Ông Putin nói Thổ Nhĩ Kỳ cố dung túng cho IS tuồn dầu lậu

Sau vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ cố tình dung túng cho nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tuồn dầu lậu vào nước này, kiếm lợi lớn.
Ông Putin giải thích IS kiếm lợi hàng trăm triệu USD từ buôn lậu dầu khí qua đường biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và chiến đấu cơ Nga chỉ làm nhiệm vụ bắn phá các xe chở dầu của IS chứ không hề đe dọa lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Trên thực tế, đó không phải là cáo buộc vô căn cứ.
Dòng dầu từ lãnh thổ IS tới Thổ Nhĩ Kỳ
Hồi giữa tháng 11, báo New York Times đưa tin tình báo Mỹ ước tính IS kiếm được khoảng 40 triệu USD/tháng từ buôn lậu dầu, dù một số chuyên gia cho rằng con số này đã giảm còn 10 triệu USD/tháng vì giá dầu sụt.
Ngày 19-11, báo Anh Guardian đưa tin IS kiểm soát sáu giếng dầu lớn lớn ở Iraq và Syria.
IS bán dầu cho các thương nhân người Kurd ở Iraq rồi những người này bán lại dầu cho thương nhân Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Tháng 6-2014, nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ Ali Edibogluan khẳng định IS đã tuồn 800 triệu USD dầu lậu vào Thổ Nhĩ Kỳ từ Syria và Iraq.
Nghị sĩ Edibogluan cho biết IS kiểm soát các giếng dầu ở Rumaila thuộc miền bắc Syria và các giếng dầu gần Mosul, Iraq.
Ông cáo buộc IS đã lắp đặt các đường ống dẫn dầu tại các làng gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở Hatay. Các đường ống tương tự cũng được lắp đặt ở vùng biên giới Kilis, Urfa và Gaziantep thuộc Thổ Nhĩ Kỳ.
“IS chuyển dầu sang Thổ Nhĩ Kỳ và lấy tiền mặt. Chúng vận chuyển dầu tới các khu vực gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, lọc rồi bán qua đường Thổ Nhĩ Kỳ” – nghị sĩ Edibogluan nói.
Báo cáo của hãng Taraf hồi tháng 8 cũng cho biết mỗi ngày lượng dầu diesel tuồn từ Syria vào Thổ Nhĩ Kỳ lên đến 1.500 tấn, tương đương 3,5% nhu cầu tiêu thụ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Mới đây cựu quan chức Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Kiriakou cũng khẳng định phần lớn lượng dầu lậu của IS được tuồn qua Thổ Nhĩ Kỳ và các khu vực của người Kurd.
Ông Kiriakou đánh giá IS cũng học tập phương pháp buôn dầu của chính quyền nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein khi bị cấm vận.
“Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của Mỹ, chính quyền Thổ không buôn dầu với IS nhưng có thể có nhiều phần tử tham nhũng trong quân đội hay các quan chức địa phương ở tây nam Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia vào đường dây này” – ông Kiriakou nhận định.
Trong thời gian qua, Nga liên tục bắn phá hạ tầng dầu thô của IS. Mới tuần trước Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã phá hủy 500 xe bồn chở dầu của IS. Mới vài ngày trước, quân đội Syria công bố một bức ảnh chụp xe chở dầu của IS gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ bắn máy bay Nga?
Mới vài ngày trước, quân đội Syria công bố một bức ảnh chụp xe chở dầu của IS gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng đó không phải là nguyên nhân duy nhất khiến Nga triển khai máy bay gần không phận Thổ Nhĩ Kỳ, ít nhất là theo phản ánh của chính quyền Ankara.
Phía Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích không quân Nga đánh bom các cộng đồng người Turkmen (người Syria gốc Thổ) thuộc lực lượng nổi dậy chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ankara nhiều lần tố cáo máy bay Nga thả bom vào các ngôi làng của người Turkmen gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuần trước Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ triệu tập đại sứ Nga để phản đối các vụ đánh bom người Turkmen. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoğlu đòi Nga phải ngừng không kích.
“Hành động của Nga không phải là chống khủng bố, mà họ đánh bom các ngôi làng thường dân Turkmen và điều đó có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng” – chính quyền Ankara cảnh báo khi đó.
Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa tin người Turkmen từ 50 ngôi làng ở vùng Gimam thuộc tỉnh Latakia ở Syria đã phải di tản tuần trước. Các vụ đánh bom người Turkmen đã khiến căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga gia tăng.

Địa điểm máy bay Su-24 của Nga bị bắn rơi – Ảnh: Independent
Một vấn đề nữa nghiêm trọng nữa là phương Tây cáo buộc Nga mở chiến dịch không kích để hỗ trợ Tổng thống Syria Assad.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đối nghịch với Assad và quyết lật đổ nhà lãnh đạo Syria. Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đứng ở hai phía trong cuộc chiến tranh Syria, đang dần bị biến thành một cuộc “chiến tranh ủy nhiệm”. Leo thang căng thẳng và đụng độ bất ngờ là khó có thể tránh khỏi.
Ngoài ra, đến nay Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận hơn 2 triệu người tị nạn Syria và muốn dòng người tị nạn vào nước này dừng lại. Ankara cũng lo ngại lực lượng người Kurd chống IS ở Syria và Iraq châm lửa ly khai ở các vùng người Kurd tại đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Các quan chức Ankara từng nhiều lần chỉ trích Nga không kích quân nổi dậy Syria được Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ là hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hơn nữa, việc máy bay của nhiều quốc gia hoạt động trên bầu trời Syria khiến nguy cơ đụng độ ngoài ý muốn leo thang là điều các nước đã cảnh báo từ lâu.

Nguồn tuoitre.vn


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề