Đó là tháng 12 năm 2006, chúng tôi vừa mới tới nơi khi đoàn đưa đám đi vòng qua góc hẻm nằm giữa những bức tường sơn trắng, phá vỡ sự uể oải của một ngôi làng Ấn Độ nhỏ dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt. Mặc trang phục truyền thống – áo dài trắng bằng vải bông và quần dài – những người đánh trống dẫn đoàn về phía bờ sông, nơi giàn hỏa thiêu đã được sắp sẵn. Ở giữa đoàn đưa tang, một người phụ nữ đang khóc tuyệt vọng, bám vào một thanh niên cường tráng với khuôn mặt u sầu đang mang chiếc cáng được phủ đầy những bông hoa sặc sỡ. Xúc động, tôi nhìn lướt qua khuôn mặt của người chết: đôi mắt nhắm nghiền, mũi khoằm, ria mép màu nâu. Tôi sẽ không bao giờ quên cảnh tượng thoáng qua ấy, thứ đã biến những hứa hẹn hào nhoáng của Monsanto thành sự ô nhục.
Ba vụ tự tử một ngày
“Chúng ta có thể quay phim không?” Tôi hỏi, đột nhiên bối rối khi người quay phim hỏi tôi với cái hất đầu. “Dĩ nhiên,” Tarak Kate nói, nhà nông học lãnh đạo của tổ chức phi chính phủ (NGO) chuyên về canh tác hữu cơ này đã đi với tôi xuyên qua khu vực trồng bông ở Vidarbha, tây nam bang Maharashtra của Ấn Độ. “Đó là lý do Kishoir Tiwari đưa chúng ta tới làng này. Ông ấy biết ở đây có lễ tang của một nông dân đã tự tử.”
Kishoi Tiwari là lãnh đạo của tổ chức Vidarbha Jan Andolan Samiti (VJAS), một phong trào nông dân có thành viên là những người bị cảnh sát quấy nhiễu vì họ đã quyết liệt lên án “thảm họa” mà giống bông Bt gây ra cho khu vực nông nghiệp này, chất lượng “vàng trắng” của nó trước đây từng được ca ngợi. Tiwwari gật đầu khi ông nghe thấy câu trả lời của Kate. “Tôi không nói bất cứ điều gì với anh vì lý do an toàn. Người làng thông báo cho chúng tôi bất cứ khi nào nông dân tự tử và tất cả chúng tôi đều tới lễ tang. Hiện giờ có ba vụ tự tử trong một ngày ở khu vực này. Người thanh niên này đã uống một lít thuốc trừ sâu. Đó là cách nông dân tự tử: họ dùng thứ hóa chất mà bông biến đổi gien được cho là sẽ giúp họ tránh phải dùng.”
Khi đoàn đưa tang đi thẳng đến bờ sông, nơi thi hài nạn nhân trẻ sẽ sớm được hỏa thiêu, một nhóm đàn ông tiến lại gần người quay phim của tôi. Họ tỏ ra nghi ngờ nhưng sự có mặt của Tiwari đã trấn an họ: “Hãy nói với thế giới rằng bông Bt là một điều bất hạnh,” một ông già nói đầy giận dữ. “Đây là vụ tự tử thứ hai trong làng của chúng tôi kể từ đầu vụ thu hoạch. Nó chỉ có thể tệ hơn bởi vì hạt giống biến đổi gien không đem lại gì cả.”
“Họ đã nói dối chúng tôi,” người trưởng làng nói thêm. “Họ nói rằng những hạt giống thần kỳ này sẽ giúp chúng tôi kiếm được tiền, nhưng tất cả chúng tôi đều nợ nần và vụ thu hoạch biến mất. Chúng tôi sẽ ra sao đây?”
Sau đó, chúng tôi thẳng tiến đến làng Bhadumari kế bên, ở đó Tiwari muốn giới thiệu tôi với góa phụ trẻ 25 tuổi có chồng tự tử ba tháng trước đây. “Cô ấy đã trả lời một phóng viên của tờ New York Times,” ông nói với tôi, “và cô ấy sẵn sàng làm lại điều đó. Điều này rất hiếm hoi bởi vì thông thường các gia đình sẽ xấu hổ.”1 Rất trang nghiêm trong chiếc sari màu xanh, người phụ nữ trẻ gặp chúng tôi trong khoảng sân trước căn nhà đất giản dị của cô. Đứa bé nhất trong số hai con trai của cô, một đứa ba tuổi và đứa kia mới mười tháng, đang ngủ trên chiếc võng mà cô dùng tay đu đưa trong khi nói chuyện, cùng lúc bà mẹ chồng đứng cạnh cô lặng lẽ chìa bức ảnh con trai đã chết của bà. Góa phụ nói, “Anh ấy tự tử ở ngay đây. Anh ấy lợi dụng lúc tôi vắng mặt để uống can thuốc trừ sâu. Khi tôi trở về thì anh ấy đã hấp hối. Chúng tôi không thể làm gì cả.”
Khi tôi lắng nghe cô, tôi nhớ đến một bài báo được xuất bản trên tờ International Herald Tribune vào tháng 5 năm 2006, một bác sĩ mô tả sự kinh hoàng của những nạn nhân bị hiến tế cho trường thiên tiểu thuyết biến đổi gen. “Thuốc trừ sâu tác động lên hệ thần kinh – đầu tiên họ bị co giật, sau đó hóa chất làm thủng dạ dày và dạ dày bắt đầu chảy máu, sau đó là suy hô hấp ở phổi – họ đều khó thở – sau đó tim của họ ngừng đập.”2
Anil Kondba Shend, chồng của góa phụ trẻ, mới 35 tuổi và canh tác khoảng 1,4 ha. Vào năm 2006, anh ấy quyết định thử trồng bông Bt của Monsanto, còn được gọi là “Bollgard”, được quảng bá bằng quảng cáo truyền hình của công ty. Trong những quảng cáo đó, cây bông biến đổi gien đã thoát khỏi những con sâu bướm béo mập: “Bollgard bảo vệ bạn! Phun thuốc ít hơn, lợi nhuận cao hơn! Hạt giống bông Bollgard: sức mạnh chế ngự côn trùng!” Người nông dân đã vay tiền để mua hạt giống quý giá, đắt hơn hạt giống truyền thống bốn lần. Anh ấy phải gieo ba lần, góa phụ nhớ lại, “bởi vì mỗi lần anh ấy gieo hạt thì chúng không chịu được mưa. Tôi nghĩ rằng anh ấy nợ đại lý 60.000 rupees.* Tôi sẽ không bao giờ biết rõ bởi vì vào những tuần trước khi chết thì anh ấy đã không nói gì hết. Anh ấy bị ám ảnh bởi nợ nần.”
“Đại lý là ai?” Tôi hỏi.
“Đó là người bán hạt giống biến đổi gien,” Tiwari trả lời. “Họ cũng cung cấp phân bón, thuốc trừ sâu và cho vay tiền với lãi suất cắt cổ. Nông dân bị nợ nần trói buộc vào các đại lý của Monsanto.”
“Đó là một vòng tròn xấu xa,” Kate nói thêm, “một thảm họa nhân đạo. Vấn đề là cây trồng biến đổi gen (GMO) không hoàn toàn thích ứng với đất canh tác của chúng tôi, vốn ngập nước ngay khi gió mùa về. Thêm vào đó, hạt giống khiến nông dân hoàn toàn phụ thuộc vào các lực lượng thị trường: không chỉ khiến họ phải trả nhiều tiền hơn cho hạt giống mà còn phải mua phân bón và thuốc trừ sâu nếu không mùa màng sẽ thất bát, bởi vì Bollgard có thể chống lại sự phá hoại của sâu nang bông nhưng không chống lại được các loại sâu hút nhựa cây. Trái ngược với những gì quảng cáo khẳng định, nếu anh tính thêm rằng Bollgard không đủ sức đánh bại sâu nang thì anh sẽ có thảm họa, bởi vì anh cũng vẫn phải sử dụng thuốc trừ sâu.”
“Monsanto nói rằng GMO phù hợp với tiểu nông: anh nghĩ thế nào?” Tôi hỏi, nghĩ đến tuyên bố của hãng trong Báo cáo Cam kết năm 2006 của họ. “Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy điều đó là dối trá.” Nhà nông học nói, “Trong trường hợp tốt nhất, chúng có thể phù hợp với những nông dân lớn có đất tốt nhất và có phương tiện để tưới tiêu theo nhu cầu, nhưng không phải là đối với những tiểu nông chiếm 70% dân số của quốc gia này.”
“Hãy nhìn xem,” Tiwari chen ngang, trải ra một bản đồ rất lớn mà ông ấy lấy từ thùng xe.
Cảnh tượng thật sửng sốt: tất cả những điểm thuộc về vành đai bông ở Vidarbha đều được đánh dấu bằng một hình đầu lâu. “Đây là tất cả những vụ tự tử mà chúng tôi thống kê lại từ giữa tháng 6 năm 2005, khi bông Bt được nhập vào bang Maharashtra, đến tháng 12 năm 2006,” nhà lãnh đạo nông dân nói. “Có tất cả 1.280 cái chết. Cứ tám giờ có một người chết. Đó lá lý do khiến chúng tôi nói rằng bông Bt đang trong quá trình gây ra một nạn diệt chủng thực sự.”**
Kate chỉ cho tôi thấy một khoảng trống nhỏ không có hình đầu lâu. “Đây là khu vực Ghatanji ở huyện Yavatamal,” ông mỉm cười. “Đây là nơi hiệp hội của tôi thúc đẩy canh tác hữu cơ với 500 hộ gia đình trong 20 làng. Anh thấy đấy, chúng tôi không có vụ tự tử nào cả.”
“Đúng vậy, nhưng nạn tự tử của nông dân trồng bông chẳng có gì mới. Chúng tồn tại trước khi GMO xuất hiện.”
“Điều đó đúng. Nhưng với bông Bt, chúng đã tăng nhanh. Anh có thể quan sát thấy điều tương tự ở bang Andhra Pradesh, là bang đầu tiên cho phép canh tác hạt giống biến đổi gien, trước khi họ lao vào cuộc chiến với Monsanto.”
Theo chính quyền bang Maharashtra, trong toàn bang có 1.920 nông dân đã tự tử trong khoảng từ 1 tháng 1 năm 2001 đến 19 tháng 8 năm 2006. Hiện tượng này đã tăng tốc sau khi hạt giống Bt xuất hiện trên thị trường vào tháng 6 năm 2005.3
Bắt cóc ngành bông Ấn Độ
Trước khi tôi bay sang bang lớn Andhra Prahdesh ở đông nam Ấn Độ, Kishor Tiwari tha thiết chỉ cho tôi chợ bông của Pandharkawada, chợ lớn nhất ở Maharashtra. Trên đường đi tới đó, chúng tôi cắt ngang qua một đoàn xe trâu chở đầy những bao bông. “Tôi cảnh báo anh,” Tiwari nói, “chợ đang bên bờ sụp đổ. Nông dân dân đang mệt mỏi, vụ thu hoạch thất bại và giá bông thấp chưa từng thấy. Đây là kết quả của việc chính quyền Hoa Kỳ trợ giá cho nông dân của họ, có tác động phá giá đối với giá cả thế giới.”***
Chúng tôi chỉ vừa đi qua vòm cổng uy nghi để vào chợ thì đã bị bao vây bởi hàng trăm nông dân trồng bông giận dữ khiến chúng tôi không thể đi tiếp. “Chúng tôi ở đây đã nhiều ngày với hàng hóa của mình,” một trong số họ nói, hai tay giơ hai nắm bông. “Thương lái đưa ra giá thấp đến mức không thể chấp nhận được. Chúng tôi còn có nợ phải trả.”
“Anh nợ bao nhiêu?” Tarak Kate hỏi.
“52.000 rupee,” người nông dân trả lời.
Sau đó là một khung cảnh hiếm thấy khi hàng tá nông dân ngẫu nhiên lên tiếng, hết người này đến người khác, số nợ của họ: 50.000 rupee, 20.000 rupee, 15.000 rupee, 32.000 rupee, 36.000 rupee.
Dường như không gì có thể ngăn lời cầu nguyện này lan truyền trong đám đông giống như một làn sóng thủy triều không thể cưỡng lại được.
“Chúng tôi không muốn bông Bt nữa!” một người đàn ông hét lên, tôi không thể xác định vị trí của người đó trong đám đông.
“Không!” hàng tá giọng nói hùa theo.
Kate tiến lại gần và hỏi: “Bao nhiêu người trong số các anh sẽ không trồng bông Bt vào năm tới?”
Một rừng cánh tay giơ lên, thật thần kỳ là người quay phim, Guillaume Martin, đã quay được phim, ngay cả khi chúng tôi bị chen giữa đám đông, khiến cho việc quay phim cực kỳ khó khăn. Kate nói, “Vấn đề là các nông dân này sẽ khó mà tìm được hạt giống bông không biến đổi gien bởi vì Monsanto thực sự kiểm soát toàn bộ thị trường.”
Bắt đầu vào đầu những năm 1990 – trên thực tế là cùng lúc với việc thiết lập cơ sở ở Brazil, nhà sản xuất đậu tương lớn nhất thế giới – Monsanto đã chuẩn bị cẩn thận cho việc nhập GMO của họ vào Ấn Độ, nhà sản xuất bông lớn thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Loại cây mang tính biểu tượng ở quê hương của Mahatma Gandhi, người biến việc trồng bông thành mũi nhọn trong phong trào đấu tranh bất bạo động chống lại sự chiếm đóng của người Anh, bông đã được trồng hơn năm ngàn năm trên tiểu lục địa Ấn Độ. Hiện giờ là sinh kế của 17 triệu gia đình, chủ yếu ở các bang phía nam như (Maharashtra, Gujarat, Tamil Nadu, và Andhra Pradesh).
Được thành lập ở Ấn Độ từ năm 1949, Monsanto là một trong những nhà cung cấp sản phẩm bảo vệ thực vật chủ yếu của quốc gia. Đây là thị trường lớn của thuốc diệt cỏ và đặc biệt là thuốc trừ sâu, bởi vì bông rất dễ bị tổn thương bởi nhiều loại sâu bọ khác nhau, như sâu nang, sâu đục thân, mọt bông, sâu ăn bột, ve nhện và rệp vừng. Trước cuộc “cách mạng xanh”, cuộc cách mạng đã mở rộng việc độc canh bông với các giống lai ghép có năng suất cao, nông dân Ấn Độ kiểm soát sự phá hoại của các loại sâu bọ bằng một hệ thống đảo vụ và sử dụng thuốc trừ sâu hữu cơ chiết xuất từ lá cây neem. Đặc tính hữu ích của loại cây này, được tôn kính như là “cây tự do” ở tất cả các làng của tiểu lục địa, nổi tiếng đến mức các công ty quốc tế đã đăng ký hàng tá bản quyền, các trường hợp sao chép sinh học rõ ràng đã dẫn đến các tranh chấp bất tận ở cục bản quyền. Ví dụ vào tháng 9 năm 1994, công ty hóa chất Hoa Kỳ W.R. Grace, một đối thủ cạnh tranh của Monsanto, đăng ký bản quyền ở Châu Âu cho việc sử dụng dầu cây neem làm thuốc trừ sâu, ngăn chặn các công ty Ấn Độ đưa sản phẩm của họ ra nước ngoài, trừ khi họ trả tiền bản quyền cho các công ty đa quốc gia, đang bán đầy rẫy thuốc trừ sâu hóa học ở đất nước này.4
Thuốc trừ sâu hóa học đã dẫn đến làn sóng tự tử đầu tiên của những nông dân trồng bông bị nợ nần vào cuối những năm 1990. Việc sử dụng nhiều thuốc trừ sâu vô cơ dẫn đến hiện tượng mà các nhà côn trùng học quen thuộc: sự phát triển sức đề kháng của côn trùng đối với các sản phẩm được tạo ra để tiêu diệt chúng. Kết quả là để chống lại sâu bọ, nông dân phải tăng liều lượng và sử dụng ngày càng nhiều các hóa chất độc, đến mức mà ở Ấn Độ bông chỉ chiếm 5% diện tích đất canh tác nhưng tiêu thụ tới 55% thuốc trừ sâu.
Sự mỉa mai của câu chuyện này là khả năng kiếm lợi hoàn hảo của Monsanto từ vòng xoáy chết chóc do sản phẩm của họ tạo ra, cùng với sự sụt giảm của giá bông (từ 98,20 dollar/1 tấn vào năm 1995 xuống 49,10 dollar/tấn vào năm 2001), đã dẫn đến cái chết của hàng ngàn nông dân nhỏ. Công ty ca ngợi các đặc tính tốt của bông Bt là phương thuốc bách bệnh tối cao sẽ làm giảm hoặc thủ tiêu nhu cầu phun thuốc chống sâu nang, như website công ty con của họ ở Ấn Độ tuyên bố.
Vào năm 1993, Monsanto đàm phán hợp đồng giấy phép công nghệ Bt với công ty hạt giống lai ghép Maharashtra (Mahyco), công ty hạt giống lớn nhất Ấn Độ. Hai năm sau, chính quyền Ấn Độ cấp phép nhập khẩu cho loại bông Bt sinh trưởng ở Hoa Kỳ (Cocker 312, chứa gien Cry1Ac) để các kỹ thuật viên của Mahyco có thể lai chéo chúng với các giống lai ghép địa phương. Vào tháng 4 năm 1998, Monsanto thông báo rằng họ đã có 26% cổ phần của Mahyco và họ thành lập một công ty liên doanh 50-50 với đối tác Ấn Độ, Mahyco Monsanto Biotech (MMB), cho mục tiêu thương mại hóa các hạt giống bông biến đổi gien của tương lai. Cùng lúc, chính quyền Ấn Độ cấp phép cho công ty trồng thử nghiệm thực địa bông Bt lần đầu tiên.
“Quyết định này là trái pháp luật”, Vandana Shiva nói, tôi gặp bà ở văn phòng tại Quỹ Nghiên Cứu Khoa Học, Công Nghệ và Sinh Thái ở New Delhi vào tháng 12 năm 2006. Bà có bằng tiến sĩ vật lý, là một người nổi tiếng quốc tế trong phong trào phản đối toàn cầu hóa, được nhận “Giải Nobel tương đương” vào năm 1993 cho những đóng góp của bà về sinh thái và những nỗ lực chống lại việc các công ty hóa chất nông nghiệp đa quốc gia kiểm soát nông nghiệp Ấn Độ. “Vào năm 1999”, bà nói với tôi, “tổ chức của tôi kêu gọi Tòa Án Tối Cao phán quyết việc thử nghiệm của Mahyco Monsanto là bất hợp pháp. Vào tháng 7 năm 200, mặc dù kiến nghị của chúng tôi vẫn chưa được xem xét, việc thử nghiệm đã được cấp phép cho quy mô lớn hơn, trên bốn mươi địa điểm ở sáu bang, mặc dù kết quả không bao giờ được công bố, bởi vì chúng tôi được nghe rằng chúng là bí mật. Ủy Ban Chấp Thuận Biến Đổi Gien đã yêu cầu kiểm tra an toàn thực phẩm đối với bông Bt, sử dụng như là cỏ khô cho bò và trâu, chúng có thể ảnh hưởng đến chất lượng sữa, cũng như dầu hạt giống được con người tiêu thụ, nhưng điều đó không bao giờ được thực hiện. Trong vài năm, Monsanto đã bắt cóc ngành bông Ấn Độ với sự đồng lõa của quan chức chính quyền, những người mở cửa cho GMO bằng cách bỏ qua các nguyên tắc đề phòng mà Ấn Độ đã luôn theo đuổi.”
“Điều đó diễn ra như thế nào?” Tôi hỏi.
“Phải, Monsanto đã vận động hành lang một cách đáng kể. Ví dụ vào tháng 1 năm 2001, một đoàn đại biểu pháp lý và khoa học Hoa Kỳ đã gặp Chánh Án A.S. Anand của Tòa Án Tối Cao rất đúng lúc và ca ngợi lợi ích của công nghệ sinh học vào ngay thời điểm mà tòa án phải đưa ra quyết định về kiến nghị của chúng tôi. Đoàn đại biểu do Viện Khoa Học, Sức Khỏe Einstein và tòa án dẫn đầu đã đề nghị thiết lập một hội thảo để đào tạo cho các quan tòa về các vấn đề liên quan đến GMO.5 Monsanto cũng tổ chức một số chuyến viếng thăm trụ sở của họ ở St. Louis cho các nhà báo, nhà khoa học và quan tòa Ấn Độ. Báo chí đã nhanh chóng được sử dụng để tuyên truyền các tin tức tốt. Thật không khó để biết xem có bao nhiêu người có khả năng chống chọi một cách kiên cường đối với công nghệ sinh học khi họ thực sự không biết gì về nó.”
Cũng cần phải ghi nhận rằng không chỉ có người Ấn Độ quy phục Monsanto. Một thông cáo báo chí của công ty được phát hành vào ngày 3 tháng 7 năm 2002 đưa tin với sự hài lòng rõ ràng rằng một đoàn đại biểu Châu Âu đã viếng thăm Chesterfied Village, trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học ở St. Louis. “Đoàn khách đại diện cho các cơ quan chính quyền, các tổ chức phi chính phủ, các viện khoa học, nông dân, người tiêu dùng và báo chí từ 12 nước, có liên quan đến công nghệ sinh học và an toàn thực phẩm,” theo thông cáo báo chí công bố.6
“Bà có cho rằng đó cũng là một dạng tham nhũng?” Tôi hỏi.
“Tốt thôi,” Shiva trả lời tôi với nụ cười, tìm từ ngữ, “Tôi không có bằng chứng nào, nhưng tôi cũng không thể loại trừ điều đó. Hãy xem những gì xảy ra ở Indonesia.”
Vào ngày 6 tháng 1 năm 2005, Ủy Ban Giao Dịch Chứng Khoán Hoa Kỳ (SEC) tiến hành một thủ tục hai gọng kìm chống lại Monsanto, cáo buộc về tham nhũng ở Indonesia. Theo SEC, những phát hiện của họ được đăng tải trên web, đại diện của Monsanto ở Jakarta hối lộ khoảng 700.000 dollar cho 140 quan chức chính quyền Indonesia từ năm 1997 đến 2002 để được triển khai bông Bt tại nước này.7 Ví dụ họ đã cung cấp 374.000 dollar cho vợ của một quan chức cao cấp ở Bộ Nông Nghiệp để xây một căn nhà xa hoa. Những món quà hào phóng đó đã được che dấu bằng các hóa đơn thuốc trừ sâu giả, SEC khẳng định như vậy. Thêm vào đó, vào năm 2002, công ty con Châu Á của Monsanto được cho là đã hối lộ một quan chức cấp cao ở Bộ Môi Trường 50.000 dollar để nhận được đánh giá tác động môi trường cho bông Bt trước khi nó được tung ra thị trường. Không chống lại các cáo buộc, Monsanto ký một thỏa thuận với SEC vào tháng 4 năm 2005 về khoản tiền phạt 1,5 triệu dollar. “Monsanton thừa nhận toàn bộ trách nhiệm về các hành động trái phép này và chúng tôi thành thực xin lỗi về việc những người thừa hành lệnh của Monsanto đã tham gia vào cách hành động đó.”8
Thất bại thảm hại của bông biến đổi gien của Monsanto
Sự thật là vào ngày 20 tháng 2 năm 2002, ngày rất thất vọng của các tổ chức nông dân và sinh thái, Ủy Ban Chấp Nhận Biến Đổi Gien Ấn Độ đã bật đèn xanh cho việc canh tác bông Bt. Mahyco Monsanto Biotech đã vượt qua mọi rào cản: họ thuê một ngôi sao Bollywood để quảng bá GMO trên truyền hình (có lượng khán giả lớn ở Ấn Độ), đồng thời hàng chục ngàn tranh cổ động được dán khắp đất nước thể hiện các nông dân cười tươi đứng cạnh những máy kéo mới tinh, như thể được mua bằng lợi nhuận của bông Bt.
Năm đầu tiên, 55.000 nông dân, 2% số người trồng bông Ấn Độ, đã đồng ý tham gia vào cuộc phiêu lưu biến đổi gien. “Tôi được nghe là hạt giống thần kỳ này sẽ giải phóng tôi khỏi việc phun thuốc trừ sâu,” một nông dân 26 tuổi từ bang Andhra Pradesh, một trong số những bang đầu tiên cấp phép cho việc thương mại hóa GMO (vào tháng 3 năm 2002), nói với tờ Washington Post vào năm 2003. “Vụ mùa trước, mỗi khi tôi nhìn thấy sâu bọ, tôi phát hoảng, tôi phun thuốc trừ sâu lên bông khoảng 20 lần. Vụ mùa này, với hạt giống mới, tôi chỉ phải phun thuốc 3 lần.”9
Bất chấp lợi thế rõ ràng này (sớm biến mất do côn trùng phát triển sức đề kháng với cây bông Bt), phần còn lại của bức tranh cũng kém sáng sủa, khi tờ Washington Post phỏng vấn nông dân vào cuối vụ thu hoạch GMO đầu tiên. “Tôi nhận được ít tiền hơn từ bông Bt bởi vì người mua trên thị trường nói rằng chiều dài của sợi bông ngắn hơn,” một người nói. Thu nhập cũng không được cải thiện. “Giá hạt giống rất cao, giờ tôi tự hỏi là nó có thực sự đáng giá vậy không.”10
Trên thực tế, do bản quyền hạt giống (cho đến hiện giờ) vẫn bị cấm ở Ấn Độ, Monsanto không thể áp dụng hệ thống tương tự như ở Bắc Mỹ, có nghĩa là bắt buộc nông dân mua hạt giống của họ hàng năm bằng cách đe dọa về mặt pháp lý. Để bù đắp cho “tổn thất”, họ quyết định tăng giá hạt giống lên bốn lần: trong khi một gói 450g hạt giống truyền thống được bán với giá 450 rupee thì khối lượng tương đương hạt giống Bt có giá 1.850 rupee.
Cuối cùng, tờ Washington Post đưa tin, “mọt hại nang cũng không biến mất.” Điều này không ngăn cản Ranjana Smetacek, giám đốc quan hệ công chúng của Monsanto Ấn Độ**** tuyên bố một cách hài lòng: “Bông Bt đã có kết quả rất tốt ở cả năm bang được trồng.”11 Mặc dù vậy, câu chuyện do tờ Washington Post trình bày đã được một số nghiên cứu xác nhận. Đầu tiên là cáo buộc của Liên Minh Bảo Vệ Đa Dạng (CDD) Andhra Pradesh, tập hợp của 140 tổ chức dân sự, trong đó có Hiệp Hội Phát Triển Deccan (DDS), một NGO rất có uy tín, chuyên sâu về canh tác an toàn và phát triển bền vững. CDD đã yêu cầu hai nhà nông học, tiến sĩ Abdul Qayum, cựu quan chức Bộ Nông Nghiệp bang và Kiran Sakkhari, so sánh các kết quả nông nghiệp và kinh tế của Bollgard với các giống bông không biến đổi gien ở huyện Warangal, nơi có 12.300 nông dân nghe theo những lời hứa hẹn của Monsanto.
Hai nhà khoa học tuân theo một phương pháp chặt chẽ dựa trên quan sát hàng tháng các vụ mùa biến đổi gien, được trồng vào khoảng từ tháng 8 năm 2002 tới cuối vụ vào tháng 4 năm 2003, trong 3 nhóm thí nghiệm. Ở hai làng, nơi có 24 nông dân trồng GMO, bốn nông dân được chọn ngẫu nhiên. Vào giữa vụ (tháng 11 năm 2002), 22 nông dân ở 11 làng được hỏi về tình hình vụ canh tác biến đổi gien, sau đó là viếng thăm cánh đồng của họ. Cuối cùng, vào cuối mùa, tháng 4 năm 2003, một khảo sát được thực hiện với 225 nông dân nhỏ, chọn ngẫu nhiễn trong số 1.200 nhà cung cấp bông trong huyện, 38,2% trong số đó sở hữu ít hơn 2 ha, 37,4% sở hữu từ 5 đến 10 ha, 22,4% có hơn 10ha (nhóm cuối cùng được coi là nông dân lớn ở Ấn Độ). Trong cùng một thời kỳ đó, họ cũng ghi lại năng suất của các nhà cung cấp bông truyền thống (nhóm kiểm soát). Tôi đưa ra tất cả những chi tiết này để khẳng định rằng nghiên cứu khoa học đáng để nêu ra cho những nỗ lực kiểu này, nếu không sẽ chả có gì ngoài gió và mây. Kết quả nghiên cứu quy mô lớn này được tổng kết: “Chi phí canh tác bông Bt nhiều hơn bông không phải là Bt là 1092 rupee bởi vì chỉ có một sự giảm bớt không đáng kể trong việc tiêu thụ thuốc trừ sâu cho canh tác bông Bt. Tính trung bình thì có một sự giảm bớt đáng kể (35%) trong tổng thu nhập của bông Bt, trong khi tổn thất ròng là 1295 rupee/ trong canh tác bông Bt so với bông không phải Bt, lợi nhuận ròng là 5368 rupee/-. Khoảng 78% nông dân canh tác Bollgard trong năm nay nói rằng họ sẽ không canh tác Bt vào năm tới.”12
Để làm cho nghiên cứu khoa học không thể chê trách được này thêm sinh động, DDS bổ sung vào sáng kiến một nhóm “phụ nữ quay phim chân đất”, theo cách nói của P. V. Satheesh, người sáng lập và giám đốc của tổ chức sinh thái. Sáu phụ nữ, tất cả đều là nông dân mù chữ và là dalits (tiện dân, lớp dưới cùng của hệ thống đẳng cấp xã hội truyền thống), được hướng dẫn các kỹ thuật quay phim trong một hội thảo do DDS tổ chức vào tháng 10 năm 2001 ở làng nhỏ Patapur với cái tên Community Media Trust. Từ tháng 8 năm 2002 tới tháng 4 năm 2003, họ đã quay phim hàng tháng 6 nhà cung cấp bông Bt nhỏ ở huyện Warangal tham gia vào nghiên cứu nông học. Kết quả là một bộ phim tư liệu phi thường về sự thất bại của hạt giống biến đổi gien.
Nó cho thấy trước hết mọi hy vọng mà nông dân đã đặt vào hạt giống Bt. Mọi thứ đều tốt trong hai tháng đầu: cây bông khỏe mạnh và không có sâu bọ. Sau đó là sự thất vọng. Cây bông rất nhỏ và quả bông ít hơn so với các cánh đồng bông truyền thống ngay bên cạnh. Vào mùa khô tháng 10, khi sâu bọ tàn phá bông truyền thống, các cây bông biến đổi gien bị rầy và ruồi trắng bao vây. Vào tháng 11, khi vụ thu hoạch bắt đầu, có thể thấy sự thất vọng trên khuôn mặt của nông dân: sản lượng rất thấp, quả nang khó nhặt, đuôi sợi bông ngắn hơn, điều đó có nghĩa là giá giảm mất 20%.
Tôi gặp những người làm phim vào tháng 12 năm 2006 ở cánh đồng bông Warangal, nơi họ tới để quay phim cùng với hai nhà nông học. Tôi rất ấn tượng bởi sự chuyên nghiệp của những phụ nữ phi thường này, họ mang theo những đứa trẻ đang ngủ trên lưng, sắp đặt máy quay, chân đế, mic và gương phản xạ để phỏng vấn một nhóm nông dân đang thất vọng vì sự thất bát của vụ canh tác bông Bt.
Kể từ khi báo cáo đầu tiên được hai nhà nông học công bố, tình hình đã tệ hơn, châm ngòi cho làn sóng tự tử thứ hai, sớm tiến đến bang Maharashtra. Lo lắng vì tình trạng bi kịch này, chính quyền bang Andhra Pradesh đã triển khai một nghiên cứu, xác nhận các kết luận của Qayum và Sakkhari.13 Nhận thức được tác động đến kết quả bầu cử của thảm họa này, lãnh đạo của Bộ Nông Nghiệp, Raghuveera sau đó đã yêu cầu Mahyco hoàn tiền cho các nông dân bị mất mùa, nhưng công ty đã từ chối yêu cầu đó.
Tuyên truyền và độc quyền
Để tự bảo vệ, Monsanto tung ra một nghiên cứu được công bố rất đúng lúc trên tờ Science vào ngày 7 tháng 2 năm 2003. 14 Ảnh hưởng của nghiên cứu khoa học rất lạ lùng khi chúng dựa trên các bài báo uy tín, hiếm khi hoặc không bao giờ xác thực nguồn của các dữ liệu được trình bày. Matin Qaim, ở trường đại học Bonn, và David Zilberman ở trường đại học California, Berkeley, cả hai đều “chưa từng đặt chân đến Ấn Độ,” như Vandana Shiva cho biết, đã chỉ ra rằng theo các thử nghiệm thực địa diễn ra tại “các bang khác nhau của Ấn Độ,” bông Bt “giảm thiểu một cách chắc chắn thiệt hại của sâu bọ và gia tăng sản lượng … tới 88%.” “Điều đáng phiền là bài báo mô tả hiệu quả phi thường của bông Bt lại dựa hoàn toàn trên dữ liệu do công ty sở hữu bông Bt, Mahyco-Monsanto, cung cấp,” tờ Times of India bình luận. “Dữ liệu được các tác giả trình bày … không dựa trên vụ thu hoạch bông Bt đầu tiên – như được kỳ vọng – mà dựa trên thu hoạch của một số thửa ruộng được lựa chọn thuộc về công ty, cũng không có dữ liệu từ các cánh đồng của nông dân kèm theo trong bài báo.”15 Mặc dù vậy, tờ tạp chí ghi nhận rằng “bài báo đó đã được nhiều cơ quan trích dẫn rộng rãi làm bằng chứng cho hiệu quả đặc biệt của hạt giống GMO” – vốn là mục đích của việc công bố trên tờ Science.
Bài báo cũng được bình luận dài trong báo cáo năm 2004 của FAO có tiêu đề “Công nghệ sinh học nông nghiệp có đáp ứng được nhu cầu của người nghèo?”16 Tài liệu này đã khiến người ta tốn rất nhiều giấy và mực vì đó là một lập luận bảo vệ GMO. Nó khẳng định rằng chúng có khả năng “gia tăng tổng thể năng suất nông nghiệp” và chúng “có thể giúp giảm bớt các thiệt hại môi trường do hóa chất độc hại gây ra,” theo lời giới thiệu của Jacques Diouf, tổng giám đốc của tổ chức trực thuộc Liên Hiệp Quốc. Bản báo cáo đã làm Monsanto rất hài lòng, họ đã nhanh chóng đưa nó lên mạng.17
Tương tự ở Pháp, ngay trước khi bài báo trên tờ Science được công bố, hãng AFP đã phân phát một bản thuyết trình tán dương nó. Tôi trích dẫn một đoạn, bởi vì nó minh họa hoàn hảo cho cái cách mà sự đánh lạc hướng được lặng lẽ triển khai thông qua truyền thông, cho dù điều này khó có thể lên án hãng thông tấn, bởi vì trên hết là họ chỉ ngoại suy từ các đề xuất ngầm được tính toán cẩn trọng trong bài báo gốc: “Bông được biến đổi gien để kháng lại các côn trùng có hại có thể tăng sản lượng thu hoạch lên 80%, theo các nhà nghiên cứu thực hiện thử nghiệm ở Ấn Độ cho biết,” bài dẫn khẳng định. “Kết quả công việc của họ rất đáng kinh ngạc: trước đây chỉ có một sự gia tăng nhỏ trong sản lượng được quan sát thấy trong các thử nghiệm tương tự ở Trung Quốc và Hoa Kỳ.”18 Người ta có thể tưởng tượng ra tác động của thông tin này – được truyền thông đón nhận rộng rãi, ví dụ như tờ Le Bullentin des Agriculteurs ở Quebec – đối với những nông dân cỡ nhỏ và vừa thường xuyên phải đấu tranh để sinh tồn. Đặc biệt là trường hợp này bởi vì, bỏ qua mọi dữ liệu được thu thập trên cánh đồng, Qaim nhấn mạnh vào khẳng định rằng “ngay cả khi chi phí cho hạt giống cao, nông dân đã tăng thu nhập lên 5 lần với bông biến đổi gien.” Đồng nghiệp David Zilberman đã vô tình tiết lộ mục tiêu thực sự của nghiên cứu này trong bài phỏng vấn của tờ Washington Post vào tháng 5 năm 2003: “Thật là xấu hổ khi nỗi sợ hãi về GMO tiếp tục ngăn cản công nghệ quan trọng này đến với những người được hưởng lợi nhiều nhất từ nó.”19
Tờ Times of India thậm chí còn mơ mộng hơn. “Ai sẽ trả tiền cho thất bại của bông Bt?”, tờ báo hỏi, chỉ ra rằng một đạo luật được thông qua vào năm 2001, Luật Bảo Vệ Đa Dạng Thực Vật và Quyền của Nông Dân, yêu cầu nhà cung cấp hạt giống phải bồi thường cho những nông dân bị mất mùa do hạt giống mà họ bán để đảm bảo “sản lượng, chất lượng, kháng sâu bọ,” và vân vân.20
Đó chính là đạo luật mà bộ trưởng Nông Nghiệp của Andhra Pradesh định áp dụng. Khi không thể làm như vậy, ông ấy đã quyết định cấm ba loại bông Bt do Mahyco Monsanto cung cấp trong phạm vi bang vào tháng 5 năm 2005 (các giống bông này được được bán không lâu sau đó ở bang Maharashtra.)21 Vào tháng 1 năm 2006, xung đột với Monsanto đã tiến đến một mức mới: Bộ trưởng Nông Nghiệp Raghuveera Reddy đưa đơn kiện Mahyco Monsanto tại Ủy Ban Hạn Chế Thương Mại và Độc Quyền (MRTPC), cơ quan Ấn Độ chịu trách nhiệm về quản lý thương mại và luật chống liên kết, phản đối giá cắt cổ của hạt giống biến đổi gien cũng như sự độc quyền của Monsanto ở tiểu lục địa Ấn Độ. Vào ngày 11 tháng 5 năm 2006, MRTPC đã đáp ứng đòi hỏi của bộ trưởng và yêu cầu giá một gói hạt giống 450 g phải được giảm xuống bằng giá mà Monsanto bán ở Hoa Kỳ và Trung Quốc, tối đa là 750 rupee (thay vì 1.850 rupee). Năm ngày sau đó, công ty phản đối quyết định đó tại Tòa Án Tối Cao, nhưng sự kháng cáo bị phủ quyết với lý do quyết định đó hoàn toàn là vấn đề bang.22 Đó là tình hình khi tôi tới Andhra Pradesh vào tháng 12 năm 2006. Mahyco Monsanto cuối cùng cũng phải giảm giá hạt giống theo yêu cầu của chính quyền bang, nhưng xung đột vẫn chưa kết thúc, bởi vì vấn đề bồi thường tài chính gai góc vẫn tồn tại. “Vào tháng 1 năm 2006,” Kiran Sakkharin nói với tôi, “bộ Nông Nghiệp đe dọa sẽ thu hồi giấy phép thương mại của công ty nếu họ không chịu bồi thường cho nông dân ba vụ thu hoạch mới đây.”
“Nhưng tôi nghĩ là Andhra Pradesh đã cấm ba loại bông Bt vào năm 2005.”
“Đúng vậy. Nhưng Mahyco Monsanto đã ngay lập tức thay thế chúng với các loại biến đổi gien mới. Chính quyền không thể ngăn chặn chúng, họ đã từng yêu cầu New Delhi cấm hoàn toàn GMO. Kết quả chỉ là tai họa như chúng ta đã thấy trong nghiên cứu thứ hai.23 Vụ thu hoạch năm nay còn tệ hơn bởi vì như anh thấy, trên các cánh đồng bông Bollgard, bệnh rhizoctonia khiến cây bông bị thối ở phần giữa rễ và thân. Cây bông khô đi và chết. “Nông dân nói họ chưa bao giờ thấy chuyện này,” Addul Qayum nói. “Trong nghiên cứu đầu tiên, chúng tôi thấy bệnh chỉ xuất hiện ở một số ít cây bông Bt. Nhưng nó lan nhanh và giờ tôi có thể quan sát thấy ở nhiều cánh đồng bông Bt đã bắt đầu làm nhiễm bệnh sang các cánh đồng bông không biến đổi gen. Trên quan điểm cá nhân, tôi cho rằng đây là sự tác động qua lại giữa cây chủ và gen được cấy vào. Nó khiến cây bông suy yếu và không kháng được bệnh rhizoctonia.”
“Nói chung,” Sakkhari nói tiếp, “bông Bt không đề kháng được các điều kiện khắc nghiệt như khô hạn hay mưa nhiều.”
“Nhưng,” tôi nói, “theo Monsanto, doanh số của hạt giống biến đổi gien tăng đều đặn ở Ấn Độ.”24
“Đó là khẳng định của công ty và nói chung là đúng, ngay cả khi số liệu mà họ trình bày khó có thể xác thực. Nhưng tình hình nhìn chung có thể giải thích bằng sự độc quyền mà họ có thể tạo ra ở Ấn Độ, rất khó có thể tìm thấy các hạt giống không biến đổi gen. Điều này rất đang lo ngại bởi vì, như chúng tôi đã phát hiện trong nghiên cứu thứ hai, những hứa hẹn về việc bông Bt sẽ làm giảm mức độ sử dụng thuốc trừ sâu đã thất bại; nếu không nói là ngược lại.”
Sâu bọ kháng cây bông Bt: Một quả bom hẹn giờ
Các nhà nông học cho tôi xem kết quả của nghiên cứu thứ hai, bao quát vụ mùa 2005-2006. Trong khi ở vụ mùa 2002-2003, năm sau khi triển khai hạt giống Bt, việc sử dụng thuốc trừ sâu thấp hơn ở cây bông biến đổi gen thấp hơn một chút so với cây bông truyền thống, ba năm sau “lời hứa vĩ đại” đã hoàn toàn bị chôn vùi: chi tiêu cho thuốc trừ sâu trung bình đối với cây bông truyền thống là 1.311 rupee cho 0,4 ha và 1.351 rupee đối với cây bông Bt. “Kết quả không khiến chúng tôi ngạc nhiên, nó chỉ có thể tệ hơn,” Qayum giải thích, “bởi vì bất cứ nhà nông học hay côn trùng học nghiêm túc nào cũng biết rõ rằng côn trùng phát triển sự đề kháng đối với các sản phẩm hóa học dùng để chống lại chúng. Việc cây bông Bt thường xuyên tạo ra chất độc kháng côn trùng là một quả bom hẹn giờ mà chúng tôi sẽ phải trả giá vào một ngày nào đó, cái giá có thể rất cao, cả từ quan điểm kinh tế lẫn sinh thái.”
Quan điểm côn trùng gây hại cho bông (hoặc ngũ cốc) sẽ biến đổi bằng cách phát triển sức đề kháng với chất độc của cây bông Bt đã được xới lên trước cả khi Monsanto đưa GMO của họ ra thị trường. Vào giữa những năm 1990, chiến lược mà công ty áp dụng, theo thỏa thuận với EPA, thuyết phục các nông dân trồng bông Bt bằng hợp đồng duy trì các thửa ruộng bông không Bt, được gọi là “nơi trú ẩn,” nơi các côn trùng bình thường được sinh sôi để lai chéo với các anh em họ đã kháng lại Bacilus thuringiensis, gây ra sự pha loãng gen. Khi côn trùng thường xuyên đối mặt với một hàm lượng thuốc độc chết chóc theo lý thuyết, chúng đều bị loại bỏ, ngoại trừ một số nhóm nhỏ được sự hỗ trợ của các gien kháng chất độc. Các côn trùng sống sót sẽ kết hợp với đồng loại, có thể chuyển các gen đó cho thế hệ kế tiếp, tiếp tục trong vài thế hệ. Đây là sự “đồng tiến hóa,” suốt chiều dài lịch sử của sự sống, đã cho phép các giống loài bên bờ vực tuyệt chủng thích nghi để sống sót sau các dịch bệnh chết chóc. Để giữ cho hiện tượng này không phát triển ở các côn trùng gây hại cho bông Bt, các học trò của phù thủy cho rằng họ chỉ cần duy trì một số lượng côn trùng khỏe mạnh ở các thửa ruộng bông không biến đổi gen – nơi trú ẩn – để chúng có thể kết hợp với anh em họ kháng Bt, qua đó ngăn chặn các côn trùng kháng Bt sinh sôi.
Khi điều đó được thực hiện thì vấn đề chỉ là quyết định quy mô của nơi trú ẩn để kế hoạch thành công. Chủ đề này dẫn đến các thương lượng gay go giữa Monsanto và các nhà khoa học, với sự ghi nhận kết quả của EPA. Đầu tiên, một số nhà côn trùng học lập luận rằng khu vực bề mặt của nơi trú ẩn ít nhất cũng phải tương đương với khu vực biến đổi gen. Dĩ nhiên là Monsanton phản đối, cho rằng bề mặt khu vực trú ẩn chỉ nên chiếm 3% diện tích trồng GMO. Vào năm 1997, một nhóm nghiên cứu đại học làm việc ở vành đai ngũ cốc trung tây đã can đảm tham gia vào trận chiến với khuyến nghị rằng nơi trú ẩn nên chiếm 20% diện tích các thửa trồng biến đổi gen , thứ hai là các thửa đó nên được phun loại thuốc sâu khác với thuốc sâu dùng ở các thửa trồng bông Bt.
Điều này là quá nhiều đối với Monsanto, như Daniel Charles tường thuật trong Lords of the Harvest. ““Monsanto xem xét khuyến nghị và nói, “chúng ta không thể sống được với điều này,”” Scott McFarland nói, ông là một luật sư trẻ đang làm việc cho tổ chức Pioneer.” Công ty liên hệ với “Hiệp Hội Canh Tác Ngũ Cốc Quốc Gia (NCGA), cũng có trụ sở ở St. Louis. Đại diện của Monsanto thuyết phục lãnh đạo của NCGA rằng khu vực trú ẩn lớn sẽ ảnh hưởng đến việc tự do canh tác bông Bt của nông dân.”25 Điều này diễn ra cho đến tháng 9 năm 1998, khi các bên gặp nhau ở thành phố Kansas để thỏa hiệp. Khi các cuộc thảo luận được quy thành tranh luận về tỷ lệ tùy ý, một nhà kinh tế nông nghiệp của đại học Minnesota đã khẳng định rằng theo các nghiên cứu của ông thì khu vực trú ẩn chiếm 10% diện tích canh tác biến đổi gien, sau đó sâu ngũ cốc bore – côn trùng gây hại mục tiêu của ngũ cốc Bt – sẽ có 50% cơ hội phát triển sức đề kháng trong ngắn hạn và khiến nông dân khá tốn kém. Do trực tiếp bị ảnh hưởng đến túi tiền nên nông dân đã đứng về phía các nhà côn trùng học.
Đó là lý do trên khắp thế giới, các hướng dẫn trồng Bt đều yêu cầu rằng khu vực trú ẩn phải tương đương tối thiểu là 20% diện tích canh tác GMO. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng con số đó cũng chắp và và tùy hứng, bởi vì không có nghiên cứu nghiêm túc nào được thực hiện để xác nhận rằng tỷ lệ đó – được thảo ra ở một góc của Missouri – có giá trị khoa học. Khi Michael Pollan hỏi các đại diện của Monsanto về chủ đề này cho tờ New York Time vào năm 1998, họ trả lời: “Nếu mọi thứ đều tốt, sự đề kháng có thể bị trì hoãn trong hơn 30 năm,” chỉ có thể gọi là chính sách ngắn hạn.26 Khi Pollan tiếp tục với Jerry Hjelle, phó chủ tịch quan hệ đối ngoại của Monsanto, cố gắng tìm hiểu điều gì xảy ra sau thời kỳ đó, “câu trả lời [còn] đáng ngại hơn … “Có một ngàn loại Bt khác … Chúng tôi có thể xử lý vấn đề với những sản phẩm mới … Những người chỉ trích không biết chúng tôi có những gì … Hãy tin ở chúng tôi.””
Trong thời gian đó, mười năm sau khi bắt đầu canh tác Bt, có thể phác thảo một đánh giá ban đầu về bộ máy quan liêu. Đầu tiên, bản tin của AP đã cho thấy vào tháng 1 năm 2001, theo một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2000, “30% số nhà cung cấp ngũ cốc Bt [Mỹ] không tuân thủ theo các khuyến nghị về quản lý sự đề kháng,” bởi vì họ cho rằng chúng quá nghiêm khắc. 27 Phải nói thật là tôi hiểu họ. Nhưng dĩ nhiên là họ nên ngừng ủng hộ hệ thống nực cười này, thứ sớm hay muộn cũng sẽ sụp đổ như ngôi nhà bằng quân bài, theo như nghiên cứu vào năm 2006 của các chuyên gia nghiên cứu đại học Cornell hợp tác với Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc cho thấy. 28 Họ đã chỉ ra rằng “lợi nhuận đáng kể mà họ thu được trong nhiều năm nhờ tiết kiệm thuốc trừ sâu đã bị ngốn sạch.” Theo các tác giả này, trong 3 năm đầu sau khi gieo trồng Bt, nông dân “đã giảm thuốc trừ sâu đi hơn 70% và kiếm được nhiều hơn 36% so với các nông dân gieo trồng bông truyền thống,” vào năm 2004 “họ đã phun thuốc sâu nhiều như các nông dân truyền thống, khiến cho thu nhập ròng thấp hơn 8% so với các nông dân truyền thống, do hạt giống Bt đắt gấp ba lần hạt giống truyền thống.” Cuối cùng, sau 7 năm, “côn trùng đã tăng lên nhiều đến mức nông dân phải phun thuốc tới 20 lần trong một vụ.” Kết luận của các nhà nghiên cứu, bất chấp sự ủng hộ của họ đối với GMO, rất tai hại:
“Kết quả này cảnh báo các nhà nghiên cứu và chính phủ rằng họ cần phải có các hành động cứu trợ nông dân trồng bông Bt. Nếu không, các nông dân này sẽ ngừng sử dụng bông Bt và điều đó sẽ rất bất hạnh.”
Khẳng định này khiến Abdul Qayum và Kiran Sakkhari mỉm cười. “Ở Ấn Độ, nơi có đa số nông dân canh tác từ 0,8 đến 2 ha, chiến lược trú ẩn thật là nực cười. Nó cho thấy rằng GMO, phiên bản mới nhất của cách mạng xanh, được phát minh ra cho các nông dân lớn ở bán cầu Bắc.”
Chú thích:
*Khoảng 1.200 dollar (1 dollar tương đương với 50 rupee). Không có mức lương tối thiểu ở Ấn Độ nhưng đa phần công nhân kiếm được ít hơn 6.000 rupee một tháng vào năm 2006.
**Từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2007, VJAS ghi nhận có 1.168 vụ tự tử.
***Trợ cấp cho nông dân Hoa Kỳ là 18 tỷ dollar vào năm 2006. Xem Somini Sengupta, “Về nông nghiệp Ấn Độ, một nạn dịch tự tử,” New York Times, 19 tháng 12 năm 2006. Ba ngày sau khi chúng tôi quay phim, một vụ bạo loạn nổ ra ở chợ và cảnh sát đã bắt giam một số người, trong đó có Kishor Tiwari.
****Bạn đọc sẽ nhớ tới tên của những nhà khoa học giả mạo đã tiến hành chiến dịch bôi nhọ Ignacio Chapela về ngũ cốc Mexico; một người trong số họ có tên là “Andura Smetacek,” Jonathan Matthews, nhà nghiên cứu người Anh đã khám phá ra sự thật, đã bình luận về những cái tên bất thường này. Dĩ nhiên là những kẻ chủ mưu ở St. Louis đã đơn giản là lấy chúng từ các nhân viên Ấn Độ.
Vũ Văn (Theo Zeronews)
- Ukraina được công nhận là một trong những nước có cuộc sống rẻ nhất trên thế giới
- Ấn Độ chia tay với các thế hệ xe tăng của Nga....vĩnh viễn?
- Giải mã thực trạng của ngành Công nghiệp quốc phòng Nga hay là câu chuyện tại sao Ấn độ lại "ngán" máy bay Nga đến như vậy!
- Ukraina đã giành được khách hàng Ấn Độ từ tay Nga
- Ấn Độ không hài lòng với chất lượng Su-30 sm của Nga
- Đâu là vị trí thật sự của nhóm BRICS?
Trả lời