Các chuyên gia Nga cho rằng, rất có thể Hiệp định bảo hộ đầu tư mà Nhật Bản vừa mới ký với Ukraine sẽ trở thành vô nghĩa.
Tokyo thừa tiền mới đầu tư vào Ukraine
Đầu tháng 2 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định ký kết với Kiev thỏa thuận về thúc đẩy và bảo vệ đầu tư Nhật Bản, nhằm tăng dòng chảy vốn tư bản của Tokyo vào Ukraine – mà nước này coi là “thị trường đầy tiềm năng và hứa hẹn nhiều lợi ích to lớn hơn nữa”.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trong buổi lễ ký kết vào ngày 05 tháng 2 tại Kiev, có sự tham gia của Đại sứ Nhật Bản tại Ukraine Shigeki Sumi và Bộ trưởng Phát triển Kinh tế và Thương mại Ukraine Aivaras Abromavichyus.
“Việc ký kết văn kiện là phúc đáp yêu cầu khẩn khoản từ phía các công ty Nhật Bản” – Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố trong cuộc họp báo hôm thứ 6-2. Ông nhận định rằng đầu tư Nhật Bản là một thành tố của sự giúp đỡ mà chính giới Tokyo muốn dành cho Kiev.
Cựu Đại sứ Nga tại Nhật Bản, hiện là chuyên gia hàng đầu của Viện Mỹ và Canada (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga) ông Aleksandr Panov cho rằng, khi quyết định đầu tư vào Ukraine, chính phủ Nhật Bản có vẻ không mấy sáng suốt và chủ động.
Ông cho rằng, nhiều khả năng là Tokyo thông qua quyết định này dưới áp lực của Washington, vốn đang cố huy động mọi nguồn viện trợ kinh tế giúp cho Kiev. Nhật Bản sẽ thể hiện tình đoàn kết, nhưng chắc chắn cũng hiểu rằng đó sẽ là ném tiền theo gió bởi thị trường Ukraine cũng như nền kinh tế của nước này đều bị phá hủy tiêu điều.
Không ngẫu nhiên mà hồi tháng 11 năm ngoái có thông báo rằng Nhật Bản cùng với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) dự định cấp cho Ukraine 5,782 triệu USD viện trợ tài chính nhằm phục hồi những cơ sở hạ tầng xã hội quan trọng đã bị thiệt hại vì xung đột vũ trang trong khu vực Donetsk và Lugansk.
Cần lưu ý rằng, quyết định này được thông qua vào thời điểm có hiệu lực của thỏa thuận đình chiến. Khi đó, Kiev cố gắng thuyết phục các đồng minh phương Tây và Nhật Bản rằng thỏa thuận này sẽ kết thúc bằng việc chuyển Donetsk và Lugansk thành khu vực trong tầm kiểm soát của chính phủ Ukraine.
Hiện nay, Kiev muốn đạt được điều đó bằng phương tiện quân sự, cho nên đã tranh thủ khoảng ngừng bắn để điều thêm quân đến ranh giới lãnh thổ do dân quân Donetsk kiểm soát. Và ngay trong tháng 1-2015, quân đội Ukraine nhận lệnh của Tổng thống Poroshenko đã nối lại những cuộc tấn công dữ dội.
Động thái đó dẫn đến những thương vong dân sự, những nạn nhân mới và hủy hoại cơ sở hạ tầng trong khu vực Donbass. Tuy nhiên, cũng giống như trong tháng 9-2014, lực lượng ly khai đã sử dụng chiến thuật hiệu quả khiến quân đội Ukraine một lần nữa mấp mé trên bờ vực thất bại.
Song hành, cũng đang dần dần diễn ra tình trạng mất ổn định tình hình tại các vùng lãnh thổ Ukraine do chính quyền Kiev kiểm soát. Thanh niên nam giới chạy ra nước ngoài, kể cả sang Nga, để tránh tổng động viên quân dịch và bị đẩy vào cuộc nội chiến.
Các đơn vị vũ trang cực đoan trước đây từng tham chiến ở địa bàn đông nam Ukraine thì bây giờ tụ tập tại Kiev và tiến hành biểu tình trước các công sở, đòi lật đổ chính phủ và Tổng thống Poroshenko, kết tội họ về thất bại ở mặt trận. Nếu Kiev giải quyết không tốt vấn đề này thì rất có thể sẽ có một cuộc đảo chính mới xảy ra.
Và mặc dù trong hàng ngũ bên Kiev có hàng trăm nếu không nói là hàng nghìn lính đánh thuê phương Tây chống lại lực lượng ly khai, nhưng họ vẫn không thể bẻ gãy được sức mạnh của lực lượng vũ trang của DPR và LPR.
Kiev đòi phương Tây cấp các vũ khí hiện đại thế nhưng phương Tây ngần ngừ, không muốn cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội nước này, bởi e ngại rằng cuộc nội chiến ở Donbass sẽ leo thang, vượt qua biên giới Ukraine và biến thành cuộc chiến tranh lớn ở châu lục Âu.
Hoàn toàn rõ ràng là chỉ có thể đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến nếu chính quyền Ukraine chịu đàm phán nghiêm túc và chân thành với ban lãnh đạo của CHND Donetsk và CHND Lugansk. Tuy nhiên Kiev chưa sẵn sàng thương lượng. Kết cục là sự hỗn loạn ở Ukraine chỉ ngày càng tăng thêm.
Trong hoàn cảnh này, bất kỳ khoản đầu tư nào, trong đó có đầu tư của Nhật Bản vào nền kinh tế hầu như không tồn tại của Ukraine phải chăng đồng nghĩa với đổ tiền xuống sông xuống bể. Hay là bây giờ Nhật Bản đang thừa tiền để vung khắp nơi?
Học giả Nga: Tokyo nên ký Thỏa thuận bảo hộ đầu tư với Donbass
Các học giả Nga đã lên tiếng chê trách Nhật Bản đã sai lầm trong đầu tư vào Ukraine. Họ cho rằng, “thị trường và khoáng sản của Ukraine là mục tiêu tiềm năng đầy hứa hẹn cho đầu tư Nhật Bản” là đúng nhưng thỏa thuận bảo hộ đầu tư này phải ký với… Donbass, chứ không phải với Kiev.
Học giả Nga “lấy làm ngạc nhiên” bởi cách lựa chọn thời gian đối tác phía Nhật Bản để ký kết thỏa thuận. Thực tế là các doanh nghiệp Nhật Bản được đề xuất đầu tư vốn vào nền kinh tế của đất nước đang diễn ra nội chiến. Và điều đó làm nảy sinh một số vấn đề đạo đức và kỹ thuật nghiêm trọng.
Nhà nghiên cứu hàng đầu của Viện Nghiên cứu Quốc tế, thuộc Học viện MGIMO Andrei Ivanov bình luận, cộng đồng chuyên gia Nga có ý kiến là Tokyo đã ký kết Thỏa thuận bảo hộ đầu tư do tuân theo yêu cầu của Washington để hỗ trợ chế độ “dân chủ” Kiev, trái với những quan điểm về đạo đức.
Vấn đề đạo đức nằm ở chỗ, chính quyền Kiev bây giờ không phải do những nhà dân chủ lãnh đạo, mà là những kẻ tội phạm. Họ đã lật đổ Tổng thống được bầu một cách hợp pháp, đàn áp những người đối lập và tự do ngôn luận, ra lệnh cho quân đội tiêu diệt những người bất đồng với chính sách của họ ở Đông Nam Ukraine.
Hơn nữa, những nhân vật chính trị và kinh tế chủ chốt của Kiev hiện nay có quá khứ và hiện tại “đầy tỳ vết”, bằng chứng là những lời khai của nhân chứng được công bố hiện nay. Nhưng nếu như Tokyo không nhìn điều này, thì sự hợp tác như vậy cũng khó có thể thực hiện được.
Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Nhật Bản và Ukraine đã được ký kết tại thời điểm khi mà sự phản công của lực lượng ly khai đang thành công ở Nam và Đông Ukraine. Đó là các phản ứng đáp trả những hành động của các lực lượng vũ trang và băng nhóm dân tộc chủ nghĩa do Kiev kiểm soát.
Kiev không tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn Minsk và tiếp tục nã pháo vào các thành phố Donbass, hàng ngày giết chết dân thường. Hồi tháng 1, sau khi tập trung lực lượng, họ bắt đầu cuộc tấn công quy mô lớn vào các vị trí của lực lượng ly khai, thực hiện chỉ thị trực tiếp của Tổng thống Poroshenko.
Tuy nhiên, lực lượng vũ trang của DPR và LPR đã đẩy lùi tất cả các cuộc tấn công của quân đội Ukraine và phản công. Giải phóng lần lượt các thành phố, thị trấn, họ đã thu các trang, thiết bị do quân đội Kiev bỏ lại, bao gồm cả vũ khí sản xuất ở phương Tây, được trang bị cho quân đội các nước NATO.
Ông Andrey Ivanov nói rằng, chuyến thăm chớp nhoáng Kiev và Moscow mới đây của thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande nhằm mục đích khẩn trương ký kết một Thỏa thuận đình chiến khác nhằm cứu vãn quân đội Ukraine trước sự thất bại hoàn toàn.
Giống như hồi mùa thu năm ngoái. Khi đó, lực lượng dân quân ngừng tấn công, nhưng ông Poroshenko lợi dụng thỏa thuận này để tập hợp lực lượng và một lần nữa tấn công Donbass. Vì vậy, bây giờ, muốn thực hiện ngừng bắn, phe ly khai phải được đảm bảo rõ ràng rằng Kiev sẽ từ bỏ âm mưu tấn công vũ lực và cho Đông Nam quyền tự chủ thực sự.
Vì chuyên gia Nga này kết luận rằng, nếu Tổng thống Ukraine không làm điều đó, Moscow sẽ không thể thuyết phục các lực lượng ly khai của DPR và LPR ngừng tấn công. Và sau đó, có thể là một vài tháng tới, Tokyo sẽ nhận thức được rằng, lẽ ra Hiệp định bảo hộ đầu tư này không nên ký với các chính trị gia Kiev, mà phải ký với lãnh đạo Donbass!
Nhật Nam (theo Đất Việt)
- Gia nhập EU và NATO, nhưng không có Donbass - 9 câu hỏi về cuộc hội đàm Biden-Putin
- Ukraina, Mỹ và Ba Lan đã ký thỏa thuận đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt
- Các tên lửa hành trình của Ukraina có khả năng "khóa biển Azov"
- NƯỚC NGA TRONG CUỘC ĐỐI ĐẦU MỸ-TRUNG
- Bài phát biểu của tân tổng thống Ukraina Vladimir Alekseievich Zelensky.
- Portnikov: Zelensky nguy hiểm hơn nhiều đối với Putin so với Poroshenko
Trả lời