5 nền quốc phòng mạnh nhất Đông Nam Á theo đánh giá của phương Tây

Global Firepower xếp Quân đội Indonesia ở vị trí số 1 Đông Nam Á và thứ 12 thế giới. Đây là nước có nền công nghiệp quốc phòng hàng đầu khu vực với rất nhiều sản phẩm công nghệ cao.

Tờ Business Insider của Mỹ đưa ra bảng xếp hạng 126 nước hàng đầu thế giới về quân sự dựa vào chỉ số sức mạnh quân sự toàn cầu (gọi tắt là GFP) tại địa chỉ globalfirepower.com.

Theo cách tính của Global Firepower, tất cả các chỉ số xếp hạng đều được quy ra điểm (PwrIndx).

Điểm “PwrIndx” lý tưởng là 0,0000, được đánh giá dựa trên 50 yếu tố có ý nghĩa quyết định về khả năng đương đầu với chiến tranh thông thường, ví dụ như các yếu tố liên quan đến tài nguyên, tài chính, sức mạnh Hải – Lục – Không quân, hậu cần, dân số.

Dưới đây là 5 quốc gia có chỉ số sức mạnh quân sự hàng đầu khu vực Đông Nam Á theo bảng xếp hạng của Business Insider.

1. Indonesia: điểm PwrIndx 0,5231

Global Firepower xếp Quân đội Indonesia ở vị trí số 1 Đông Nam Á và thứ 12 thế giới dựa vào các yếu tố sau đây:

Ngân sách quốc phòng của Indonesia hiện là 6,9 tỷ USD, tổng số quân thường trực vào khoảng 476.000 người cùng với 400.000 quân dự bị.

Do là một quốc đảo và bị địa hình chia cắt nên Lục quân Indonesia chỉ có 468 xe tăng chiến đấu chủ lực và xe tăng hạng nhẹ, 1.089 xe bọc thép và xe chiến đấu bộ binh, 37 pháo tự hành, 80 pháo xe kéo, 86 hệ thống pháo phản lực phóng loạt.

Không quân Indonesia có 30 tiêm kích, 52 cường kích, 187 máy bay vận tải, 104 máy bay huấn luyện, 148 trực thăng (trong đó có 5 trực thăng tấn công).

Hải quân Indonesia được trang bị 6 khinh hạm (frigate), 26 tàu hộ tống cỡ nhỏ (corvette), 2 tàu ngầm, 21 tàu tuần tra bờ biển và 12 tàu quét mìn.

Quân số và trang bị thường trực của Indonesia không có gì nổi bật so với nhiều quốc gia khác, tuy nhiên đây lại là nước có nền công nghiệp quốc phòng hàng đầu khu vực với rất nhiều sản phẩm công nghệ cao.

2. Thái Lan: điểm PwrIndx 0,6833

Quân đội Hoàng gia Thái Lan đứng ở vị trí số 2 khu vực Đông Nam Á ngay sau Indonesia và đứng thứ 20 thế giới.

Ngân sách quốc phòng của Thái Lan là 5,39 tỷ USD, tổng số quân thường trực vào khoảng 306.000 người cùng với 245.000 quân dự bị.

Lục quân Thái Lan được trang bị 722 xe tăng chiến đấu chủ lực và xe tăng hạng nhẹ, 2.614 xe bọc thép và xe chiến đấu bộ binh, 26 pháo tự hành, 695 pháo xe kéo, 13 hệ thống pháo phản lực phóng loạt.

Xét về quy mô và mức độ hiện đại thì Lục quân Thái Lan được đánh giá là số 1 Đông Nam Á, họ có trong biên chế xe tăng T-84 Oplot và xe bọc thép BTR-3E mua từ Ukraina, tự sản xuất được pháo phản lực DTI-1 có tầm bắn xa nhất Đông Nam Á…

Không quân Thái Lan có 76 tiêm kích, 95 cường kích, 272 máy bay vận tải, 146 máy bay huấn luyện, 244 trực thăng (trong đó có 7 trực thăng tấn công).

Hải quân Thái Lan là một trong số ít lực lượng sở hữu tàu sân bay, bên cạnh đó là 12 khinh hạm, 5 tàu hộ tống cỡ nhỏ, 27 tàu tuần tra bờ biển và 7 tàu quét mìn.

Điểm yếu lớn nhất của Hải quân Thái Lan là chưa có tàu ngầm, tuy nhiên điều này sẽ sớm được khắc phục trong tương lai gần.

3. Việt Nam: điểm PwrIndx 0,7024

Đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 21 thế giới là Quân đội nhân dân Việt Nam.

Theo Global Firepower, ngân sách quốc phòng của Việt Nam hiện là 3,365 tỷ USD, tổng số quân thường trực vào khoảng 412.000 người cùng với hơn 5 triệu quân dự bị.

Lục quân Việt Nam đang sở hữu 1.470 xe tăng chiến đấu chủ lực và xe tăng hạng nhẹ, 3.150 xe bọc thép và xe chiến đấu bộ binh, 524 pháo tự hành, 2.200 pháo xe kéo và 1.100 hệ thống pháo phản lực phóng loạt.

Không quân Việt Nam được trang bị 217 máy bay tiêm kích/cường kích, 147 máy bay vận tải, 26 máy bay huấn luyện, 140 trực thăng (25 trực thăng tấn công).

Hải quân Việt Nam có trong biên chế 7 khinh hạm, 9 tàu hộ tống cỡ nhỏ, 3 tàu ngầm, 23 tàu tuần tra bờ biển và 8 tàu quét mìn.

Có thể thấy thống kê của Global Firepower có sự chênh lệch khá lớn so với tình hình thực tế của Quân đội Việt Nam hiện nay.

4. Singapore: điểm PwrIndx 0,8584

Quân đội Singapore là lực lượng được trang bị tốt nhất khu vực, tuy nhiên do diện tích lãnh thổ quá nhỏ bé mà phần lớn quân thường trực của họ phải gửi ở nước ngoài. Do đó sức mạnh quân sự của Singapore chỉ đứng thứ 4 khu vực và thứ 26 thế giới.

Singapore có ngân sách quốc phòng rất lớn, lên tới 9,7 tỷ USD, nhưng tổng số quân thường trực chỉ là 71.600 người cùng với hơn 950.000 quân dự bị.

Lục quân Singapore có 212 xe tăng chiến đấu chủ lực và xe tăng hạng nhẹ, 2.192 xe bọc thép và xe chiến đấu bộ binh, 48 pháo tự hành, 262 pháo xe kéo và 18 hệ thống pháo phản lực phóng loạt.

Không quân Singapore được trang bị 119 máy bay tiêm kích/cường kích, 63 máy bay vận tải, 45 máy bay huấn luyện, 71 trực thăng (17 trực thăng tấn công).

Hải quân Singapore có trong biên chế 6 khinh hạm, 6 tàu hộ tống cỡ nhỏ, 6 tàu ngầm, 12 tàu tuần tra bờ biển và 4 tàu quét mìn.

5. Malaysia: điểm PwrIndx 0,9612

Đứng thứ 5 trong danh sách quân đội mạnh nhất Đông Nam Á và thứ 35 thế giới là Quân đội Hoàng gia Malaysia.

Ngân sách quốc phòng của Malaysia hiện là 4,7 tỷ USD, tổng số quân thường trực vào khoảng 110.000 người cùng với hơn 296.500 quân dự bị.

Rất bất ngờ khi Lục quân Malaysia chỉ có 74 xe tăng chiến đấu chủ lực và xe tăng hạng nhẹ, 1.318 xe bọc thép và xe chiến đấu bộ binh, không có pháo tự hành, 184 pháo xe kéo và 54 hệ thống pháo phản lực phóng loạt.

Không quân Malaysia được trang bị 42 máy bay tiêm kích, 55 cường kích, 95 máy bay vận tải, 59 máy bay huấn luyện, 79 trực thăng.

Hải quân Malaysia có 2 khinh hạm, 6 tàu hộ tống cỡ nhỏ, 2 tàu ngầm, 35 tàu tuần tra bờ biển và 4 tàu quét mìn. Tuy số lượng khinh hạm chỉ là 2 chiếc nhưng nhiều tàu tuần tra xa bờ của Malaysia có thể nhanh chóng bổ sung vũ khí để trở thành một chiến hạm thực thụ.

Trí Lê (Theo TRÍ THỨC TRẺ)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề