ó là khẳng định của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Đêm 28/4 (giờ Nhật Bản), tại Nhà Trắng, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Obama đã tiến hành hội đàm trong vòng khoảng 2 giờ.
Tại cuộc hội đàm, hai bên cũng xác nhận lại tầm quan trọng của quan hệ đồng minh đối với không chỉ của khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà còn đối với hòa bình, ổn định của thế giới. Cuộc hội đàm này được đánh giá là rất thành công khi một loạt vấn đề trong quan hệ hai nước và quốc tế được thống nhất.
Đồng minh Nhật-Mỹ là “tấm gương” của thế giới
Tại cuộc hội đàm, hai bên đã nhất trí tăng cường quan hệ đồng minh với qui mô toàn cầu thông qua việc tái cấu trúc lại chính sách hợp tác quốc phòng hai nước.
Nguyên thủ hai nước cũng khẳng định hợp tác chặt chẽ và tiến hành nhanh chóng các cuộc thương lượng tiến tới ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh rằng chuyến thăm lần này mở ra một chương mới cho quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ. Tổng thống Mỹ Obama cũng đánh giá cao quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ và khẳng định đó là “tấm gương” của thế giới, phấn đấu vì nhau là cốt lõi cơ bản của quan hệ này.
Liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, hai bên cũng đồng ý rằng sẽ tiến hành hợp tác theo điều 5 của Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ. Về khả năng tham gia vào Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á do Trung Quốc đề xướng- hai nguyên thủ thống nhất rằng tính minh bạch vẫn là điều kiện tiên quyết để hai nước có thể tham gia hay không.
Liên quan tới việc Trung Quốc tăng cường hoạt động tại Biển Đông và Hoa Đông, Tổng thống Mỹ đã phê phán: “Trung Quốc đang mở rộng thế lực tại Đông Á và Đông Nam Á. Cách làm của Trung Quốc đang sai lầm”.
Có thể nói, trong cuộc hội đàm lần này, Nhật Bản và Mỹ đã thống nhất được tất cả những vấn đề quan trọng mà trước đó hai bên đã hy vọng đạt được.
Trung Quốc đang sai lầm
Một tuyên bố chung quan trọng, tóm tắt những thỏa thuận và hành động cần thực hiện trong thời gian tới cũng được công bố ngay lập tức. Tuyên bố chung lần này có tên gọi “Tuyên bố tầm nhìn chung Nhật-Mỹ”.
Tuyên bố này khẳng định rằng cuộc hội đàm giữa hai nguyên thủ trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Abe đã đánh dấu một bước phát triển mới trong lịch sử phát triển quan hệ đối tác Nhật-Mỹ.
Cả hai bên đã nhấn mạnh rằng Nhật Bản sẽ kiên định con đường Chủ nghĩa hòa bình tích cực và Mỹ cũng sẽ hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản trong việc thực hiện chính sách tái cân bằng mà trọng tâm chiến lược là khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tuyên bố cũng nói rõ ràng rằng hai bên đã nhất trí tái sắp xếp lại Chính sách an ninh Nhật-Mỹ trong đó có việc thực thi Quyền phòng vệ tập thể thông qua Ủy ban Hiệp thương an ninh Nhật Mỹ (2+2). Thủ tướng Abe và Tổng thống Obama cho rằng điều đó nhằm mở rộng đóng góp của hai nước vào an ninh toàn cầu và hợp tác chặt chẽ trong vấn đề an ninh hàng hải.
Một điểm đáng chú ý nữa là trong tuyên bố, nguyên thủ hai nước cũng đã phê phán rằng những hành động của quốc gia nào đó làm tổn hại đến chủ quyền, quyền chủ quyền nước khác thông qua hành vi biến đổi hiện trạng đơn phương bằng hình thức cưỡng chế và vũ lực sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới trật tự thế giới.
Do vậy, việc hai nước tăng cường hợp tác quốc phòng, đặc biệt mở rộng quyền phòng vệ tập thể không ngoài mục đích đối phó với những hành vi được coi là sai trái đó vì “hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới” như tuyên bố đã nêu rõ.
Như trên đã đề cập, Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nhật Bản vẫn giữ lập trường ủng hộ những mục đích mang tính hòa bình của Trung Quốc, tuy nhiên Tổng thống Mỹ phê phán: “Trung Quốc đang mở rộng thế lực tại Đông Á và Đông Nam Á. Cách làm của Trung Quốc đang sai lầm”.
Phát ngôn này chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của Trung Quốc, nhưng điều này có thể sẽ không làm ảnh hưởng tới lập trường của Mỹ vốn đã có người bạn đồng minh là Nhật Bản luôn bên cạnh.
Củng cố lòng tin của dân chúng
Trong cuộc viếng thăm một số địa điểm được coi là tượng trưng cho lịch sử chính Mỹ, với những lời phát biểu dựa trên quan điểm “chính trị vì nhân dân”, Thủ tướng Abe đã nhấn mạnh rằng “Nước Nhật mạnh thì sẽ mang lại lợi ích cho Mỹ khi đang thực hiện chính sách tái cân bằng. Hơn thế nữa, một đồng minh Nhật-Mỹ mạnh sẽ mang lại lợi ích cho cả khu vực và thế giới”.
Đài Truyền hình TBS của Nhật Bản nhận định rằng phát biểu của Thủ tướng Abe có thể có những phê phán nào đó, tuy nhiên nó thể hiện được quan điểm ngoại giao của Nhật Bản cũng như sự tin tưởng giữa hai bên trong các vấn đề trong nội bộ quốc gia và những vấn đề quốc tế có liên quan.
Phó trợ lý Tổng thống Mỹ Rose trong một cuộc trả lời phỏng vấn NHK đã khẳng định rằng chuyến thăm Mỹ của ông Abe sẽ củng cố chặt chẽ hơn mối quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ nhằm giải quyết những vấn đề qui mô khu vực và toàn cầu.
Phó trợ lý cũng cũng cho biết thêm, Tổng thống Mỹ đã từng đánh giá Thủ tướng Abe là người có tầm nhìn rộng. Do vậy, những kết quả được thỏa thuận tại cuộc hội đàm này sẽ được nhanh chóng thực hiện và mang lại những kết quả thực chất đặc biệt là sự tin tưởng của nhân dân hai nước.
Một vấn đề nữa có thể đã không được đề cập tới tại cuộc hội đàm giữa nguyên thủ hai nước là chuyến thăm Hiroshima và Nagasaki của ông Obama trong khoảng thời gian 2 năm còn lại trong nhiệm kỳ của ông.
Nhưng theo phân tích của các nhà phân tích chính trị quốc tế, khả năng thực hiện chuyến thăm này là rất cao bởi theo ông Rose “chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng trong việc thấu hiểu hơn người Nhật Bản đặc biệt là dân chúng Hiroshima.
Ngay bản thân Tổng thống Mỹ cũng hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân và hiểu rằng vũ khí hạt nhân chỉ mang lại khổ đau tận cùng cho con người”. Đây cũng là cơ hội để Tổng thống Mỹ Obama thực hiện lời hứa của mình đã hứa nhân dịp trả lời phỏng vấn của NHK năm 2009.
Hơn thế nữa, những gì đã đạt được trong cuộc hội đàm Nhật-Mỹ lần này, thì việc ông Obama thăm Hiroshima và Nagasaki cũng không quá “khó khăn”. Và đây có thể là điểm cộng không những cho ông Abe mà cho cả ông Obama trong việc tăng cường lòng tin cho nhân dân hai nước đối với chính quyền./.
VOV News
Trả lời