Nga đổi hàng lấy dầu thô Iran

Nga và Iran là hai nước sản xuất dầu thô đồng thời bị phương Tây cấm vận. Trong bối cảnh giá dầu giảm, hai nước đã quyết định bắt tay với nhau.

Nga sản xuất 10,5 triệu thùng/ngày, tức 11% nhu cầu thế giới. Hơn 50% nguồn thu ngân sách của Nga đến từ dầu mỏ. Theo số liệu của Nga, do giá dầu giảm 30%, Nga đã bị thiệt hại mỗi năm 90-100 tỉ USD.

Về phía Iran, giá dầu giảm khiến nguồn thu ngân sách giảm 8%-10%.

Vài tuần sau khi hai nước ký kết hợp đồng xây dựng các lò phản ứng hạt nhân, Nga đã quan tâm đến dầu thô Iran.

Cuối tuần trước, Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev đã đến Tehran. Sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Iran Ali Tayebnia, ông tuyên bố Nga và Iran sẽ ký hợp đồng hàng đổi hàng trị giá gần 1,5 tỉ USD.

Hãng tin RIA Novosti (Nga) cho biết với hợp đồng này, Iran sẽ xuất khẩu mỗi ngày khoảng 500.000 thùng dầu thô sang Nga. Đổi lại, Nga sẽ cung ứng cho Iran các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp Iran cần. Hợp đồng này sẽ giúp Iran tăng giá trị xuất khẩu 50%.

Hiện thời hai bên đang đàm phán cụ thể về các mặt hàng có liên quan. Trong số này ngoài ngũ cốc còn có các thiết bị cho ngành công nghiệp dầu khí, thiết bị vận tải (xe ô tô, tàu hỏa, máy bay), máy công cụ.

Saudi Arabia quyết không giảm sản lượng khai thác dầu. Nga đành chịu thúc thủ. Biếm họa của báo DE VOLKSKRANT (Hà Lan)
Ngoài ra, Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev còn cho biết Ngân hàng Trung ương của Nga và Iran cũng sẽ nghiên cứu để tiến đến sử dụng nội tệ trong giao dịch thương mại giữa hai nước.

Trong khi đó, kênh truyền hình CNBC của Mỹ ngày 2-12 nhận định sau khi giá dầu thô giảm, trò chơi xem như đã hết đối với Venezuela.

Dầu thô chiếm 95% doanh số xuất khẩu của Venezuela. Khi giá dầu giảm còn 70 USD/thùng, dự báo Venezuela sẽ lún sâu trong bất ổn chính trị.

Các cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra từ đầu năm 2014 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế. Venezuela đã đối mặt với vấn đề khan hiếm nhu yếu phẩm như giấy vệ sinh, kem đánh răng.

Các chuyên gia dự báo tình hình sẽ còn tệ hại hơn trong quý I-2015. Nhà kinh tế Angel Garcia Banchs ở Venezuela nhận định năm 2015 là năm khan hiếm hàng tột đỉnh, bạo lực và hôi của sẽ gia tăng.

Trong vài năm trở lại đây, khi giá dầu nằm trên ngưỡng 100 USD/thùng, chính phủ Venezuela đã bơm nguồn lợi từ dầu hỗ trợ cho các chính sách xã hội. Đến khi giá dầu giảm thì vấn đề trở nên tệ hại hơn.

Khi giá dầu giảm, chính phủ không còn lựa chọn nào khác ngoài tăng thuế, kiểm soát giá cả, hủy bỏ các chính sách trợ giá xăng dầu.

Chuyên gia Diego Moya-Ocampos nhận định viễn ảnh này sẽ làm gia tăng nguy cơ xảy ra biểu tình và biểu tình có thể leo thang thành xung đột như năm 1989. Lúc đó, quân đội sẽ can thiệp nhằm bảo đảm ổn định chính trị.

Ngoài giá dầu thô giảm, Venezuela còn đối mặt với mối đe dọa khác. Dự kiến vào tháng 1-2015, đảng Cộng hòa sẽ xem xét dự luật xây dựng đường ống Keystone ZL chuyển dầu từ Canada vào Mỹ.

Nếu dự luật này được thông qua, Mỹ có thể nhập khẩu dầu thô Canada thay thế cho dầu thô Venezuela.


Tại hội nghị bàn tròn ở Washington hôm 1-12 (giờ địa phương), Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Christine Lagarde nhận định giá dầu giảm thì có người thắng, kẻ thua nhưng đây là tin tốt lành cho kinh tế thế giới. Bà giải thích khi giá dầu lao dốc 30%, hầu hết nền kinh tế phát triển nhập khẩu dầu sẽ tăng trưởng thêm 0,8%. Bà thừa nhận các nước xuất khẩu dầu sẽ bị thiệt hại nhưng một số nước đã tính toán trước thiệt hại này.


Chúng tôi biết các cuộc đàm phán Nga-Iran về nhiều lĩnh vực hợp tác kinh tế… Chúng tôi không nắm chi tiết nội dung đàm phán nhưng chúng tôi nghi ngờ đã có vi phạm cấm vận… Mỹ có thể mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga do các hợp đồng Nga ký kết với Iran.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki phát biểu đêm 1-12

Nguồn: Pháp Luật


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề