Những giá trị của Niềm hy vọng và Hạnh phúc

Giờ đây khi chúng ta đọc tin tức, thật chẳng dễ gì mà không cảm thấy lo lắng khôn nguôi. Mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố, sự bất ổn và xung đột ở nước ngoài ngày một gia tăng, vụ nổ súng ở Nghị viện hồi tháng 10 năm ngoái, và sự bấp bênh của nền kinh tế đã làm cho chúng ta có một cảm giác chung là sự an toàn và an ninh đang bị suy giảm. Thêm vào đó, chúng ta còn chịu các mối đe dọa trước mắt về môi trường: biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, chỉ số sức khỏe đại dương giảm sút, sự cố tràn dầu, và thời tiết khắc nghiệt.

Tất cả điều đó gây tổn hại về tâm lý, ngay cả khi chúng ta không bị ảnh hưởng trực tiếp. Nghiên cứu cho thấy rằng khi cảm thấy bị đe dọa, chúng ta sẽ tự cô lập bản thân và tập trung vào việc khôi phục cảm giác an toàn. Nhiều người cố gắng giảm bớt sự lo lắng bằng cách nắm bắt cơ hội làm giàu, tìm kiếm niềm vui, và tìm niềm an ủi trong sự thành đạt hay địa vị. Nhưng sách lược này đem lại kết quả ngược với mong đợi. Thay vì củng cố cảm giác an toàn và hạnh phúc cho chúng ta, thì nó chỉ càng làm cho những cảm giác đó cứ vơi dần.

Xuyên suốt các nền văn hóa và không phân biệt tuổi tác, giới tính, những người coi trọng các giá trị như địa vị xã hội và tích lũy tiền bạc, của cải thực ra phải đối mặt với nhiều nguy cơ gặp bất hạnh, gồm cả sự lo âu, trầm cảm và thiếu tự trọng. Trong cuốn sách “Cái giá đắt của chủ nghĩa duy vật,” giáo sư tâm lý học Tim Kasser đã chỉ ra các giá trị vật chất sẽ phá hoại hạnh phúc của chúng ta, kéo dài mãi cảm giác bất an, và làm suy yếu những mối quan hệ ràng buộc chúng ta như những con người với nhau.

Những người thiên về chủ nghĩa vật chất cũng có xu hướng ít quan tâm đến vấn đề sinh thái, họ có thái độ tiêu cực đối với môi trường, và ít biểu hiện những hành vi thân thiện với môi trường. Đó là bi kịch đối với nhân loại cũng như những sinh vật còn lại trên Trái đất.

Nghiên cứu về sự giao thoa các nền văn hóa trong khoa học xã hội đã xác định một tập hợp các giá trị luôn tồn tại trong con người. Các nhà tâm lý học xã hội đề cập đến một cụm giá trị gọi là “ngoại lai”, hay vật chất vốn có liên hệ đến mong muốn thành đạt, địa vị, quyền lực, và giàu có. Chúng đối lập với những cái gọi là giá trị “nội tại”, liên quan đến sự quan tâm, cộng đồng, sự lo lắng về môi trường và công bằng xã hội.

Mặc dù mỗi người trong chúng ta mang trong mình cả 2 tập hợp giá trị trên, điều quan trọng là nếu chúng ta gắn mình với các giá trị của tập hợp này thì có xu hướng giảm tầm quan trọng của tập hợp kia. Khi các giá trị quyền lực như địa vị xã hội, uy tín, và sự thống trị được ưu tiên, thì các giá trị phổ quát của sự khoan dung, trân trọng, và quan tâm đến phúc lợi của người khác sẽ bị cản trở.

Quỹ “Nguyên nhân phổ biến” tại Anh đang làm tổng hợp về ngành nghiên cứu các giá trị nói trên. Quỹ này đưa ra hướng dẫn cho các tổ chức thay đổi xã hội trên hành trình gắn kết các giá trị văn hóa để đẩy mạnh mục tiêu của họ. Bởi vì các giá trị giống như cơ bắp – chúng trở nên mạnh hơn, khi chúng ta sử dụng chúng nhiều hơn – các nhà hoạt động có thể chủ động kích thích các giá trị nội tại thông qua các kênh truyền thông và các chiến dịch.

Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ra điều họ gọi là những giá trị “có ảnh hưởng lan tỏa”. Bởi vì các giá trị có xu hướng tồn tại theo cụm, khi một giá trị được kích hoạt, thì những giá trị cùng cụm cũng tương hợp. Ví dụ, những người được nhớ đến bởi sự hào phóng, tự định hướng, và quan tâm gia đình thì có nhiều khả năng ủng hộ các chính sách bảo vệ môi trường hơn những người được nhắc tới với sự thành công về tài chính và địa vị.

Các thế lực đằng sau các cuộc khủng hoảng trên hành tinh chúng ta là rất phức tạp. Lịch sử, chính trị, kinh tế ảnh hưởng đến việc con người hành động như thế nào. Thay đổi xã hội đòi hỏi phải tập trung vào hành vi cá nhân, trách nhiệm của doanh nghiệp, và chính sách của chính phủ. Trong môi trường chính trị không ổn định như hiện nay, các giá trị cũng phải được cân nhắc.

Đó là nơi chúng ta tìm thấy sự kết nối quan trọng giữa các phong trào đòi công lý về môi trường và xã hội. Trên một mức độ giá trị, những nỗ lực và chiến lược chống lại biến đổi khí hậu và sự suy giảm của đa dạng sinh học, đang bổ sung và củng cố những đòi hỏi dẫn đến sự bình đẳng hơn. Khi các nhà môi trường viện dẫn các giá trị nội tại để tăng cường sự hỗ trợ cho mục tiêu của họ, thì họ cũng tăng cường ủng hộ cho sự công bằng của xã hội.

Bởi vì những giá trị này là định hướng quan trọng cho thái độ và hành vi, nên chúng cần thiết đối với sự thay đổi chuẩn mực xã hội. Với tư cách cá nhân chúng ta có thể làm những gì? Trách nhiệm của chúng ta đối với xã hội lớn hơn nhiều những thói quen tiêu dùng và những phiếu bầu. Chúng ta cần phải suy nghĩ cái gì quan trọng đối với chúng ta. Tất cả chúng ta đều xứng đáng được có cảm giác yên tâm trong nhà mình và trong cộng đồng của mình, nhưng chúng ta không thể lệ thuộc vào cảm nhận lệch lạc về sự an toàn do trạng thái cô lập hoặc sự theo đuổi vật chất mang lại. Khi tâm lý bất an tăng lên, chúng ta cần phải kiên định với các giá trị đã giúp chúng ta trở thành những nhà môi trường học và những chiến sỹ bảo vệ công bằng xã hội. Thay vì ẩn náu trong góc của mình, hãy quay lại với nhau để thiết lập lại cảm giác an toàn và sức mạnh của chúng ta.

Tin tốt là những giá trị giúp củng cố một xã hội lành mạnh và một hành tinh bền vững – đó là lòng tự trọng, sự quan tâm đến người khác, gắn kết với thiên nhiên, bình đẳng – cũng chính là những giá trị làm cho chúng ta trở nên hạnh phúc nhất về lâu về dài. Mỗi chúng ta là một lăng kính giá trị, pha trộn ánh sáng một cách tinh tế theo một định hướng riêng. Là người Canada, chúng ta hãy ý thức về nơi chúng ta hướng ánh sáng của mình đến.

Bài viết có sự đóng góp của Aryne Sheppard, chuyên gia cao cấp các vấn đề công của Quỹ David Suzuki Foundation.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là những ý kiến của các tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Epoch Times

Lan Hương


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề