Giám đốc bỏ trốn và khoảng trống pháp luật

dn_ZWWS.jpg

Những nữ CN đang mang bầu của Cty Pia Toàn Cầu (Q.12, TPHCM) chịu nhiều thiệt thòi vì giám đốc người Hàn Quốc bỏ trốn khi đang nợ lương, BHXH của CN.

“Tôi mất hết cả rồi” – đó là lời của chị Ngọc – công nhân của Cty Keo Hwa Vina (TPHCM) – sau khi giám đốc Cty bỏ trốn. Chị Ngọc nói trong nước mắt với phóng viên Báo Lao Động: “Cả hai vợ chồng làm công nhân ở đây 5 năm, giờ thì tay trắng. Em sắp tới kỳ sinh, lương không có, việc không có, BHYT không có… rồi chẳng biết sẽ phải sinh con như thế nào nữa”.

Không phải một mình chị Ngọc, mà hơn 1.000 công nhân của Cty Keo Hwa Vina đều “mất hết cả rồi”. Họ là những người lao động nghèo, chỉ trông mong vào đồng lương, cho dù đó là đồng lương thê thảm. Giám đốc bỏ trốn, nhưng không ai xử lý được hậu quả để công nhân có được chút quyền lợi dù nhỏ nhất. Thưa ra tòa ư! ai sẽ hầu tòa khi chủ doanh nghiệp (DN) đã về nước, cho dù có người đại diện doanh nghiệp ra tòa và công nhân thắng kiện thì lấy gì thi hành án?

Đã có nhiều vụ giám đốc nước ngoài bỗng dưng biến mất, công nhân đến nhà máy và té ngửa vì bỗng dưng thất nghiệp và mất hết tiền công. Kiện người bỏ trốn không tăm tích thì cũng chẳng khác gì kiện với đầu gối. Tài sản của DN còn đó, nhưng không ai có quyền tháo dỡ đem bán, làm việc gì cũng căn cứ vào luật. Tài sản DN bị niêm phong, để lâu ngày bị hư hỏng, nhưng chính quyền, đoàn thể không có quyền can thiệp bằng cách bán đấu giá để bồi thường một phần thiệt hại cho công nhân.

Thiệt hại của công nhân không chỉ là tiền lương, mà còn BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và nhiều quyền lợi khác.

Tâm sự của một công nhân trên báo Lao Động: “Mình mở cửa cho người ta vào nhà mình làm ăn. Người ta bắt con mình đi làm quần quật, lấy đất đai của mình đặt nhà xưởng, vay tiền của mình làm ăn, bao nhiêu lời lãi họ bỏ túi rồi biến mất. Con mình bơ vơ, đói khát mà mình cũng mặc kệ. Mình làm cha mẹ như vậy thì có được không?”.

Không ai muốn “mặc kệ”, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đều có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho người lao động, nhưng trong trường hợp này, không thực hiện được là do không có quy định của pháp luật liên quan.

Công nhân làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không phải luôn có ưu thế về thu nhập, ngược lại phải đối diện với nhiều rủi ro, trong đó có việc giám đốc bỏ trốn. Tình trạng này không còn cá biệt mà đã phổ biến, gây thiệt hại trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và ảnh hưởng đến toàn xã hội.

Các nhà làm chính sách phải lấp đầy khoảng trống pháp luật khi giám đốc bỏ trốn, khi đó các cơ quan chức năng, đoàn thể mới có công cụ để bảo vệ người lao động.

  (Theo LĐO)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề