Sau 7 tháng đấu tranh với tử thần để giữ sự sống cho thai nhi, người mẹ trẻ cuối cùng cũng đã được bế con trên tay trước khi lìa đời.
Đây là câu chuyện vô cùng cảm động về khoảnh khắc sinh tử của một bà mẹ bịung thư giai đoạn cuối đang hôn mê và các bác sĩ phải làm mọi cách để cứu sống em bé. Clip sau khi đăng tải trên mạng đã thu hút rất nhiều người xem.
Cặp vợ chồng trẻ này đang sống trong những ngày vô cùng hạnh phúc, vì sau 5 năm ròng chạy chữa khắp nơi, cuối cùng họ cũng đã có được đứa con đầu đời nhờ vào phương pháp thụ tinh nhân tạo. Nhưng vào tháng 5 của thai kỳ, khi niềm vui sướng đang lan tỏa, thì bất hạnh ập đến. Người vợ – sau một cơn đau bất ngờ và nhập viện – mới phát hiện mình đang bị ung thư giai đoạn cuối, và các tế bào ung thư đã di căn.
Đây được xem là một ca “có một không hai” của các bác sĩ thai sản, vì rất khó để giữ an toàn tính mạng cho bé, trong khi bé chỉ mới tới tháng thứ 5. Vì mức độ phức tạp của nó, nên các bác sỹ ở Từ Dũ đã từ chối mong muốn của gia đình là giữ lại tính mạng của đứa trẻ. Họ khuyên gia đình thai phụ nên chuẩn bị sẵn tinh thần.
Không bỏ cuộc, gia đình sản phụ tiếp tục đặt hy vọng vào đội ngũ y bác sĩ ở bệnh viện 175. Và đây là nơi câu chuyện kỳ diệu bắt đầu.
2 tháng sau khi nhập viện ở bệnh viên 175, sức khỏe của người mẹ ngày càng yếu dần, còn thai kỳ đã phát triển tới tháng thứ 7. Tất nhiên, với sức khỏe không cho phép, sản phụ không thể sinh nở theo phương pháp thông thường.
Trải qua rất nhiều cuộc hội chẩn và bàn bạc ý kiến, các bác sĩ dường như đang đứng trước “ngã rẽ tử thần”. Rất khó để quyết định, liệu có nên mạo hiểm để cứu đứa bé? Liệu nếu cả mẹ và bé đều tử vong thì sao? Sức khỏe của bà mẹ có chịu đựng được ca phẫu thuật này hay không?
Cuối cùng, các bác sĩ đã có quyết định của riêng mình. Họ quyết định tiến hành phẫu thuật bằng cách gây mê toàn bộ sản phụ. Sự gây mê đã tác động không nhỏ đến tình trạng của mẹ, khiến khoảng thời gian trong phòng mổ nặng nề và kéo dài như hàng thế kỷ.
Và như một phép màu của tình người, tình mẫu tử, chưa đầy 3 phút sau vết mổ đầu tiên, em bé đã ra đời. Ngay khi tiếng khóc cất lên, cả phòng mổ dường như vỡ òa vì vui sướng và xúc động.
Nhìn hình ảnh người mẹ lặng lẽ rơi nước mắt sau ca mổ thành công, không một ai trong ê-kíp các bác sĩ kìm được nước mắt. Mặc dù chỉ còn sống được một thời gian ngắn nữa, nhưng người mẹ vẫn vô cùng hạnh phúc vì trước khi lìa đời , cô được nhìn mặt đứa con thân yêu của mình.
Ca phẫu thuật được đánh giá là một câu chuyện gây xúc động, về y đức và tình người của các bác sĩ dành cho bệnh nhân, về tình mẫu tử, tình cảm gia đình. Nó chứng tỏ, đâu đó trên cuộc đời này, vẫn còn những phép màu bên cạnh những bất hạnh và đắng cay.
Trả lời