Thực ra Nga đã rất cần TQ ngay từ khi chiếm Crimea. Nga cần TQ không lên tiếng phản đối và hợp với Nga phủ quyết ở HĐBA, ngược lại Nga sẽ ít lên tiếng về biển Đông.
Sau chiếm Crimea, bị cấm vận đồng thời châu Âu nhận thức được rằng trước sau gì cũng phải thoát khỏi phụ thuộc vào nguồn cung cấp độc quyền khí đốt của Nga. Họ bắt đầu đa dạng hóa nguồn năng lượng khi tìm kiếm các nhà cung cấp khác, thống nhất thị trường năng lượng chung. Họ bắt đầu làm hồ sơ để kiện tập đoàn khí đốt Nga ra tòa vì đã thao túng và dựa vào độc quyền để chèn ép các nước không thân thiện với Moscow như Balan, Baltic…
Cùng với thị phần năng lượng tại châu Âu đã liên tục tục tụt giảm và những chiến lược mới về năng lượng của châu Âu, Nga hiểu rằng cần phải mở rộng thị trường năng lượng mới. Thị trường đó không ai khác chính là Trung Quốc. Một đất nước đông dân nhất thế giới liền kề với Nga, đang có quan hệ hữu hảo và được coi là đồng minh. Một đất nước về tương lai có thể tiêu thụ nguyên liệu vượt Mỹ. Đây chính là thị trường khổng lồ mà Nga cần. Trung Quốc vẫn chủ yếu dùng than trong các ngành công nghiệp. Nga đã đàm phán bán khí đốt trong 10 năm ròng rã nhưng hai bên vẫn chưa đi đến thống nhất về giá cả: Nga đòi cao, còn Trung Quốc ép giá vì họ nói rằng dùng than vẫn rẻ hơn nhiều.
Trong chuyến thăm của ông Putin đến Trung Quốc vào tháng 5/2014 hai bên tiếp tục thảo luận về giá khí đốt và vẫn bị bế tắc. Và sau đó thỏa thuận được vội vàng ký kết trước khi ông Putin trở về Nga. Báo chí Nga đã ca ngợi hợp đồng khí đốt giữa Nga – Trung Quốc là thắng lợi kép đối với cả Tập Cận Bình và Vladimir Putin: Thắng lợi đối với mỗi quốc gia, đồng thời tăng cường sức mạnh của 2 tập đoàn dầu khí then chốt bằng việc chứng minh sự quan trọng của an ninh năng lượng đối với nền kinh tế 2 nước. Tuy nhiên Nga lại không công bố cụ thể về thỏa thuận này mà giá cả do phân tích và dự đoán của các nhà phân tích và thông tấn của phương Tây đưa ra “Gazprom sẽ cung cấp cho Trung Quốc 38 tỷ m3 khí đốt mỗi năm trong vòng 30 năm. Giá trị hợp đồng chưa được tiết lộ. Theo Reuters, hợp đồng này được định giá hơn 400 tỷ USD. Và giá bán là 350 USD/1000 mét khối”. Tại sao một hợp đồng “lịch sử” một lợi ích kép cho cả hai nước lại không được công bố? Vì nếu công bố Nga sẽ bị tiếng là khó khăn đến mức phải chấp nhận giá đó hoặc sẽ làm các khách hàng tại châu Âu so bì. Khi đó giá bán khí đốt cho các nước châu Âu, thấp nhất vẫn cao hơn 350 USD và giá dầu khi đó là hơn 100 USD/thùng.
Lúc này Nga vẫn còn dự trữ 760 tỷ USD, nhiều nhà phân tích đồng ý rằng Nga mở rộng thị trường năng lượng là điều đúng đắn, cùng với lượng tiền dự trữ khổng lồ, nợ công chỉ 38 tỷ USD và bạn hàng lớn Trung Quốc sẽ giúp Nga vượt qua cấm vận của phương Tây thời gian sẽ làm phương Tây chùn bước sau đó bắt buộc phải dỡ bỏ.
Tuy nhiên phương Tây vẫn dần xiết chặt nền kinh tế Nga, đặc biệt những đòn cấm vận mang tính quyết định như cấm huy động tài chính trên thị trường quốc tế, các doanh nghiệp Nga cũng đã đến lúc đáo hạn trả nợ. Liên tiếp những thông tin xấu về ngân sách Nga như “quỹ bình ổn, quỹ tương lai, quỹ dự trữ” đã cạn hoặc đang cạn, các tập đoàn cốt lõi của Nga như Rosneft bắt đầu đói vốn và yêu cầu Putin hỗ trợ. Đặc biệt là cuộc chiến giá dầu giữa dầu đá phiến Mỹ và Opec bắt đầu lên võ đài làm giá dầu lao dốc.
Nga đã tự làm khó mình khi bắt đầu từ ngày 7-8 đã ngừng nhập khẩu nhiều mặt hàng lương thực thực phẩm từ Tây Âu, Hoa Kỳ, Canada, Úc và Na uy. Do sự khắc nghiệt của khí hậu và đất đai, Nga phải nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, rau, trái cây và các loại hạt mỗi năm. Chỗ trống thị trường của Nga cần phải được điền vào càng sớm càng tốt. Nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil sẵn lòng “thế chỗ” phương Tây để xuất khẩu thực phẩm sang Nga. Một lần nữa Nga lại tự mình phụ thuộc vào Trung Quốc khi giá cả của họ rẻ hơn nhiều so với Brasil.
Ngày 14/7/2015 lãnh đạo của các nước thuộc khối BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, họp tại thành phố Ufa của Nga và tiếp đó là hội nghị của nguyên thủ các cường quốc ở châu Á thuộc Tổ chức hợp tác Thượng Hải. Trong cuộc họp hai nước đã dành những lời có cánh cho nhau rằng “chúng tôi thấy cơ cấu quyền lực kép đã xuất hiện ở Trung Á: Trung Quốc là cường quốc chi phối kinh tế và Nga là người giữ gìn an ninh”. Theo nhận định của ông Alexander Gabuev, người đứng đầu Chương trình châu Á Thái Bình Dương tại Trung tâm Carnegie – Moscow nói trên tờ Foreign Policy: “Trung Quốc sẽ là ngân hàng và Nga sẽ là khẩu súng lớn.”
Trong năm 2015 Nga đã phải căng mình chống chọi về thâm thủng ngân sách, về tài chính cho các vùng ly khai, cho Crimea và cho vùng Donbass, ngày khai mạc World Cup đang đến gần và cuộc chiến tại Syria đã làm nền kinh tế Nga kiệt quệ. Sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay làm quan hệ hai nước trở nên căng thẳng, Nga tiếp tục cấm vận một người bạn đã có thời thân thiết xem như đồng minh. Một nguồn thực phẩm và rau quả duy nhất tại châu Âu tiếp tục bị Nga chặt đứt, tuy nhiên Nga vẫn cung cấp năng lượng cho nước này. Nhưng Iran đang bóng gió sẽ đánh bật Nga ra khỏi thị trường khí đốt Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặc dù mối quan hệ hai nước được đánh giá là nồng ấm nhưng vào ngày 25/8 RT dẫn bình luận của cổng thông tin сalcalist.co.il (Israel) cho biết, nền kinh tế Nga đang đối mặt với tình trạng suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ năm 2003, nhưng đồng minh mà Moscow xem là quan trọng nhất lại đang quay lưng lại với quốc gia này vì tiền bạc. Trung Quốc ngày càng khẳng định vị trí khi lấn vào sâu sau của Nga, hợp tác và bơm tiền cho các nước Trung Á – những nước được coi là nằm trong quỹ đạo của Nga. Trung Quốc đã phớt lờ Nga khi đề xuất lập liên minh chống khủng bố Trung Á mà không đưa Moscow vào danh sách thành viên. Nga cũng dựa vào Trung Quốc để làm đường năng lượng điện từ Nga cung cấp cho bán đảo chiếm đóng Crimea. Mới đây nhất Bộ Phát triển Viễn đông Nga chấp thuận việc chuyển các xí nghiệp đóng tàu, nhà máy công nghiệp hóa chất, luyện kim và một số ngành sản xuất khác từ Trung Quốc sang vùng Viễn Đông.
Trong năm 2016 Nga buộc lòng phải cổ phần các tập đoàn chủ chốt như Gazprom, Rosneft để bù vào ngân sách, tuy nhiên trong thời điểm bị phương Tây cấm vận liệu ai sẽ là người mua? Ông Alexei Miller sẽ mua cổ phần của ông Sechin, ông Shoygu sẽ mua cổ phần của ông Alexei Miller sau đó bán lại cho ông Putin? Vì các tập đoàn phương Tây thường rất e ngại đầu tư hoặc mua bán cổ phần của những công ty thuộc nước đang bị cấm vận. Và khách hàng có thể chỉ là Trung Quốc.
Trung Quốc cần Nga bán vũ khí, tài giá rẻ như cho thuê đất, năng lượng… và cần thị trường Nga cho những hàng hóa rẻ tiền như may mặc, hàng gia dụng… tuy nhiên với thị trường năng lượng đang dư thừa đặc biệt là các nước Opec đang thèm khát thị trường năng lượng tại Trung Quốc, một sự giận dỗi của Nga sẽ làm họ mất trắng thị trường này.
Ngược lại Nga cần Trung Quốc về cung cấp hàng hóa dịch vụ, cần Trung Quốc bán lại những thiết bị công nghệ cao (ví dụ như mắc cáp điện dưới biển…) cần tài chính, cần các mặt hàng thiết yếu để bù đắp lại lượng hàng thiếu hụt từ phương Tây.
Trước những động thái của Trung Quốc khi phớt lờ người bạn lớn trong nhiều chiến lược rõ ràng Nga buộc phải ra những tuyên bố nhằm lấy lòng họ.
Trong thế giới hiện tại củ cà rốt sẽ luôn hiệu quả và cần thiết hơn cây gậy. Bản thân Trung Quốc không phải dựa hoàn toàn vào vũ khí Nga vì họ cũng tự sản xuất và copy trong khi Nga rất cần bán vũ khí của họ để trang trải những thiếu hụt cho các nhà máy, công ty. Nga cũng rất cần thị trường Trung Quốc để bán tài nguyên và cần đồng tệ.
Hiện Nga vẫn chưa khó khăn tới mức phải kêu gọi IMF giúp đỡ về tài chính nhưng liệu IMF có vô tư giúp được Nga khi những yêu cầu của họ rất khắt khe đối với nước bị cấm vận, hơn nữa cho dù tổ chức này độc lập nhưng họ vẫn bị chi phối về cổ đông nắm giữ cổ phần lớn đó không ai khác chính là phương Tây. Một lần nữa kẻ cứu rỗi Nga lại chính là Trung Quốc.
Đức Dũng
Một học giả Bỉ đã từng nhận định, Nga đang có tham vọng trở lại thời hoàng kim xưa nhưng thực lực không đủ, nên rốt cuộc, Nga sẽ trở thành kẻ phá đám chiến lược của phương Tây về việc ngăn chặn một Trung Quốc hiếu chiến và thiếu trách nhiệm. Hay nói cách khác, cách hành xử của Putin hiện nay hoàn toàn phù hợp với lợi ích chiến lược của Trung Quốc về Giấc mộng Trung Hoa.