Yêu nước và thương nòi

Người Việt có yêu nước không? Ấy, bạn khoan vội nhảy nhổm lên vì câu hỏi có vẻ “phạm thượng” này. Dù đã được khắc ghi vào trí não từ bé và tin như đinh đóng cột rằng, trải qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, từng bao phen đánh thắng mấy đế quốc to nên nhân dân ta luôn luôn có truyền thống yêu nước nồng nàn… thì bạn cũng hãy thử một lần bình tâm suy nghĩ về những điều có vẻ trái tai dưới đây.

Tôi có người bạn vong niên là giáo viên có thâm niên hàng chục năm dạy học và luôn có ý thức truyền ngọn lửa yêu nước cho học trò của mình. Cho đến một ngày, một người bạn nước ngoài trong lúc tâm tình nêu ra một nhận xét làm ông choáng váng: “Tôi thấy người Việt Nam các ông không yêu nước. Yêu nước sao người Việt lại đi làm hại lẫn nhau?”. Rồi người bạn nước ngoài ấy dẫn ra hàng loạt ví dụ về việc người Việt đang hại người Việt như thế nào.

Từ việc người nông dân trồng rau chia hai, luống để nhà mình ăn, không phun thuốc trừ sâu và những luống khác để bán, tha hồ phun thuốc cho rau có vẻ xanh tốt, mặc cho đồng bào mình mua về ăn và bị đầu độc đến người trồng cây ăn trái thoải mái phun thuốc trừ sâu cho cây, mặc cho người tiêu dùng là đồng bào của mình ăn trái cây phải nuốt cả chất độc vào người; người chăn nuôi vô tư sử dụng thuốc tăng trọng, chất tạo nạc và những thứ chất cấm khác, trước khi giết mổ thì bơm nước, chích thuốc an thần cho heo bò, bất chấp tác hại đến sức khỏe đồng bào mình ra sao.

Từ việc người buôn bán, vì đồng lời, bất chấp lương tri, nhập hàng độc hại từ nước ngoài về bán, giết lần giết mòn đồng bào mình đến việc người công nhân, để trả thù ông chủ, tìm cách ăn cắp linh kiện trong nhà máy hay lén bỏ đinh vào thủy sản xuất khẩu, làm hại cả ông chủ lẫn nền kinh tế đất nước. Từ những quan chức nhà nước được cử đi nước ngoài làm nhiệm vụ quảng bá hình ảnh đất nước nhưng không lo làm tròn trách nhiệm của mình, làm vinh danh đất nước mà chỉ lo vun xén, dùng thời gian tha hồ mua sắm, mặc cho hình ảnh đất nước bị tổn hại ra sao; đến những quan chức hoặc chỉ lo khai thác chiếc ghế của mình để làm giàu cho bản thân và phe cánh, mặc cho dân tình đói khổ hoặc chạy theo thành tích, những thứ phô trương hình thức, viển vông mà quên đi cuộc sống còn lầm than của người dân.

Còn nhiều, rất nhiều những ví dụ tương tự. Hàng ngày hàng giờ, người ta vẫn nói yêu nước, hô hào yêu nước, nhưng không ít người, kể cả cán bộ có chức quyền lại đang bỏ quên hoặc làm hại đồng bào mình, nòi giống mình. Yêu nước không đi đôi với thương nòi, thương yêu chính đồng bào mình.

“Kình ngư” Ánh Viên và niềm vinh quang mang về cho đất nước. Ảnh Zing

“Kình ngư” Ánh Viên và niềm vinh quang mang về cho đất nước. Ảnh Zing

Bởi từ xưa cha ông ta đã nói: “Yêu nước, thương nòi”. Hai vế luôn đi liền với nhau. Yêu nước phải đi liền, không tách rời với thương nòi, thương yêu đồng bào mình, làm gì cũng không để hại cho đồng bào mình. Đó là đạo lý từ ngàn xưa của dân tộc. Cũng vậy, trong “Năm điều Bác Hồ dạy thiếu nhi”, điều đầu tiên cũng nói: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”. Đó là điều hoàn toàn dễ hiểu, vì nước, Tổ quốc – ngoài lãnh thổ ra – thì quan trọng nhất là con người, là nhân dân, là đồng bào, là những người cùng nòi giống, cùng dòng máu đang làm chủ mảnh đất này.

Chân lý đơn giản như vậy nhưng lại rất thường bị quên lãng khi người ta chỉ thường hay nhắc nhở, nhấn mạnh lòng yêu nước qua sự hy sinh trong chiến tranh, lúc đối mặt với quân thù, khi sự sống và cái chết chỉ cách nhau cái chớp mắt mà không nhấn mạnh, đề cao đủ việc phải sống ra sao cho hợp đạo lý với chính đồng bào của mình ngay trong thời bình, ngay trong cuộc sống thường ngày. Chết vì Tổ quốc là cái chết vinh quang, ta thường được nhắc nhở như vậy. Nhưng hàng ngày, sống tử tế với đồng bào mình, không làm gì hại đến giống nòi, làm gì cũng nghĩ đến ảnh hưởng tới đồng bào mình, đất nước mình, điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng. Đứng trước sự lựa chọn hoặc làm lợi cho mình mà hại cho đồng bào mình hay ngược lại, dù thế nào cũng không làm bất cứ điều gì hại tới đồng bào mình, nó đòi hỏi người ta phải tính toán thiệt hơn và sự lựa chọn không làm gì hại tới đồng bào mình không hề dễ dàng và thua kém về mặt giá trị so với sự hy sinh ngoài trận tiền, dù đây là hành động âm thầm, không được vinh quang theo nghĩa được nhiều người biết đến và tụng ca.

Chết vì Tổ quốc là cái chết vinh quang, ta thường được nhắc nhở như vậy. Nhưng hàng ngày, sống tử tế với đồng bào mình, không làm gì hại đến giống nòi, làm gì cũng nghĩ đến ảnh hưởng tới đồng bào mình, đất nước mình, điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Trở lại với câu hỏi “Người Việt có yêu nước không?”. Có, người Việt có yêu nước, nhất là trong chiến tranh giành độc lập, trong chiến đấu với kẻ thù bên ngoài để gìn giữ hoặc giành lại chủ quyền đã mất. Nhưng mặt khác, nếu người Việt biết yêu nước bằng cách yêu thương đồng bào mình, yêu thương giống nòi hơn trong thời bình và tránh làm hại nhau thì đất nước có thể đã có nhiều cơ hội phát triển hơn. Yêu nước trong thời bình đòi hỏi những nội dung, những phẩm chất, những giá trị khác với thời chiến. Nó không đòi hỏi hy sinh mạng sống trong tích tắc nhưng lại đòi hỏi lòng yêu thương thực sự đồng bào, giống nòi, đất nước mình trong từng khoảnh khắc. Yêu nước trong thời bình cần nhấn mạnh vào nội hàm thương nòi, thương dân một cách cụ thể. Một quan chức không thể miệng nói yêu nước mà không biết đến cuộc sống còn lầm than của nhiều người dân, hoặc tệ hơn nữa, làm hại dân. Một người bình thường không thể miệng nói yêu nước mà làm hại đồng bào mình.

Có lẽ chính vì đánh giá cao ý thức, nỗ lực, giá trị của từng con người trong việc mưu lợi cho đồng bào, cho đất nước qua từng hành động cụ thể trong cuộc sống thường ngày mà nhiều người đã hết sức đồng cảm và khâm phục cách suy nghĩ và phát biểu tưởng chừng đơn giản nhưng thật sâu sắc của cô gái Cần Thơ 19 tuổi, kình ngư Ánh Viên, khi cô nói sau khi đoạt huy chương vàng và phá kỷ lục 200m bướm ở đấu trường SEA Games: “Tôi khóc vì không hài lòng với chính mình, bởi bản thân tôi đã mắc một số lỗi không thể chấp nhận được. Tôi đã đạt sáu huy chương vàng và phá bảy kỷ lục SEA Games nhưng tôi sẽ không ngừng phấn đấu mỗi ngày. Khi tôi hài lòng với những gì mình đạt được, chính tôi đã là kẻ thất bại ngay lúc này, chứ không cần phải chờ tới ngày mai. Khi chuẩn bị thi đấu, tôi không nghĩ gì về những chiến thắng đã đạt được, tôi lao xuống nước và nỗ lực như mình chưa giành được gì”.

Giá mà người nào trong chúng ta cũng nghĩ và làm được như cô gái 19 tuổi này, lúc nào cũng thấy mình làm chưa đủ cho giống nòi, cho đất nước thì có lẽ đất nước không lo gì không có cơ hội phát triển.

Vũ Văn (Theo Người Đô thị)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề