​Biển Đông và những mẫu số chung “tự nhiên”

Tuần qua, hải quân Trung Quốc lại bắt đầu “đóng cửa” vùng biển Hoàng Sa để tập trận. Cả Biển Đông trở thành “con tin” theo ý muốn của Trung Quốc? Không hẳn thế.

Việc Trung Quốc tháng trước ung dung tuyên bố đã hoàn tất bồi đắp, xây dựng tại bảy bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa rõ ràng tương phản với những phát biểu “thiện chí”, “hữu nghị” của Trung Quốc. Tuyên bố chính thức đó không những đã xác nhận những đồn đại hay tố cáo từ hơn một năm qua, mà còn là thách thức đại ý “đã sao nào?”!

Những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy quá trình Trung Quốc xây dựng phi pháp trên ba bãi đá tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, bao gồm các bãi đá Tư Nghĩa, Gaven và Gạc Ma, cho thấy Trung Quốc đã bồi thêm 75.000m2 đất, tương đương diện tích 14 sân bóng đá, bao gồm hai cầu tàu, một cơ sở lớn và một bãi đáp trực thăng.

Theo chuyên san quốc phòng Kanwa Defense Review, ý đồ của Bắc Kinh là biến bãi đá Gạc Ma thành một hòn đảo nhân tạo với chiều dài 5.000m và chiều rộng 400m để phục vụ mục tiêu cài cắm thêm tiền đồn không quân trên Biển Đông…

Bốn bãi đá còn lại là Chữ Thập, Châu Viên, Vành Khăn và Én Đất. Trong đó, truyền thông Trung Quốc từng loan tin Trung Quốc có kế hoạch biến Chữ Thập thành đảo nhân tạo lớn hơn cả Ba Bình, đảo lớn nhất ở Trường Sa hiện bị Đài Loan chiếm đóng phi pháp, đồng thời xây dựng một sân bay tại đó.

Vụ kiện của Philippines

Việt Nam không là “nạn nhân” duy nhất từ những lấn chiếm của Trung Quốc. Philippines cũng là mục tiêu lấn áp của Trung Quốc dù Philippines cũng đã là quan hệ láng giềng hữu nghị mà biểu tượng cụ thể là 24 cặp thành phố kết nghĩa với nhau, từ Hàng Châu với Baguio City, đến Quảng Châu với Manila City, tới Thượng Hải và Metro Manila… đến khi Trung Quốc dùng vũ lực hất Philippines ra khỏi dải Scarborough vào năm 2012.

Vụ lấy tàu cá vây hãm tàu hải quân, lấn chiếm dải Scarborough đã buộc Philippines vào ngày 22-1-2013 khởi động thủ tục kiện tài phán khi Philippines gửi tới Trung Quốc thông báo và bản yêu sách “liên quan đến tranh chấp với Trung Quốc đối với quyền tài phán trên biển của Philippines ở vùng Biển Tây Philippines”.

Trung Quốc đã phản ứng phủ định bằng cách trả lại thông báo của Philippines vào ngày 19-2-2013 đồng thời gửi Philippines công hàm ngoại giao, trong đó đưa ra “Quan điểm của Trung Quốc đối với các vấn đề ở Biển Đông”, nêu quan điểm không chấp nhận cũng như không tham gia quá trình tố tụng trọng tài này. Liên tiếp sau đó, Trung Quốc đã tái khẳng định quan điểm này trong các công hàm ngoại giao, các tuyên bố chính thức.

Tuy nhiên, không vì thế mà tòa trọng tài thường trực không thụ lý đơn kiện của Philippines.

Chiếu điều 9 của phụ lục VII Công ước quy định rằng “Khi một trong số các bên trong vụ tranh chấp không ra tòa hoặc không trình bày các lý lẽ của mình, thì bên kia có thể yêu cầu tòa tiếp tục trình tự tố tụng và phán quyết. Việc một bên vắng mặt hay việc một bên không trình bày các lý lẽ của mình không cản trở trình tự tố tụng”.

Tất nhiên, do Trung Quốc lập luận rằng vụ kiện của Philippines nằm ngoài phạm vi thẩm quyền của tòa trọng tài, nên tòa trọng tài đã quyết định mở phiên sơ thẩm để xác định phạm vi thẩm quyền và khả năng thụ lý các khiếu tố của Philippines, không những tòa có thẩm quyền xét xử vụ tranh chấp mà còn tuyên chắc rằng đơn kiện có cơ sở về mặt thực tế pháp lý. Đó là ý nghĩa của phiên xét hỏi bắt đầu từ ngày 13-7-2015.

Trong những ngày tòa trọng tài xét hỏi, Trung Quốc đã ra rả trên báo chí rằng “việc Philippines cậy đến tòa trọng tài thường trực là phản bội thỏa thuận giữa hai nước là giải quyết song phương”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh còn lớn tiếng cho rằng quyết định này của Philippines còn đi ngược với Tuyên bố của ASEAN về ứng xử trên Biển Đông (DOC) năm 2002 (Tuyên bố 2002), theo đó các bất đồng phải được giải quyết bằng cách tiến hành đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia trực tiếp liên quan….

Phản bác lập luận này, luật sư của Philippines giải thích trước tòa rằng Tuyên bố năm 2002 không phải là một thỏa thuận có tính ràng buộc về pháp lý, một thực tiễn mà Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định. Hơn nữa, Philippines lập luận Tuyên bố 2002 không chứa bất kỳ nội dung nào có thể được hiểu là loại trừ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, và bản thân Tuyên bố cũng dẫn chiếu đến việc giải quyết tranh chấp theo quy định của công ước.

Tương tự, theo phía Philippines, mặc dù Hiệp ước thân thiện và hợp tác là một thỏa thuận có tính ràng buộc giữa các bên, bản thân hiệp ước cũng đã khẳng định về khả năng sử dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp khác.

Nhật Bản: một “nạn nhân” khác

Tuần qua, Nhật đã công bố Sách trắng quốc phòng nêu rõ mối đe dọa từ Trung Quốc, đặc biệt lưu ý và yêu cầu Trung Quốc dừng xây dựng một trạm nổi ngoài khơi được cho là có thể sử dụng cho “các mục đích quân sự” gần đường phân định ranh giới giữa bờ biển của Trung Quốc và bờ biển của Nhật Bản ở biển Hoa Đông.

Sách trắng nêu rõ Nhật Bản “đã nhiều lần phản đối” hành động đơn phương của Bắc Kinh gây quan ngại của quốc tế về ý đồ của Trung Quốc thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông cũng như Biển Đông.

Hôm 25-7, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách tuyên bố nước này có mọi quyền khoan dầu khí ở biển Hoa Đông, gần vùng biển tranh chấp với Nhật và không công nhận trung tuyến mà Nhật đặt ra làm ranh giới giữa hai nước trên vùng biển này. Được biết, hiện Trung Quốc đang có 16 giàn khoan tại khu vực này.

…Trước tham vọng thống trị cả châu Á – Thái Bình Dương của Trung Quốc, đương nhiên phải có những mẫu số chung “tự nhiên” giữa các nỗ lực vì sự sống còn của từng nước…

Cuộc họp báo ngày 21-7 của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nakatani đã làm rõ thêm vấn đề này. Trả lời câu hỏi về ý nghĩa của chương mới nói về các diễn biến trên biển trong Sách trắng này, Bộ trưởng Nakatani đã giải thích: “Trong Sách trắng quốc phòng năm nay, thoạt đầu chúng tôi viết rằng việc Trung Quốc xây dựng một cơ sở trên đại dương bên phía Trung Quốc trên đường phân dịnh giữa Nhật và Trung Quốc ở biển Hoa Đông là một điều đã được xác định, và rằng Chính phủ Nhật đã liên tiếp phản đối cùng kêu gọi ngưng xây dựng.

Chúng tôi cũng đã viết rằng Trung Quốc đang ra sức bồi đắp một cách nhanh chóng và quy mô lớn trên bảy bãi đá ở Trường Sa, đang tiếp tục phát triển hạ tầng như phi đạo, bến cảng…, khiến cộng đồng quốc tế phải bày tỏ quan ngại.

Do có các diễn biến mới đó, chúng tôi đã bổ sung một chương tuyên cáo xác định rằng “Trung Quốc đã tiếp tục những hành động lấn chiếm khẳng định chủ quyền”, và rằng “Trung Quốc đã loan báo lập trường của họ là hoàn tất các việc lấn chiếm khẳng định chủ quyền đó mà không thông qua bất cứ thỏa hiệp nào”.

Thành ra, chúng tôi đã chẳng hề thay đổi gì trong cảm nhận căn bản của chúng tôi là các diễn biến quân sự ở Trung Quốc, cùng với sự thiếu minh bạch trong các vấn đề quan sự và an ninh vẫn là một mối quan ngại cho khu vực…”.

Tất nhiên, Nhật không chỉ phản đối bằng lời lẽ. Trong nỗ lực đối phó Trung Quốc, hôm 30-6 Chính phủ Nhật Bản quyết định điều thêm sáu tàu cỡ lớn để tăng cường tuần tra vùng biển Senkaku/Điếu Ngư. Hiện Tokyo đang có sáu tàu hoạt động ở vùng biển trên.

Các quan chức Chính phủ Nhật còn cho biết thêm khoảng 650 binh sĩ Nhật Bản cũng sẽ nhận lệnh điều động tới đó đảm trách hoạt động tuần tra. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng tăng cường phòng thủ quanh đảo Yonaguni ở cực tây nam nước này và có vị trí gần với Đài Loan.

Hôm 16-7, đô đốc Katsutoshi Kawano, tổng tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF), từ Washington cho biết Nhật Bản nhiều khả năng sẽ tuần tra và giám sát Biển Đông. Phát biểu của đô đốc Kawano được đưa ra sau khi Hạ viện Nhật Bản thông qua dự luật an ninh mới, trong đó cho phép quân đội nước này chiến đấu ở nước ngoài, lần đầu kể từ Thế chiến thứ hai.

ASEAN nhận thức sâu sắc hơn

Ngày 10-5, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã ra tuyên bố chung về tình hình Biển Đông. Các bộ trưởng yêu cầu các bên liên quan, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, thực hiện kiềm chế và tránh có các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định ở khu vực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Các bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, cũng như Tuyên bố nguyên tắc sáu điểm của ASEAN về Biển Đông và Tuyên bố chung cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 15 kỷ niệm 10 năm DOC.

Các bộ trưởng đồng thời kêu gọi tất cả các bên tham gia DOC thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC nhằm tạo môi trường tin cậy và xây dựng lòng tin. Các bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Nếu so với hội nghị các ngoại trưởng ASEAN năm 2012 ở Phnom Penh, rõ ràng đã có những nhận thức sâu sắc hơn trong từng nước ASEAN và trong cả tập thể ASEAN, trên cơ sở nguyên tắc đồng thuận và “thống nhất trong đa dạng”. Chuyển biến này càng cho thấy ASEAN, một cộng đồng dựa trên ba trụ cột chính trị – an ninh, kinh tế và văn hóa – xã hội, đã và đang đích thực là một trụ cột chính trị – an ninh cho các nước thành viên.

20 năm trước, khi Việt Nam được kết nạp vào ASEAN tại Brunei, có ai ngờ rằng có một ngày Việt Nam và ASEAN sẽ phải ngồi lại cùng nhau vì vấn đề Biển Đông. Các cuộc họp của ASEAN tại Kuala Lumpur từ đầu tháng 8 này, trong đó có Diễn đàn an ninh của ASEAN, sẽ cho thấy các nỗ lực chung của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực (Tất nhiên, không loại trừ khả năng phân hóa một lần nữa ASEAN như đã từng thấy ở Phnom Penh).

Tham vọng của Trung Quốc không chỉ đóng khung trên Biển Đông mà còn trên cả Thái Bình Dương. Trên bề nổi, cục diện có vẻ như là cuộc tranh chấp thế lực giữa Trung Quốc và Mỹ để rồi từ đó hình thành các vòng tròn vệ tinh. Song bản chất và nguồn gốc của vấn đề chính là: ý đồ và tham vọng thống trị cả châu Á – Thái Bình Dương của Trung Quốc tùy ý thể hiện với từng nước, bất luận là nước nào, ở đâu.
Trong bối cảnh đó, đương nhiên phải có những mẫu số chung “tự nhiên” giữa các nỗ lực vì sự sống còn của từng nước… Tại sao trong một cuộc đua xe đạp, các cuarơ cứ “xếp hàng dọc” mà đạp sau tay đua dẫn đầu? Chẳng qua để núp gió đó thôi! Chẳng ai cấm “núp gió” cả!

Trí Lê (Theo Tuổi trẻ)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề