Tết của người Mường tại Hòa Bình có gì đặc biệt?

Người Mường gọi là: Thết Năm mởi – dịch sang tiếng phổ thông là: Tết Năm mới, người Kinh gọi là Tết Nguyên đán.

Người Mường ăn tết trong 8 ngày

Theo phong tục truyền thống, người Mường ăn Tết cổ truyền kéo dài 7 ngày (thực chất là 8) ngày, bắt đầu từ 30 tháng chạp năm cũ đến hết ngày mồng 7 tháng giêng. Lịch Mường xưa là lịch tính theo tuần trăng, song cách tính khác chút với người Kinh, tính “ngày lui, tháng tới”.

Cách tính lịch của người Mường vẫn tính theo âm lịch, tuy nhiên lại lùi lại 1 ngày. Theo như lịchâm thông thường, ngày mồng một đầu tháng của người âm lịch không có trăng, song ngày mồng 1 lịch Mường đã cói trăng non, nghĩa là tính đúng theo tuần trăng. Cũng theo cách tính lùi như vậy, ngày 14 là ngày trăng tròn.

Người Mường có phong tục trồng cây nêu ngay cạnh ngõ ra vào, trong sân hay phía trước của ngôi nhà sàn. Cây nêu là một biểu tượng, một nét riêng trong văn hóa người Mường. Chuyện kể rằng, từ ngàn xưa, thuở hồng hoang mệ vua Hoàng Bà đi đánh quỷ, lũ quỷ thua to bỏ chạy, theo chỉ dạy của mệ vua các nhà đều cắm một cây nêu để báo tin thắng trận và nhận đất đai cho dân Mường.

   Tết của người Mường tại Hòa Bình có gì đặc biệt? - Ảnh 1

Cây nêu được dựng lên ở mỗi nhà mỗi khi tết đến. Ảnh internet.

Sau này nó có ý nghĩa là sự báo cáo với đất, trời về sự tồn tại của gia đình mình và cũng là trấn tà không cho lũ quỷ thâm nhập vào nhà. Tục lệ này được duy trì đến ngày nay và cây nêu được cắm mỗi khi Tết đến, xuân về với ý nghĩa như trên.

Tại các địa phương như Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, phong tục này vẫn được duy trì cho tới ngày nay.

Khác với người kinh thường đến khu mồ mả của tổ tiên để dọn dẹp và mời các cụ về ăn tết vào ngày 22,23 tháng chạp. Thì người Mường lại làm điều đó vào ngày 27 tháng chạp. Toàn bộ con cháu trong gia đình, dòng họ tập chung nhau lại, mang theo cuốc, xẻng, dao, đến đề dọn dẹp phần mộ của tổ tiên, đắp những phần bị sạt lở, phát đi những cây cỏ mọc dại trên phần mộ.

Ngày 27 tháng chạp ở vùng Lạc Sơn còn gọi là ngày tha lả – rửa lá: Các chị em phụ nữa mang toàn bộ bát đũa, xoong, nồi, lá dong… ra sông, suối rửa sạch sẽ. Cai viếng đồ cơm hàng ngày trong suốt năm hôm ấy được cọ rửa sạch sẽ và người ta thay khưa viếng mới… Các nông cụ như: cày, bừa, cuốc, xẻng cũng được rửa sạch sẽ để chúng cùng ăn Tết… Đây là hình thức tẩy trần, sạch sẽ để đồ vật và con người cùng đón năm mới, như thế mới gặp nhiều may mắn, an lành.

Bánh chưng, bánh uôi và thịt chua

Thông thường vào giữa hay nửa cuối tháng chạp, nhiều gia đình đã bắt đầu chặt nứa hay cây dang loại bánh tẻ về để tước, chẻ lạt gói bánh chưng, làm cặp nướng thịt.

Bánh chưng của người Mường về hình thức không giống như bánh của người Kinh. Bánh của người Mường làm bằng lá dong và lá chít, thân bánh hình dài và ít nhân. Theo những người cao tuổi ở đây, bánh dài sẽ để được lâu hơn và khi ăn sẽ rất tiện trong việc cắt bánh.

Một trong những đặc sản mà người Mường mời khách vào ngày tết này đó là món thịt chua. Thịt chua được làm từ 2 thành phần chính: thịt và thính xay mịn, cùng với đó là những nguyên liệu riêng, nhằm tạo ra một hương vị đặc trưng chỉ có ở vùng sơn nước Hòa Bình.

   Tết của người Mường tại Hòa Bình có gì đặc biệt? - Ảnh 2

Món thịt chua của người Mường nơi đây.

Thịt chua thường được ăn cùng với nhiều loại rau sống, như rau mơ, lá sung, rau đinh lăng… Ngoài ra có thể kèm rau húng, bạc hà, rau mùi tùy thích. Thịt chua không ăn cùng với nước chấm pha loãng mà phải chấm với tương ớt mới đúng điệu. Ăn đến đâu là tưởng như quên trời quên đất đến đó. Bởi cái vị béo ngậy của mỡ lợn lửng, cái vị ngọt của thịt nạc, cái vị giòn của bì, vị mặn vừa của gia vị ướp cùng, pha lẫn vị chua lên men tự nhiên, rồi vị cay cay của ớt, vị chát của các loại rau, và đọng lại sau cùng là vị thơm lừng của thính.

Ngoài bánh chưng và thịt chua, thì bánh uôi cũng là một thứ không thể thiếu trong mâm cỗ của người Mường. . Bánh có rất nhiều tên gọi khá hay, ý nghĩa và mĩ miều khác như bánh tình yêu, bánh cặp, bánh vợ chồng hay bánh đoàn kết.

Nguyên liệu chính để làm nên loại bánh thơm ngon này là bột gạo nếp nương. Loại bánh rất giản dị, có hình dáng và hương vị rất đặc biệt đem lại sự thích thú cho người ăn. Bánh uôi có hai loại bánh nhân mặn và bánh ngọt. Bánh nhân ngọt được làm từ hạt nho nhe (một loại hạt có ở xứ Mường, Hòa Bình) hoặc từ đậu xanh. Còn nhân mặn sẽ có thịt lợn tẩm ướp gia vị.

Người Mường thường thịt lợn để ăn tết, mỗi phần thịt sẽ được chế biến các món khác nhau, từ bánh chứng, thịt chua đều phải dùng tới thịt lợn. Người Mường ở Lương Sơn họ thường tập chung nhau lại vào ngày 22 tháng chạp, cùng nhau mổ lợn để ăn tết.

Lợn được người dân nuôi từ đầu năm, theo cách chăn thả chứ không nhốt vào chuồng, tới cuối năm sẽ được một con lợn sạch, vào ngày 22 tức là ngày tạ mộ tổ tiên, họ cùng nhau thịt lợn và uống rượu ngô.

Bữa cơm chín lụi

Ngày 29 tháng chạp theo lịch Mường, tức ngày 30 Tết theo âm lịch, người Mường gọi ngày này là ngày chín lụn có bữa cơm chín lụn – nó tương đương như người Kinh gọi là bữa cơm tất niên, ăn vào buổi tối…, bữa cơm đoàn tụ gia đình trong năm.

Đây cũng là ngày các thầy mo, clượng, mỡi mang túi khót của mình ra, lấy rượu ngon rửa sạch sẽ. Đây cũng là ngày họ truyền dạy các lời khấn quan trọng, các bí quyết hành nghề cho con cháu và học trò.

Vào thời khắc giao thừa nhiều nhà đánh chiêng, đánh trống, con cháu ra vó nước lấy nước về đặt trên bàn thờ tổ tiên, nước này ở vùng Kim Bôi gọi là nước Tiên, ở vùng Lạc Sơn gọi là nước Thặng Thiên. Ở vùng Mường Bi còn có tục gội đầu giao thừa, thậm chí có người còn tắm trong đêm giao thừa. ý là gột rửa mình sạch sẽ để sang năm mới cho mọi điều tốt lành, đẹp đẽ và may mắn hơn. Trong các nhà lang, nhà giàu còn có tục xuống sướng, xuống chuồng đếm trâu, bò, lợn.

   Tết của người Mường tại Hòa Bình có gì đặc biệt? - Ảnh 3

Nhiều nhà sẽ đánh chiêng vào thời khắc chuyển sang năm mới. Ảnh internet

Tục cúng thờ tổ tiên của người Mường là thờ đích danh chứ không thờ chung như các dân tộc khác, ví dụ như người Kinh họ chỉ có một mâm cỗ, một ban thờ mời tất cả tổ tiên về đó. Người Mường lại khác, các mâm thờ các đời thường thờ đích danh, ví dụ như mâm thờ ông, bà nội đã khuất…, người Mường sắp mâm riêng và đặt lên đó 2 bát cơm, 2 bánh chưng, bánh uôi, hai đôi đũa cùng thực phẩm, nếu ông nội có 2 – 3 bà vợ thì theo đó người Mường đặt lên tương ứng 2 – 3 bát cơm, đôi đũa…Việc thờ này tùy theo từng gia đình, ít nhất họ cũng thờ tới 3 đời… đến đả cổ, dạ cố, tương đương như ông cố, cụ cố bên người Kinh…

Vùng Lạc Sơn và nhiều vùng khác có tục đi năm mới, nhiều nơi gọi là đi phần – tức là mang phần cho bề trên, cụ thể là: bố, mẹ đẻ, bố mẹ vợ, các anh bên nhà vợ, các nhà thầy thuốc mình đã mang ơn trong năm qua… Tục này thường đi trong nhiều đời, nếu người được mang phần như bố, mẹ vợ không còn nữa thì con, cháu phải mang phần đến nhà ngoại và đặt vào bàn thờ của người đã khuất. Ngày đi năm mới bắt đầu từ ngày 30 Tết đến ngày mồng 7 tháng giêng, tức là ngày Khai hạ.

Lễ đi phần năm mới bao gồm: một gói thịt lợn, một gói cơm nếp, một chai rượu và 2 cái bánh chưng, ngày nay có thêm gói mứt, gói kẹo, hay chè, thuốc lá… Đây là phong tục biểu thị sự tri ân, biết ơn với bề trên, với những người có công giúp đỡ mình trong năm qua.

Ngay ngày mồng 1 Tết (tức mồng 2 theo âm lịch) các phường bùa bắt đầu đi xắc bùa phát rác, thực chất là đi các gia đình để chúc Tết. Cách chúc Tết này rất độc đáo và chỉ có riêng ở người Mường. Phường bùa thực chất là đội hình diễn tấu chiêng có từ 6 – 12 người, trong đó, có một người đứng đầu gọi là ông trùm phường.

Đoàn đi đến đâu tấu chiêng xắc bùa đến đó, khi vào đến sân nhà ai ông trùm phường cất bài hát chúc Tết gia đình, đó là bài phát rác, tức là mở nước, chúc cho gia đình chủ nhà mạnh khỏe, sang mùa năm mới làm ăn phát đạt, mát lành như nước, trồng lúa gặp đủ nước, chăn nuôi gia súc phát triển, làm ăn giàu có, sau đó gia chủ xuống sân mời phường bùa lên nhà uống chén rượu xuân.

Ngày mồng 7 tháng giêng tức là ngày Khai hạ, đây cũng là ngày cuối cùng của Tết. Các gia đình có tổ chức Tết lại, tức là làm làm lại Tết cũng sắp các mâm cúng mời tổ tiên và thành hoàng, thổ công vua bếp ăn Tết ngày cuối của Tết.

Ngày nay, mặc dù với sự giao thoa văn hóa ở các vùng miền diễn ra mạnh mẽ, nhưng người Mường vẫn giữ được những nét đặc trưng riêng của vùng đất sơn cước Hòa Bình.

Công Luân (nguoiduatin.vn)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề