp tác nhằm tìm cách loại trừ phương Tây ra khỏi sự phát triển tương lai của khu vực. Đặc biệt là Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội để tích hợp cả hai nước trên vào một hệ thống thế giới duy nhất, bằng việc cự tuyệt các cải cách của Quỹ Tiền tệ Quốc tế vốn có thể giúp tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc đối với quá trình ra quyết định, và bằng cách ngăn chặn những đề xuất của Nga trở thành thành viên NATO. Điều này dẫn đến việc cả Nga và Trung Quốc tìm kiếm một tương lai thay thế từ nhau.

Liệu cuộc hôn nhân bất đắc dĩ này giữa hai nước sẽ dẫn đến một liên minh lâu dài – hay như George Soros dự đoán, một mối đe dọa cho hòa bình thế giới – là điều vẫn còn phải xem xét. Đã xuất hiện vấn đề (tranh cãi giữa Trung Quốc và Nga) về khu vực ảnh hưởng tại Kazakhstan, và Trung Quốc đã vắt kiệt người Nga trong các thỏa thuận song phương. Dù vậy, trước mắt, đối với hai cường quốc này, tranh cãi về Con đường tơ lụa dường như ít khó chịu hơn là phải chịu đựng sự rao giảng từ phương Tây.


Robert Skidelsky, Giáo sư hưu trí chuyên ngành Kinh tế Chính trị tại Đại học Warwick và Viện sĩ Viện Hàn lâm Anh chuyên ngành lịch sử và kinh tế, là một thành viên của Thượng Nghị viện Anh. Ông là tác giả của cuốn tiểu sử dài ba tập về John Maynard Keynes. Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị trong Công Đảng, trở thành phát ngôn viên của Đảng Bảo thủ về các vấn đề Ngân khố trong Thượng Nghị viện, và cuối cùng đã bị ép rời khỏi Đảng Bảo thủ vì đã phản đối sự can thiệp của NATO tại Kosovo vào năm 1999.

Trí Lê (Theo Nghiên cứu Quốc tế)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề