Hai bến metro của Kiev

Quả thật là trong kỳ nghỉ lễ này tôi không có ý định khủng bố các bạn thêm bằng một bài viết, mà phần chắc sẽ lại được mọi người khen tới tấp về tình yêu nồng nàn với đất nước lúa vàng trời xanh đang cưu mang tôi và gia đình . Nhưng khổ quá, đối với một kẻ nhìn đâu cũng thấy chuyện như tôi thì lại có bao nhiêu chuyện để kể.

Mùa lễ năm mới và giáng sinh 2015 này đối với đất nước và nhân dân Ucraina là một mùa khó khăn và căng thẳng. Kinh tế đang ngấp nghé bờ vực của phá sản , chiến sự dai dẳng ở miền đông kéo theo những hệ lụy khó mà khắc phục kịp thời. Chính quyền quyết định năm nay trong đêm giao thừa không tổ chức những màn pháo hoa ngoạn mục như mọi năm, và cũng kêu gọi nhân dân không bắn pháo hoa để tiết kiệm, cũng như tránh tối đa những nguy hiểm không đáng có khi các vụ nổ khủng bố hình như ngày càng thêm dày đặc ở các thành phố lớn. Độc lập tự do quả là không phải dễ dàng mà có được. Cây thông Tổng thống – cây thông chính đón năm mới của Kiev năm nay không được đặt ở quảng trường Độc lập nữa mà chuyển về nơi đã diễn ra lễ nhậm chức của Tổng thống Poroshenco hồi tháng Sáu – quảng trường nhà thờ Thánh Sophia. Quảng trường xinh đẹp này đã từng làm bố mẹ tôi thốt lên kinh ngạc khi so sánh với các quảng trường nổi tiếng của kinh thành ánh sáng Pari. Quảng trường nhà thờ Thánh Sophia xinh xắn được bao quanh bởi những tòa nhà cổ , chính giữa nổi lên tháp chuông màu lam nhạt đẹp đến mê hồn. Đối diện tháp chuông là bức tượng Khmenhiski , người anh hùng đã giúp đất nước chống lại quân xâm lược Tactar, ngồi trên mình ngựa. Nhưng có lẽ đối với những cuộc vui dành cho đám đông thì xem chừng quảng trường hơi nhỏ. Tuy nhiên, đất nước đang thời chiến , chẳng ai than phiền về sự chật chội của nơi đón mừng năm mới này. Sân khấu ca nhạc được dựng lên với những đèn trang trí như sao sa, các quán hàng ẩm thực, lưu niêm từng vùng cũng được lắp đặt rất quy củ. Đặc biệt cây thông năm nay là một cây thông thật , tươi xanh được chở về từ tận vùng rừng núi Carpat đầy tuyết phủ. Tôi cứ ngẩn ngơ đứng trước cây thông trang trí bằng cả ngàn con chim bồ câu hòa bình màu trắng, thương cho cây thông cao hàng chục mét đã bị đốn hạ chỉ để dành cho một cuộc vui. Nhìn cây thông được bao quanh bởi hệ thống ống trượt cho trẻ em chơi , tôi thầm mong cây thông không bị cưa mà được đánh cả gốc đưa về Kiev trưng bày trong tháng đón Năm mới và Giáng sinh rồi sẽ lại trở về nhà trong rừng thông xanh ngút của Carpat và sống tiếp đời cổ thụ của mình. Không biết mong mỏi ấy của tôi có thể là hiện thực?

Mấy ngày trước thềm năm mới , miền nam Ucraina đón nhận một trận bão tuyết hiếm thấy. Các thành phố Kherson , Nhicolaiev và Odessa hoàn toàn tê liệt vì tuyết và băng giá. Kiev cũng trở lạnh hơn nhiều . Đêm giao thừa gia đình tôi cũng ra đường đón mừng không khí năm mới- một năm mới 2015 với những ẩn số khó có lời giải đáp! Nhưng tạm thời ai cũng quên đi những thử thách trước mắt để hy vọng trong năm mới có nhiều thay đổi tốt hơn. Chúng tôi đi tàu điện ngầm và để đến được quảng trường nhà thờ Thánh Sophia, chúng tôi đi từ bến Teatralnaia qua đường trung chuyển sang bến Cổng vàng ( Zolotuie Vorota). Chồng tôi xuýt xoa khi vào đến Cổng vàng: sao Kiev lại có một bến metro đẹp thế , mình chưa bao giờ đến bến này ! Tôi ngạc nhiên hỏi lại: chẳng lẽ anh lại không biết rằng Cổng vàng đã nhiều lần được các tạp chí du lịch bình chọn là một trong những ga tàu điện ngầm đẹp nhất thế giới ? Chồng tôi cười xòa khỏa lấp sự thờ ơ của mình về một địa danh của thành phố thời thanh niên sôi nổi . Anh sờ tay vào các cột được lát bằng đá cẩm thạch đã có viên ố màu bởi thời gian, thán phục những người thợ lành nghề bằng cách nào đó đã uốn cong những viên đá tự nhiên để chúng có độ cong mềm như nhau làm nên kỳ tích của những cột đá có đường kính dễ chừng đến hai mét.

10913430_742563829160660_873422712_nVào Cổng vàng chúng ta dường như lạc vào một cung điện không quá xa hoa nhưng lại mang dấu ấn đặc biệt của Kievskaia Rus. Trên trần hình vòm của Cổng vàng là những họa tiết được ghép bởi vô số những viên đá mosaica. Không một họa tiết nào giống họa tiết nào trong số hàng chục dải trang trí. Nối tiếp nhau sau những cột đá cẩm thạch là các bức họa cũng được ghép bằng mosaica minh họa hình ảnh của tất cả các Quốc vương và nhà thờ của Rus qua 1500 năm lịch sử. Nếu ta bắt đầu vào Cổng vàng bằng đường từ phố, đi theo đúng chiều kim đồng hồ và vòng lại thì dường như ta đã đọc lại toàn bộ trang sử của Rus cổ xưa. Sẽ nhiều người không ngờ rằng bến metro này mới chỉ được hoàn thành vào năm 1989 bởi hơi thở tràn đầy sử sách mà nó mang lại. Cổng vàng là bến metro cuối cùng được hoàn thành ở Kiev khi Liên bang Xô viết còn tồn tại . Đến năm 1990 chính quyền của nước cộng hòa thể theo nguyện vọng của người dân đã kiên quyết từ chối ký lại hiệp ước liên bang sau khi ba nước Bantic rời khỏi ngôi nhà Xô viết. Chính từ sự kiên quyết chối từ của Ucraina mà cả chục nước cộng hòa còn lại cũng đồng lòng rời khỏi ngôi nhà chung đó , bởi họ không thể mường tượng được viễn cảnh Liên bang Xô viết thiếu vắng Ucraina.

Tháng 8 năm 1991 Ucraina độc lập chính thức ra đời. Nhóm các kiến trúc sư, các nhà điêu khắc, họa sĩ và những người thợ lành nghề đứng đầu bởi hai cha con kiến trúc sư Zezerin của cộng hòa Ucraina thời Xô viết phải chăng đã đoán trước được những biến cố lịch sử này ? Họ đã bí mật ghép khẩu hiệu “ Vinh quang thay Ucraina!” bằng mosaica trắng hòa lẫn với màu tường vào sát trần của đoạn tiếp giáp giữa hai tầng thang máy. Thời gian đó , đây quả là một việc làm liều lĩnh khi mọi khẩu hiệu tương tự sẽ bị ghép vào tội hình sự – chia rẽ đất nước! Tôi đã từng có một lần thoáng qua đọc được khẩu hiệu này khi đang vội vã trên đường đi công việc. Nhưng khi đó tôi không có cảm giác gì khác lạ bởi đây là câu khẩu hiệu ta có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu tại Ucraina , nhất là thời kỳ Maidan này. Chỉ đến khi tìm hiểu về bến metro đặc biệt này tôi mới hiểu lòng dũng cảm của những người đã viết lên nó dưới thời Xô viết. Nhưng dòng chữ bí mật này luôn là một bí ẩn với mọi người. Tôi đã cố công tìm lại nó nhưng dường như để nhắc nhở tới một thời gót sắt , nó biến đi trong mắt tôi . Chắc rằng để đến một ngày nào đó , dưới một ánh sáng thích hợp nào đó nó lại hiện ra cho tôi biết rõ lòng yêu nước vô bờ của những con người Ucraina dù ở trong hoàn cảnh nào cũng luôn cháy bỏng .

10922142_742563865827323_1232473606_n

Kiev tự hào về bến tàu điện ngầm Cổng vàng vì nó được các du khách đánh giá là một trong những ga đẹp nhất thế giới thì cũng tự hào về ga tàu điện ngầm đầu tiên của mình -Arsenalnaia ( Kho tàng) cho đến thời điểm này, sau hơn nửa thế kỷ, vẫn là ga tàu điện ngầm sâu nhất thế giới với độ sâu 105,5m trong lòng đất. Năm 1949 công tác đầu tiên để xây dựng giếng sâu cho ga tàu điện ngầm đầu tiên của Kiev được tiến hành. Với trình độ kỹ thuật khi đó, với cấu tạo địa chất và độ sâu đáng ngạc nhiên đó, công trình này luôn gắn liền với bao huyền thoại. Nhưng công trình đã thành công tuyệt đối với lựa chọn thiết kế trạm tháp ba vòm móng sâu kiểu Anh để cống hiến cho thế giới một bến xe điện ngầm phục vụ liên tục suốt hơn nửa thế kỷ với vẻ đẹp kiến trúc không cầu kỳ nhưng đầy ấn tượng. Riêng đối với tôi, mỗi lần có dịp tới Arsenalnaia, tôi thích dừng lại bên những nhạc công ở khu vực chung chuyển giữa hai thang máy để nghe họ chơi những bản nhạc cổ điển bằng kỹ thuật điêu luyện. Họ có mặt ở đây ngẫu hứng nhưng khá thường xuyên, nếu gặp may , ta sẽ được thưởng thức tài năng của họ.

Và tôi hình như luôn gặp may, hình như họ luôn giành tặng tôi những giây phút phiêu du trong thế giới rất đỗi hữu hạn này .

Kiev 7/1/2015

Nguyễn Hồng Giang


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Có 9 phản hồi cho bài viết “Hai bến metro của Kiev”:

  1. Đọc bài viết của chị mà như đang được đi vào bến tàu điện ngần ở Kiev. Phải nói các bến tàu điện ngầm ở Kiev rất đẹp và có cả nét cổ kính nữa, mỗi bến lại có hoa văn trang trí trên một nền kiến trúc khác nhau khiến việc đi tàu điện ngầm như đi du lịch. Cảm ơn tác giả.

  2. Có lẽ Nguyễn Hồng Giang là một trong số ít những người tự viết bài bằng chính “giọng văn” của mình chứ không vay mượn chắp nhặt của người khác và không nhờ Gugồ dịch hộ rồi lắp ghép  ! Quan điểm của bạn được thể hiện bằng chính “giọng văn” của mình ! Mình rất thích cách thể hiện của bạn! 🙂 

  3. Tiến nguyen viết:

    Cảm ơn bài viết của tác giả làm tôi nhớ lại 1 thời kỷ niệm

  4. Tran Thanh viết:

    Cảm ơn Hong Giang Nguyen, bài viết hay quá.

  5. Anh Già viết:

    Cám ơn chị Hong Giang Nguyen rất nhiều.

  6. Có lẽ Hong Giang Nguyen là một trong số ít những người tự viết bài bằng chính “giọng văn” của mình chứ không vay mượn chắp nhặt của người khác và không nhờ Gugồ dịch hộ rồi lắp ghép 🙂 ! Quan điểm của bạn được thể hiện bằng chính “giọng văn” của mình ! Mình rất thích cách thể hiện của bạn!

  7. Thanh Doan viết:

    Hay !! Qua that minh song o Kiev da lau va cung hay di qua cac ben nay ma nghe Hong Giang Nguyen ta thay nhu chua di bao gio- nha van co khac!!Chac bua nao roi phai qua ngam lai

  8. Nguyen Duc Huy viết:

    Một bài viết thú vị và bổ ích!Nhất là đối với những người không sống ở Kiev và với những người sống ở VN nhưng quan tâm đến Ukraine.Mình kêu gọi mọi người cố gắng đóng góp những thông tin theo gương của Hong Giang Nguyen.Cảm ơn bạn nhiều!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề