“Ngược đêm” là tập thơ thứ 4 của cây bút nữ Trần Mai Hường, quê quán Ứng Hòa, Hà Nội, hiện sống và viết ở TP.HCM.
36 bài thơ đầy những suy tư và trăn trở về một cuộc tình đã qua với nhiều giai điệu và cung bậc. Song chủ đạo cho trạng thái tình cảm của Hường có lẽ là cái sự nhớ- tiếc- và nhớ cho dư vị tình yêu mà Hường đã cảm từ cái “Cho đêm” : “ Đêm ấy/ thảo nguyên nồng nàn mùi cỏ/ cơn sốt không giữ nổi mình/ gió hoang chọn bờ trăng gối/ những vì sao ôm ấp nhau/ …Đêm ấy/ đại ngàn im bặt/ lá trút hết mình/ xanh.” (trang 29). Hay cái lãng đãng đầy ắp thi vị lẫn những dại khờ của “Riêng Huế biết”: “ Riêng chỉ một dòng Hương/ giấu những điều ma mị/ chiều cố đô ngọt lịm/ sóng nhấn chìm môi thơm/…/ Nụ hôn còn đồng trinh/ bỗng phủ đầy khô khát/ xin một lần mi khép/ giữa Huế tròn vòng tay” và “ Đi qua giờ 25/ em như thành người khác/ chỉ riêng dòng Hương biết/ Huế và em ngã lòng” ( trang 49).
Những khát khao, quay quắt nhớ, thêm sự hối tiếc, thổi cho hồn thơ thêm nồng nàn, song người đàn bà-thơ ấy lại “hay nói ngược” như tác giả tự nhận? Hay từ cái nhan đề tập thơ “Ngược đêm” để mà tìm kiếm, ray rứt với những gì đã qua. Hường lật tung đêm, trở ngược với đêm là bởi sự tiếc nhớ hay muốn trở lại với dư âm trót lỡ dan díu, khi trong tập thơ không dưới sáu lần, Trần Mai Hường sử dụng từ trạng thái “ngược” để đính kèm cho những cảm xúc khác. Đó là: “ ngược ngày đằm rêu”, “ngược đêm cất lửa” (trang 8), “thơ ngược dốc” ( trang 9), “ ngược lộ trình trái tim” (trang 17), “nói ngược” (trang 37), “ngược về ngày chưa xa” ( trang 60), “ngược phía cơn mưa” ( trang 64)…để rồi thấy mình “yếu đuối” và tự thua cuộc khi “ em luống cuống/ em run…/…em biết mình lơ ngơ như gió/ vấp phải anh em tự xóa mình/ em biết mình dại khờ như sóng/ lấy ồn ào hòng che dấu cô đơn/ Không giấu được anh/ em nhận mình thua cuộc.” ( trang 45).
Thế mạnh của Hường là ở những bài thơ tự do, ở đấy Hường tự thả mình vào những câu thơ có lúc da diết, nhưng cũng có lúc nồng nàn bạo liệt khi mà “ chỉ biết nỗi nhớ đang nhức căng em/ nỗi nhớ mang tên ĐÊM” ( trang 11) hay “ đàn ông thế gian này đâu chỉ có mình anh/ có một bờ môi lạ-cuống cuồng trong mê dại-tỉnh mới định nghĩa được thế nào là hoang mạc…” ( trang 47). Nhưng thơ lục bát của Hường lại uyển chuyển, mềm mại đến bất ngờ: “ Chật đêm/ hổn hển/ thực-mơ/ Chiếu chăn thiêm thiếp/ như vừa… trăm năm” ( trang 23), và rồi “ Từ người-ân ái sang trang/ em-bao kiêu hãnh bỗng bàng hoàng…rơi? (trang7), hay như “ chiều nay nỗi nhớ dậy men/ uống ngày xưa đến say mèm người ơi…” ( trang 14), cuối cùng là “ Ngại ngần thoát bến phân vân/ bao nhiêu phiến nõn/ thiên thần…/ Mở em…” ( trang 51).
Trả lời