Cũng giống như những tuyệt tác được trưng bày trong các viện bảo tàng, mỗi màu son môi lại cất giấu một câu chuyện của từng thời kì lịch sử.
Thập niên 20
Đây là thời đại hoàng kim của những chiếc váy flapper lấp lánh và những giai điệu jazz chuếnh choáng nao lòng. Trong thời kì này, những thiết kế thời trang dành cho phái nữ vẫn còn khá thô cứng, thiếu đi những đường cắt cúp mềm mại. Chính vì vậy son môi bỗng trở thành một phụ kiện giúp phái đẹp thể hiện sự nữ tính ngọt ngào. Màu son đỏ đậm mạnh mẽ chính là biểu tượng cho thời kì này với điểm nhấn là phần môi trên được chuốt cong quyến rũ.
Thập niên 30
Thay vì những ngày hội hè miên man của thập niên 20 trước đó, những năm 30 lại chứng kiến sự khởi đầu của Thế chiến thứ II đầy tang thương. Trong thời kì này, dầu hoả – thành phần chính của những thỏi son môi – được sử dụng hết cho chiến tranh. Chính vì vậy, son môi trở nên khan hiếm và nhu cầu trang điểm của phái đẹp không còn được đặt lên hàng đầu. Màu son đỏ ánh nâu xuất hiện trên những bộ phim nhựa thời này không chỉ đơn thuần là nét nữ tính le lói trong thời kì chiến tranh mà còn thể hiện sức mạnh ý chí của phái đẹp trong những khoảng thời gian đen tối.
Thập niên 40
Giữa tâm điểm của những cuộc chiến tranh khốc liệt, màu son đỏ tươi với lớp nước bóng lại được ưa chuộng hơn hết thảy. Nó tựa như một lời động viên khích lệ tinh thần đi qua chiến tranh. Nữ minh tinh huyền thoại Elizabeth Taylor từng nói: “Thoa son môi, tự rót cho mình một ly vang và bạn sẽ thấy mình bình tâm hơn”. Đồng thời trong thời kì này, công thức son môi bền màu, lâu trôi đã được nhà hoá học Hazel Bishop phát minh và giới thiệu đến phái đẹp thế giới.
Mẫu quảng cáo son môi không phai của Hazel Bishop: không trôi khi ăn, không trôi khi mặc áo và không trôi ngay cả khi hôn.
Thập niên 50
Khi cuộc thế chiến đi vào hồi kết, người ta lại nhìn thấy son đỏ trở lại trên bàn trang điểm của người phụ nữ khắp thế giới. Biểu tượng tình dục nổi tiếng Marilyn Monroe nghiễm nhiên liệt son môi vào hàng những món phụ kiện đặc trưng cho sự quyến rũ giới tính của mình. Chính vào khoảng thời gian nay, tính đại diện của mỗi màu son trở nên rõ rệt hơn: đỏ tươi biểu trưng cho nữ quyền và dục vọng, hồng nhạt lại là màu sắc của sự tự do giải phóng.
Thập niên 60
Sự xuất hiện của phong cách trang điểm mắt khói đã mở ra một trang mới cho lịch sử của những thỏi son môi. Những tone màu sáng, nhẹ như hồng, cam, tím lavender lên ngôi và trở thành lựa chọn của nhiều phụ nữ. Họ gần như phát điên với vẻ ngoài ma mị của những đôi môi nhạt hờ hững và cặp mắt khói sâu hút khó cưỡng. Vẻ đẹp chuẩn mực mới này lại càng được củng cố khi nữ minh tinh Brigitte Bardot xuất hiện trong một thước phim với bộ bikini và khuôn mặt lơ đễnh quyến rũ, làn môi cam phả khói ngọt ngào.
Thập niên 70 – 80
Dường như đây chính là khoảng thời gian chứng kiến nhiều biến động nhất trong nền văn hoá của nước Mỹ nói chung và thế giới nói riêng. Với tiếng gầm của thứ nhạc metal rock khắp những hang cùng ngõ hẻm cũng như trào lưu văn hoá hippie nở rộ, không có gì đáng ngạc nhiên khi son môi cũng trở nên độc đáo và hoang dã.
Những màu sắc u tối như đen, tím bầm trở thành một “hashtag” không thể thiếu trên đôi môi của nữ giới. Đồng thời đây cũng là thời kì đánh dấu sự ra đời của khái niệm manstick (son môi dành cho đàn ông).
Thập niên 90 – đầu thế kỷ 21
Trong những thập niên 90, màu sắc tự nhiên có ánh nâu hoặc trung tính được các quý cô ưa chuộng vì vẻ ngoài tươi tắn như không hề điểm trang. Với sự phát triển của công nghệ, khái niệm làm đẹp cũng được mở ra rộng lớn hơn với sự có mặt của hàng loạt cấp độ sắc màu son môi khác nhau, đáp ứng nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Thập niên đầu của thế kỉ 21, son môi bắt đầu có những bứt phá về màu sắc. Nó không còn gói gọn trong sắc đỏ chân chính và chất liệu kem thân thuộc. Về màu sắc: đỏ, hồng, xanh, tím, cam, nâu, đen… Về chất liệu: son nước, son bóng, son lì, son chì, son sáp…
Giờ đây, nhắc đến son môi, không điều gì là không thể!
Theo Đẹp Online.
Trả lời