Maitram: Thêm vài điều về nước Nga và người Việt tại đó

HM Blog. Còm sỹ Xang Hứng vừa chuyển một email của chị Mai Trâm (Maitram) gửi cho anh, trong thư có nói thêm về nước Nga và người Việt sống tại đó. Đây là bài viết góp thêm ý kiến cho bài của độc TamHmong. Cảm ơn chị Maitram và anh Xang Hứng.

Bác Xang Hứng thân mến,

Nhờ cái đồng hồ “World time” Made in China mới mua mà hôm nay cả gia đình tôi mới có dịp tụ tập đông đủ mừng sinh nhật cháu Trâm.

Paris: 18:00PM. Moscow: 20:00PM. Hanoi: 23:00PM. New York: 1:00PM .

Buôn bán ế ẩm nên hôm nay tôi về sớm đi siêu thị. Đứng ngắm dòng người mệt mỏi, co ro trong cái lạnh đầu của mùa đông mà chắc sẽ còn rất dài của nước Nga “vĩ đại”, lần đầu tiên trong đời, tự nhiên thấy thương cho thân mình.

Mai, con bé út đã hoàn tất kỳ thi kiểm tra đầu năm lớp 11 tại The Beacon School – New York với kết quả tốt. Bố các cháu cũng ổn định công việc tại Hanoi. Ở Paris, Trâm bước vào năm thứ ba Sorbonne Nouvelle.

Chọn một ổ bánh ngọt xinh xắn, một bó Tử Đinh Hương trái mùa của Serbia xong là vội ra xe chạy về. Ngoài đường xe cộ đông nghẹt nên phải mất hơn 1 giờ chen chúc, em mới về được đến nhà.

Mở máy tính lên, cả nhà đã đông đủ ngồi đợi. Hôm nay, nhân vật chính mặc một chiếc váy đỏ sẫm. Nhìn cháu, tôi ngạc nhiên vô cùng, mới có ba tháng mà nay Trâm khác hẳn. Đời sống tự lập đã biến 1 đứa bé mới hôm nào chỉ biết nũng nịu, đòi mẹ kể chuyện cổ tích thành một thiếu nữ trưởng thành. Cũng giống như chuyện cổ tích.

Mỗi người mang đến bữa tiệc món ăn mình chọn. Cả nhà phản đối bé Mai với cái Pizzavà một 1 chai Coke tổ bố. Món Foie Gras béo ngậy và chai Alsace của Trâm bay vèo tức thì. Bố các cháu bày ra món bún thang, một món ăn mà khi sống cùng nhau, mỗi tuần các cháu đều bắt bố đãi.

Cả nhà nâng cốc chúc Trâm ngoan ngoãn, xinh đẹp, học giỏi. Tôi còn đặc biệt dặn cháu: “Có quen hay yêu ai cũng được, nhưng mẹ phản đối quan hệ với bọn tây đen”. Bình đẳng, không phân biệt chủng tộc là lý thuyết, là khẩu hiệu, nhưng em muốn bảo vệ cái gia đình nhỏ bé của mình.

Hệ thống điều hòa nhiệt độ trung tâm luôn giữ cho nhiệt độ trong phòng ở mức 25oC. Nước Nga đang dư thừa khí đốt, chả bù cho Hà Nội mùa đông, nhưng hôm nay em thấy ớn lạnh. Cái lạnh của xa cách người thân, càng lạnh hơn khi nghĩ về tương lai. 25 năm học tập, làm việc tại Nga, một nơi mà em có những lúc đã tưởng đây là “quê hương” thứ hai của mình bỗng trong một khoảnh khắc lại trở nên xa lạ. Liệu có nên đánh đổi sự chia ly này, dù để có đời sống vật chất đầy đủ hơn với cái không khí đầm ấm (thật ra có những lúc nóng chảy mỡ) của Gia Đình không ? Phải tìm ra câu trả lời sớm.

Hôm nay đọc bài của cụ TamHmong về cộng đồng người Việt tại Nga, mặc dù mọi người đã bàn luận rất nhiều rồi nhưng em vẫn muốn nói thêm vài điều nữa về những người đồng hương khốn khổ của mình, những hệ luỵ họ phải chịu đựng trong đời sống thường nhật, về những người bạn nhập cư thuộc dân tộc khác, và cả những người Nga là hàng xóm, là đồng nghiệp. Và cũng muốn lý giải vài điều nho nhỏ với tư cách là 1 người đang sống và làm việc tại Nga.

Thu vàng nuớc Nga. Ảnh: internet

Cộng đồng người Việt ở Nga hiện tại về bản chất đã có thay đổi lớn so với thời gian đầu khi mới hình thành (là thời gian sau khi Liên xô tan vỡ). Thời gian đó, xã hội Nga chưa ổn định, kiệt quệ về mọi mặt, dân chúng còn ngơ ngác sau cơn mê dài 70 năm. Đó là thời của loạn lạc, nhưng cũng là cơ hội cho những người kinh doanh.

Thời kỳ nay làm em liên tưởng đến nước Mỹ sau cuộc nội chiến Bắc – Nam, cũng kiệt quệ, mất mát, nhưng đầy hăm hở, hy vọng, nhiệt huyết và cả liều lĩnh nữa. Xã hội Nga thời đó mở cửa, phóng khoáng, mặc dù còn rất nhiều khiếm khuyết. Những cư dân Việt đầu tiên cũng hoà vào dòng chảy đó.

Những người giỏi giang, liều lĩnh cộng thêm một chút gian manh đã trở thành các ông trùm hay là “soái” như người ta vẫn gọi. Phần còn lại chăm chỉ làm ăn tích luỹ. Thời kỳ này chưa có “giai cấp” trong cộng đồng người Việt cũng như trong xã hội Nga nói chung. Tình hình chính trị của Nga thời kỳ này cũng loạn lạc không kém.

Em nhớ chỉ trong vòng 8 tháng, nước Nga thay đổi 4 đời Thủ tướng ! Nước Nga hoay hoay tìm đủ mọi mô hình kinh tế để rồi đẻ ra một nhóm tài phiệt thao túng toàn bộ. Nhưng xã hội có những biến đổi rõ rệt về chất. Đây là thời kỳ khá thăng hoa về văn học, nghệ thuật. Cộng đồng người Việt và các cộng đồng người nước ngoài khác cũng hăm hở tổ chức những hội đồng hương. Ở thành phố nơi em ở có các hội đồng hương người Afghanistan, Thổ nhĩ kì, Armenia.

Nền kinh tế thị trường của Nga được định hình. Xã hội bắt đầu phân hóa mạnh mẽ. Người nghèo thì vẫn nghèo, nhưng tách ra một lớp người giàu lên một cách bất ngờ. Hãy khoan nói đến việc họ giàu lên là do đâu. Chỉ biết rằng khi có tiền, tài sản thì lớp người này bắt đầu quan tâm đến quyền lực chính trị, đẩy nước Nga đến nguy cơ nội chiến.

Các nước cộng hòa tự trị ở vùng Bắc Kavkaz (Caucasus), mà người dân phần lớn là theo đạo Hồi, đòi quyền độc lập. Đã xảy ra những cuộc chiến tranh cục bộ như cuộc chiến tranh Chechnia kéo dài làm cho tình hình thêm bất ổn. Hàng loạt các tổ chức tội phạm ra đời làm điêu đứng đời sống dân sự.

Điều này lý giải tại sao dân Nga sùng bái Putin, người có công lập lại trật tự ở Nga và thời gian đầu ổn định tình hình chính trị, xã hội, kinh tế, đưa nước Nga lên vị thế cường quốc một thời. Nắm trong tay lực lượng FSB, ông sỹ quan có nghề dẹp hết tất cả các lực lượng chống đối cả tốt lẫn xấu, thu nạp lại những ai quay đầu phục vụ cho quyền lợi của ông. Bằng những thủ pháp nghề nghiệp, ông đã thâu tóm toàn bộ quyền lực, đưa nước Nga quay lại thời toàn trị Sa hoàng. “Quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối” (Lord Acton). Và bi kịch của nước Nga hiện đại bắt đầu

“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, Putin đã may mắn được thượng đế ban đủ cho cả 3 điều kiện này. Với một nền kinh tế chủ yếu là bán tài nguyên thì giá dầu mỏ, khí đốt cao ngất đã làm đầy túi các nhà tài phiệt và bổ sung không ít vào ngân sách. Vì thế các phúc lợi xã hội cũng được cải thiện tốt. Người dân hân hoan, tin tưởng vào Putin và các kế hoạch của ông, rằng nước Nga không cần phát triển nền sản xuất vừa và nhỏ, cũng chả phải sản xuất nông nghiệp, mặc cho các nhà khoa học cảnh báo, nước Nga chỉ sản xuất vũ khí và xuất khẩu tài nguyên.

Nước Nga là một thị trường nhập khẩu khổng lồ. Tất tật ! Từ chiếc tất cho tới áo lông, từ xe đồ chơi cho đến ô tô, từ chiếc kẹo mút cho đến….sơn hào hải vị, nước Nga có đủ mọi thứ nhưng cũng chả có gì của mình cả. Sau một thời kì dài khốn khổ vì nền kinh tế XHCN thiếu thốn đủ bề, có tiền cũng không có hàng để mua, người dân Nga bắt đầu cơn cuồng mua sắm. Đây chính là thời kỳ vàng son của các tiểu thương người Việt.

Bạch dương. Ảnh: Internet

Xã hội Nga ổn định về chính trị (các phe đối lập đã bị triệt tiêu), kinh tế phát triển (giá dầu và khí đốt cao) vì thế tỷ lệ dân chúng Nga ủng hộ Putin cao chót vót. Những tiếng nói phản biện trở nên yếu ớt, có lẽ vì thế đã làm cho Putin ảo tưởng về sức mạnh của mình. Ông ta quên đi bài học cay đắng của Hà Lan một thời.

Nước Nga của Putin quên đi một điều cơ bản chết người rằng, chính nền sản xuất vừa và nhỏ mới là điều cốt lõi trong một nền kinh tế thị trường manh nha. Rằng “có thực mới vực được đạo”. Nền nông nghiệp èo uột, có nghĩa là an ninh lương thực không được bảo đảm. Rằng tài nguyên có thể cạn kiệt, giá dầu mỏ, khí đốt có thể giảm.

Thế nhưng khi tất cả vẫn đang trong cơn mê cuồng, Putin đang ở trên đỉnh cao quyền lực chói lọi, dương dương tự đắc như con ếch đang cố gắng phồng to cái bụng của mình mà không nghĩ rằng nó có thể nổ tung một lúc nào đấy, thì tất cả những lời phản biện đều là ”thế lực thù địch”.

Để củng cố quyền lực của mình, Putin đã xây dựng tập đoàn Saint Petersburg. Những vị trí quan trọng trong chính phủ phải do những người có gốc gác từ Saint Petersburg. Đã có một chuyện cười thế này:

Trước khi bổ nhiệm một cán bộ vào vị trí quan trọng, người phụ trách hỏi anh chàng kia:

– Anh quê ở đâu?

– Kazan.

– Anh tốt nghiệp trường nào?

– Tôi là cựu sinh viên của Plekhanov.

– Thế anh sống ở đâu?

– Moscow, đường Leningradskaia (Leningrad là tên thời xô viết của Saint Petersburg).

– Có thế chứ, người phụ trách thở phào nhẹ nhõm.

Chính cái hệ thống quyền lực này đã giết chết tất cả mọi nỗ lực của người dân. Nhân viên FSB trở thành đám kiêu binh coi trời bằng vung. Dân Nga và cả những người nhập cư nữa không lười, thông minh, nhưng làm được gì khi mà công sức lao động của mình bỏ ra đến một lúc nào đấy có thể sẽ trở thành tai họa chết người nếu như không có sự bảo kê.

Đất đai của Nga phì nhiêu đến thế, lúa mì được thu hoạch về nhưng nhà nước cấm không cho xuất khẩu với lý do đảm bảo an ninh lương thực nhưng lại không chịu thu mua cho nông dân hoặc thu mua với giá rẻ mạt.

Điều này có lợi cho ai ? Cho những doanh nghiệp nhậu khẩu tay to thân tín. Những doanh nghiệp nhỏ chết dần, chết mòn và….. chết hết. Những doanh nghiệp vừa trở thành nhỏ rồi …..chết nốt ! Người Nga chỉ còn lại rượu Vodka để làm vui. Những ai thức thời thì hoặc phải tham gia vào hệ thống đó, hoặc chạy đi nước khác. Những người nhập cư làm được gì đây ?

Khi quyền lực của mình được vuốt ve, được nâng lên tầm Sa hoàng ở nước Nga không làm thỏa mãn Putin được nữa, ông ấy muốn thống trị thế giới. Đến đây bắt đầu câu chuyện của “Ông lão đánh cá và con cá vàng”. Người ta bảo “thêm bạn bớt thù”, còn ông ấy thì “thêm thù bớt bạn”.

Gây hấn với các nước láng giềng anh em, hết với Gruzia đến Ucraina, hết Mỹ đến phương Tây, nước Nga trở nên hung hăng hiếu chiến một cách tuyệt vọng. Bị cấm vận kinh tế giới truyền thông Nga dưới sự giám sát chặt chẽ đã gào lên đổ lỗi tất cả cho Mỹ và phương Tây, mà không hiểu rằng ” tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.

Khi em đang viết những dòng này thì thị trường chứng khoán của Nga thụt giảm kỷ lục, tỷ giá đồng rup/dollar lên đến 43r/1dollar. Trong vòng tháng rưỡi đồng rup mất giá trên 10%. Giá cả tất cả các mặt hàng thiết yếu tăng vọt. Kịch bản năm 1998 quay lại chăng ?

Rừng thu trong sương mờ. Ảnh: Internet

Hai mươi ba năm sau, 2014, cũng vào mùa Thu…Liệu còn có cánh cửa nào cần phải mở nữa cho nước Nga, dân tộc Nga, và cả cho những người nhập cư như tôi ?

Nước Nga, đầu Đông 2014.

Trammai – Gửi từ xứ bạch dương

Theo Blog Hiệu Minh.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề