Hiện tại, hơn 50% nhà máy chế biến thủy sản tại miền Tây đang khốn đốn, đứng trước nguy cơ phá sản. Mỗi nhà máy có từ 1.000 – 10.000 công nhân, số phận họ sẽ ra sao khi những nhà máy này phá sản?
Mới đây, Công ty CP tập đoàn thủy sản Minh Phú Hậu Giang đã sa thải khoảng 5.000 công nhân vì thiếu nguyên liệu và đầu ra xuất khẩu đang khó khăn. Trước đó, Công ty thủy sản Bình An, Công ty CP thủy sản Phương Nam… cũng đã phá sản và nợ ngân hàng rất nhiều tiền. Công nhân mất việc hàng loạt…
Khách mua, thị trường thì phát triển có giới hạn, trong khi các nhà máy thì tăng quá nhanh. Vì thế để tồn tại, các nhà máy phải tự hạ giá, giảm lời, thậm chí chịu lỗ, để giành khách lẫn nhau. Cộng thêm khủng hoảng kinh tế bùng phát mấy năm nay, lãi suất ngân hàng tăng vọt, các nhà máy kinh doanh thua lỗ thì việc phá sản lần lượt là chuyện khó tránh.
Khổ đời công nhân
Nếu có việc ổn định, 1 công nhân thủy sản ở ĐBSCL “cày” liên tục từ khoảng 6 giờ sáng đến 7 – 8 giờ tối sẽ nhận trên 4 triệu đồng mỗi tháng, tuy nhiên không có ngày nghỉ. Còn nguyên liệu ít thì chỉ được chừng trên 2 – 3 triệu đồng. Thu nhập này thực tế không cao.
Chị Đặng Phương Thảo – nhà ở quận Ô Môn (TP.Cần Thơ) – từng là công nhân của Công ty thủy sản Bình An, kể rằng, cả 2 vợ chồng chị đều làm công nhân ở đó, nhưng phải lo cho 2 đứa con ăn học nên không còn dư bao nhiêu. Nếu tháng nào trong gia đình có 1 người bệnh là đã phải mang nợ. Đối với những công nhân độc thân phải thuê nhà trọ, trừ tiền ăn, nghỉ… thì hàng tháng cũng chẳng dư dả. Khi Bình An “vỡ nợ”, theo chị Thảo, công nhân ở đó người phải đi làm phụ hồ, người đi làm “osin”… để kiếm miếng ăn. “Mà đâu phải ai cũng có việc, khổ lắm!”, chị Thảo kể.
Và khi thất nghiệp? Ở Bình Dương, Đồng Nai,… thì nhà máy san sát, công nhân có nhiều chọn lựa và việc thay đổi chỗ làm cũng không mấy khó khăn. Nhưng đất miền Tây thì lại khác. Thời chế biến thủy sản còn hưng thịnh, bảng tuyển dụng trưng rầm trời. Nhưng mấy năm gần đây, ai mất việc coi như hết hy vọng. Hoặc thất nghiệp dài dài, hoặc như chị Thảo đã kể – chỉ đi bán sức mà làm đủ nghề để kiếm tiền.
Còn nhớ, vào tháng 4.2012, Tổng giám đốc tạm quyền của Bình An đã tuyên bố, người nào có nhu cầu tìm việc khác thì cứ… chia tay, không ai níu kéo. Còn muốn, thì cứ ở lại không hưởng lương mà chờ khi nhà máy hoạt động trở lại. Nhưng nhiều công nhân khi đó cho biết, họ có muốn đi cũng đâu được vì Bình An còn nợ bảo hiểm xã hội nên việc giải quyết chế độ cho họ đi tìm việc làm mới phát sinh quá nhiều vấn đề.
Vì sao phải cảnh báo chuyện công nhân thất nghiệp?
Chuyện thất nghiệp, sẽ có người cho là bình thường trong thời buổi khủng hoảng kinh tế hiện nay. Việc này hoàn toàn đúng. Nhưng riêng ở miền Tây, chuyện công nhân thất nghiệp phải nhìn nhận cặn kẽ ở góc độ xã hội để có cách giải quyết hợp lý.
Hàng ngàn công nhân thất nghiệp cùng lúc sẽ khó tránh kéo theo nhiều hệ lụy xã hội. Đặc thù ở miền Tây, đại đa số công nhân là người địa phương, nên khi nhà máy nào đó phá sản sẽ kéo theo cả 1 ấp, 1 xã thất nghiệp. Vô tình chung họ cũng tập trung về một chỗ. Thất nghiệp, thiếu kiến thức… nên khi không có tiền nhiều người trở nên bi quan, suốt ngày ăn nhậu dẫn đến nhiều hậu quả, tệ nạn xảy ra.
Gần đây, nhiều tỉnh thành miền Tây rộ lên tình trạng trộm cướp rất dữ, từ con chó, chiếc xe đạp, thậm chí những chồng ghế nhựa mà các quán bán hàng dọn dẹp để đó… chúng cũng không tha. Cái gì hở là lấy tất. Và không ai dám chắc rằng trong số các thủ phạm những vụ trộm cắp đó, có hay không những công nhân vừa rơi vào cảnh thất nghiệp nên túng quẫn làm liều?
Thiết nghĩ, đó là điều mà cơ quan chức năng cần quan tâm, tìm biện pháp giải quyết, như kiểm tra tốt việc doanh nghiệp chấp hành đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân; liên kết với các tỉnh, thành khác để có thể luân chuyển lao động khi cần… Đây là việc làm cấp thiết trong tình hình các nhà máy chế biến thủy sản đang khá bi đát như hiện nay.
Trả lời