Từ 1.3.2016: 1.800 dịch vụ y tế tăng giá
Liên Bộ Y tế – Tài chính vừa ban hành Thông tư liên lịch Quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Từ tháng 3.2016 sẽ có hơn 1.800 dịch vụ y tế được tăng giá, với mức tăng từ 2-7 lần. Thông tin này khiến những người chưa có BHYT lo lắng, đứng ngồi không yên.

Nỗi lo của những người chưa có BHYT

Theo đó, giá dịch vụ khám chữa bệnh bao gồm: Giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá dịch vụ ngày giường điều trị, giá dịch vụ kỹ thuật. Mức giá gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù được thực hiện từ ngày 1.3.2016, còn mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù, và tiền lương được thực hiện từ ngày 1.7.2016.

Cụ thể như tiền khám tối đa ở bệnh viện hạng 1 là 20.000 đồng/lượt, giá mới sẽ là 40.000 đồng/lượt. Tại các bệnh viện hạng 3, hạng 4, tiền khám 7.000 đồng/lượt, giá mới sẽ là 30.000 đồng/lượt. Tiền giường nội khoa loại 1, bệnh viện hạng 1 hiện là 80.000 đồng/giường/ngày, giá mới sẽ là 215.000 đồng/giường/ngày, bệnh viện hạng 4 tăng từ 55.000 đồng/giường/ngày lên 165.000 đồng/giường/ngày. Giường hồi sức ở bệnh viện đặc biệt tăng từ 335.000 đồng/giường/ngày lên 677.000 đồng/giường/ngày. Đối với giá dịch vụ rửa dạ dày tăng từ 30.000 đồng/lần lên 106.000 đồng/lần. Dịch vụ lọc màng bụng cho người suy thận tăng từ 300.000 đồng/lần lên 379.000 đồng/lần.

Theo phân tích từ Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được lợi đầu tiên vì được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng tốt hơn. Trước đây, nhiều dịch vụ do mức thu thấp, các bệnh viện không có kinh phí triển khai, nay được điều chỉnh mức thu nên sẽ được triển khai, người bệnh BHYT sẽ được hưởng do những chi phí đó hầu hết được bảo hiểm xã hội thanh toán, làm tăng quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, đối với những người chưa có BHYT, việc tăng giá dịch vụ y tế là một nỗi lo lớn. Đến thời điểm này, nước ta vẫn còn gần 60% người cận nghèo chưa có thẻ BHYT. Hiện nay, khoảng 70% dân số nước ta đã có thẻ BHYT. Tuy nhiên, giá dịch vụ y tế mới sẽ tác động mạnh đến nhóm người chưa có thẻ BHYT. Nhóm này khoảng 27 triệu người, chiếm 30% dân số. Bệnh nhân Nguyễn Thị Luyến (50 tuổi, Hà Nội) đang điều trị bệnh ung thư vú tại BV Ung Bướu Hà Nội cho biết: “Tôi không có BHYT, điều trị bệnh quá tốn kém rồi, mất hàng trăm triệu rồi. Nếu bây giờ giá dịch vụ y tế mà tăng nữa thì chắc là gia đình tôi không kham nổi nữa”.

Nhiều người dân cho rằng, giá dịch vụ y tế tăng thì chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng khám chữa bệnh nên tăng theo. Ông Nguyễn Hải Trường (64 tuổi – Quảng Ninh), đang điều trị tại khoa Tim mạch, BV Bạch Mai than thở: “Nhà nước tăng giá cái gì thì chúng tôi phải thực hiện theo thôi. Nhưng tôi chỉ mong sao giá dịch vụ y tế tăng thì chất lượng y tế cũng tăng lên chứ bệnh nhân chúng tôi khổ quá”.

Người chưa có thẻ BHYT vẫn được áp dụng giá viện phí cũ
Viện phí tăng sẽ có lợi cho nhóm người có BHYT. Ảnh: Kỳ Anh 

Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế cho biết: Khi ban hành quy định tăng giá viện phí, chúng tôi cũng đã tính đến phương án dành cho người dân chưa tham gia BHYT. Với đối tượng này, trong thời gian tới (từ ngày 1.3), chi phí dịch vụ khám chữa bệnh vẫn được giữ nguyên như giá hiện tại, thấp hơn so với người bệnh có thẻ BHYT.

Bộ Y tế cho rằng, nếu thực hiện tăng ngay phí khám chữa bệnh với người chưa có thẻ BHYT sẽ gây gánh nặng lớn cho họ khi ốm đau, đồng thời, cũng dành thời gian để vận động họ mua thẻ BHYT. Dự kiến trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ ban hành bảng giá dịch vụ khám chữa bệnh cho người bệnh không tham gia BHYT, ngoài các chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương còn có chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Khi đó, người dân chưa tham gia BHYT sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì phải chi trả cho các khoản cấu thành giá trước đây được Nhà nước bao cấp.Trả lời PV về lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phân tích: Điều chỉnh giá dịch vụ y tế để dần tiến đến giá trị thực của dịch vụ y tế. Giá trị thật thì chất lượng thật. Nghị quyết của Quốc hội, của T.Ư là giá dịch vụ công, đặc biệt là giá dịch vụ y tế phải tiến đến lộ trình tính đúng, tính đủ trước 2020. Điều chỉnh giá dịch vụ gắn với chủ trương hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào sống ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo thông qua BHYT. Có cả quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo, trong đó giúp đỡ về tiền đi lại, tiền ăn, ở, tiền vận chuyển. Phải có thời gian để người dân nhận thức được cái này và tham gia BH bằng hình thức tự nguyện. Khi giá dịch vụ tính đúng tính đủ thì có lợi nhất là những người dân có BHYT. Nhà nước sẽ không phải bao cấp cho những cơ sở đó nữa, mọi chi phí bảo hiểm chi trả.

“Xây dựng Luật BHYT điều chỉnh và lộ trình BHYT toàn dân, hướng lợi cho người nghèo. Nhà nước mua BHYT cho người nghèo 100%, người cận nghèo hỗ trợ 70%, đối với các đối tượng khác cũng như vậy. Đó là một trong những đổi mới của ngành y tế” – Bộ trưởng Tiến nói.

Theo laodong.com.vn


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề